Theo các quyết định từ số 1596 đến 1601/QÐ-BGDÐT, ngày 27-4, Bộ GD và ÐT dừng tuyển sinh năm 2012 đối với ngành tài chính - ngân hàng của Trường ÐH Phú Xuân (Huế), ngành quản trị kinh doanh của Trường ÐH Thành Tây (Hà Nội), ngành kiến trúc của Trường ÐH Yersin Ðà Lạt và ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng của Trường CÐ Kỹ thuật - Công nghiệp Quảng Ngãi. Cả bốn ngành của các trường nói trên đều không có giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo quy định, tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá cao. Ngoài ra, Bộ GD và ÐT cũng quyết định dừng tuyển sinh năm 2012 đối với ngành khai thác vận tải của Trường CÐ Bách nghệ Tây Hà (Hà Nội) do ba năm liền, trường không tuyển sinh được. Ðáng chú ý, Trường CÐ Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội còn phải dừng tuyển sinh năm 2012 toàn bộ các khối ngành do chưa có đất xây dựng cơ sở vật chất riêng mà phải đi thuê địa điểm và cơ sở vật chất ngắn hạn; tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá cao. Cũng theo Bộ GD và ÐT sau thời hạn dừng tuyển sinh, nếu nguyên nhân dẫn đến việc dừng tuyển sinh được khắc phục, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét cho phép các trường nêu trên được tuyển sinh trở lại.
Việc Bộ GD và ÐT dừng tuyển sinh các ngành của các trường do không bảo đảm các điều kiện để tuyển sinh, đào tạo là cần thiết. Tuy nhiên, thời gian quyết định dừng tuyển sinh được ban hành sau khi thí sinh trên cả nước đã hoàn thành việc đăng ký dự thi năm 2012, đang gây nên những bức xúc trong dư luận. Theo Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường ÐH Phú Xuân, Nguyễn Ðình Ngộ: Việc đình chỉ tuyển sinh sẽ ảnh hưởng tuyển sinh của trường vì đã có kế hoạch chỉ tiêu. Do trường không tổ chức thi tuyển cho nên hiện nay cũng không nắm được có bao nhiêu thí sinh đăng ký thi, tuyển sinh vào ngành bị đình chỉ tuyển sinh để có giải pháp bảo đảm quyền lợi thí sinh.
Trao đổi ý kiến về vấn đề bảo đảm quyền lợi cho thí sinh đã đăng ký dự thi vào ngành mới bị đình chỉ tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Bùi Văn Ga cho biết: Ðể khắc phục thực trạng nói trên, khi đến ngày làm thủ tục dự thi, thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng của mình theo hai hướng: Một là, đăng ký một ngành khác không bị đình chỉ của trường đăng ký thi, tuyển sinh; hai là, vẫn đăng ký ngành dự thi, tuyển sinh như ban đầu nhưng sẽ dự tuyển sinh ở một trường khác có cùng mã ngành.
Vấn đề đặt ra, nếu đến ngày làm thủ tục dự thi, thí sinh mới được yêu cầu thay đổi nguyện vọng sẽ gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng kết quả các môn thi. Mặt khác, nếu Bộ GD và ÐT cho thí sinh đăng ký ngành bị đình chỉ bằng một ngành khác của trường dự thi thì không đúng với nguyện vọng của thí sinh. Trong khi, nguyện vọng đăng ký dự thi của thí sinh còn liên quan nhiều yếu tố như: gia đình, dự kiến việc làm khi ra trường... Nếu thí sinh giữ nguyên ngành đã đăng ký và dự tuyển vào trường khác có thể xảy ra tình trạng: điểm chuẩn của trường đăng ký sau cao hơn điểm chuẩn trường đăng ký ban đầu và học phí của các trường khác nhau... cho nên khó có thể phù hợp học lực học tập của thí sinh cũng như khả năng kinh tế của gia đình.
Trước những thắc mắc nêu trên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD và ÐT giao cho các cơ quan chuyên môn của Bộ GD và ÐT, nhất là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục sẽ có trả lời cụ thể về những băn khoăn trên của thí sinh. Tuy nhiên, cả Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cũng như các bộ phận liên quan của Bộ GD và ÐT đều đùn đẩy và không giải thích được những khúc mắc về hậu quả của quyết định dừng tuyển sinh không đúng thời điểm của Bộ GD và ÐT đối với thí sinh dự thi năm 2012.
Có thể nói, việc dừng tuyển sinh năm 2012 một số ngành của một số trường ÐH, CÐ là phù hợp các quy định về điều kiện mở ngành, tuyển sinh nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo. Mặt khác Bộ GD và ÐT cần sớm có giải pháp để bảo đảm những quyền lợi thiết yếu với những người liên quan, nhất là thí sinh dự thi năm 2012.