Thứ Bảy, 11/1/2014 15:11'(GMT+7)
Bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014
Cục Y tế dự phòng chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch, đặc biệt các bệnh cúm A(H7N9) và bệnh cúm A(H5N1), tay chân miệng, sốt xuất huyết… có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông-Xuân, nhất là dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội.
Ngày 10/1, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BYT đến lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị y tế các ngành về việc bảo đảm bảo công tác y tế trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014.
Cục Y tế dự phòng chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch, đặc biệt các bệnh cúm A(H7N9) và bệnh cúm A(H5N1), tay chân miệng, sốt xuất huyết… có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông-Xuân, nhất là dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát dịch tễ tại tuyến xã, huyện, các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh đầu tiên, không để lây lan, bùng phát thành dịch; truyền thông nguy cơ phòng, chống dịch để người dân chủ động phòng chống dịch, bệnh và không hoang mang, lo lắng.
Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm.
Đối với các địa phương có cửa khẩu quốc tế cần kiểm tra chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch, vùng có ổ dịch cũ để phát hiện, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam.
Cơ quan kiểm dịch phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên ngành trong việc kiểm tra, giám sát gia cầm, động vật, thực phẩm nhập khẩu và vận chuyển qua biên giới.
Cục An toàn thực phẩm chỉ đạo hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác bảo đảm về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn quản lý; tổ chức thường trực sẵn sàng điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh xây dựng và trình lãnh đạo Bộ phê duyệt Kế hoạch, thành lập các Đoàn kiểm tra các bệnh viện trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
Các bệnh viện Trung ương, bệnh viện được phân công chỉ đạo tuyến bảo đảm kế hoạch trực 24/24 giờ, lưu ý nhân lực và phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu do tuyến dưới chuyển lên, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho tuyến dưới khi có yêu cầu.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các bệnh viện trực 24/24 giờ, bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, sinh đẻ trong những ngày Tết, không được từ chối hoặc để chậm trễ trong trường hợp cấp cứu.
Trường hợp người bệnh nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển đi các cơ sở y tế phù hợp tuyến điều trị.
Các cơ sở khám, chữa bệnh phải có phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh và các phương tiện cấp cứu hiện có để sẵn sàng đáp ứng khi dịch xảy ra và phải bảo đảm tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị và cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch.
Cục Quản lý Dược chỉ đạo các bệnh viện, công ty dược phẩm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa) phải xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc phục vụ phòng bệnh và chữa bệnh để đảm bảo cung ứng đủ thuốc, có chất lượng, giá cả hợp lý; không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, tăng giá hàng loạt.
Chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc khi có yêu cầu phục vụ công tác cấp cứu hoặc phòng chống bệnh dịch, đặc biệt là bệnh dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm…/.