Thứ Ba, 1/10/2024
Môi trường
Thứ Hai, 29/12/2008 15:4'(GMT+7)

Báo động đỏ về ô nhiễm nguồn nước ngầm ở Hà Nội

Ảnh: KevdeBabe

Ảnh: KevdeBabe

Nghiên cứu mới đây nhất của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc cho thấy mức ô nhiễm asen trong nguồn nước ở Hà Nội đã lên tới 40 lần so với mức độ cho phép, nhiều điểm khác có mức ô nhiễm tới 20 lần. Ô nhiễm amôni (NH4+) cũng vượt mức cho phép 20 – 30 lần. Cùng với đó tốc độ lún ở một số điểm trong thành phố cũng đã tới mức báo động.

Lượng asen, amôni quá cao

TS Nguyễn Văn Đản, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc cho biết kết quả nghiên cứu mới đây của Liên đoàn cho thấy việc khai thác và đi kèm với đó là chất lượng nước ngầm của thành phố ở nhiều khu vực đã ở mức đáng báo động.

Theo nghiên cứu này, về cơ bản nguồn nước ngầm tự nhiên ở Hà Nội là sạch dù lượng sắt và mangan trong nước ở Hà Nội khá lớn. Điều quan tâm nhất hiện nay về mặt nước nhiễm bẩn ở Hà Nội là hàm lượng asen (còn gọi là thạch tín), amôni (NH4), sinh ra từ các vật chất hữu cơ, xác động vật, chất thải lỏng và rắn…,  trong nước quá cao. Những điểm ô nhiễm asen đáng lưu ý mà Liên đoàn ghi nhận được là ở Đan Phượng (Hà Tây cũ) với mức 0,4 microgram/lít – cao hơn 40 lần so với tiêu chuẩn cho phép (tiêu chuẩn cho phép là 0,01 microgram/lít). Một số khu vực ở Hà Nội cũng bị xếp vào diện phải báo động như khu vực Nam Dư thuộc huyện Thanh Trì với những điểm ô nhiễm Hoàng Mai, Quỳnh Lôi…ở mức 0,1 đến 0,2 microgram/lít (cao gấp 10 đến 20 lần so với mức cho phép). Một số điểm khác mức ô nhiễm chừng 10 lần so với mức cho phép cũng được ghi nhận như khu vực ven sông Hồng. Khu vực phía Bắc Hà Nội không có ghi nhận hiện tượng nhiễm asen.

Điểm đáng báo động nhất hiện nay trong lĩnh vực cấp nước ở Hà Nội là việc nguồn nước nhiễm amôni (NH4+). Hàm lượng cho phép là dưới 1,5 mg/lít nhưng nhiều khu vực ở Hà Nội có mức nhiễm nặng, cao hơn 20 – 30 lần mức cho phép, như: Hạ Đình, Pháp Vân, Định Công, Kim Giang, Bạch Mai, Bách Khoa, Kim Liên, Quỳnh Mai. Một số khu vực có hàm lượng nhiễm NH4 lớn hơn 10 lần cho phép ở Hà Nội là khu vực phía Nam thành phố, Tương Mai, Ngô Sĩ Liên, Đồn Thủy, Nhổn với diện tích nguồn nước bị nhiễm lên tới gần 10 km2 và một số điểm nhỏ lẻ ở khu vực Gia Lâm. Cùng với đó, việc cung cấp nước ở Hà Nội hiện nay, đặc biệt là những khu đô thị mới, cũng cần chú ý việc xử lý sắt không triệt để, chất lượng nước không đảm bảo, nước nhiễm khuẩn, nhiễm E.Coli và Coliform đã từng được ghi nhận ở các khu đô thị mới như Trung Hòa – Nhân Chính, Đại Kim, Mễ Trì, Định Công, Linh Đàm. Ở các nước thường người ta ít khi khai thác và sử dụng trực tiếp các nguồn nước lấy từ trong lòng thành phố mà khai thác từ các nguồn nước ở cách thành phố hàng chục cây rồi dẫn về.

“Bội thực” các lỗ khoan

Về nguyên nhân dẫn đến việc nguồn nước cho Hà Nội bị nhiễm bẩn, theo phân tích của TS Nguyễn Văn Đản, là do phải chịu quá nhiều lỗ khoan: Khoan thăm dò, khai thác, lỗ khoan cho xây dựng và cả một phần do khai thác nước quá nhiều. Nước khai thác nhiều dẫn tới nước chảy mạnh, tốc độ thấm nước nhanh hơn kéo theo các chất bẩn ngấm vào nguồn nước và tình trạng lún cục bộ ở các khu vực. Cùng với đó, các giếng khoan của tư nhân sau khi không sử dụng đã không được lấp đúng cách khiến các chất độc hại theo đường giếng chui vào mạch nước ngầm cũng là nguyên nhân khiến nước ngầm của thành phố bị ô nhiễm. 

“Hiện tất cả các chất thải của thành phố đều được đưa về khu vực phía Nam. Các con sông Lừ, Nhuệ, Sét… đều đổ về phía Nam trong khi các bãi rác lớn và những khu gây ô nhiễm lớn của thành phố như Văn Điển, Mễ Trì, nghĩa trang Văn Điển cũng nằm trên khu vực này. Theo xác định của chúng tôi, thành phố hiện có khu vực nhiễm amôni nặng điển hình lên tới 100 km2 ở khu vực phía Nam với ranh giới áng chừng từ Ngã Tư Sở -Ngã Tư Vọng- Pháp Vân- Văn Điển rồi đến Hà Đông. Ngay các khu đô thị kiểu mẫu như Định Công, Linh Đàm trước đây cũng phải đối mặt với ô nhiễm amôni trong suốt một thời gian dài”- Ông Đản cho biết.

Liên quan đến việc khai thác nước ngầm ở Hà Nội, đại diện Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc khuyến cáo thành phố chỉ nên duy trì bãi giếng ven sông. Theo đó ở khu vực Hà Nội cũ các bãi giếng phía Nam thành phố đã giăng hết trong khi khu vực phía Bắc thành phố vẫn còn nhiều đất và cần hướng tới việc khai thác ở khu vực này. Còn đối với những bãi giếng xa sông, những điểm khai thác nước nhiều gây tác động nhiều đến môi trường thì cần xóa bỏ. Cụ thể khu vực Hạ Đình và Pháp Văn cần xóa bỏ nhường chỗ cho nước sông Đà. Đây là những khu vực bị ảnh hưởng của môi trường quá lớn trong khi lượng nước khai thác ở đây không đáng bao nhiêu. Cùng với đó những bãi xa sông như Ngô Sĩ Liên, Tương Mai, Ngọc Hà, Mai Dịch… là những khu không nên phát triển thêm các nhà máy nước. Sau một thời gian nếu cần thiết thậm chí cần phải giảm khai thác tại những khu vực này.

Khi nồng độ amôni trong nước cao, rất dễ sinh nitrit (NO2). Trong cơ thể động vật, nitrit và nitrat có thể biến thành N - nitroso - là tiền chất có khả năng gây ung thư. Việc sử dụng nước bị nhiễm bẩn NH4+ hay nitrat gây nguy hiểm cho sức khỏe, trong đó trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Trẻ em uống nước bị nhiễm bẩn NH4+ hay nitrat có thể dẫn tới tử vong nếu nồng độ cao và nồng độ thấp cũng gây ra bệnh xanh xao, chậm phát triển. Nitrat tạo ra chứng thiếu vitamin và có thể kết hợp với các amin để tạo nên những nitrosamin là nguyên nhân gây ung thư ở người cao tuổi.

Những bãi khai thác nước tập chung chính của Hà Nội hiện nay do Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội quản lý với khoảng 160 giếng khoan có công suất khai thác 500.000 m3/ngày. Cùng với đó là khoảng 500 giếng khoan khai thác đơn lẻ của các đơn vị với mức khai thác thấp, chưa đến 200.000 m3/ngày và trên 1 vạn giếng khoan tự tạo trên địa bàn Hà Nội. Tổng lượng nước khai thác mỗi ngày ở Hà Nội ở mức trên 700.000 m3/ngày.

“Để bảo vệ nguồn nước của Hà Nội cần tính đến quy hoạch lại các nghĩa trang, các bãi rác thải của Hà Nội. Riêng đối với các bãi rác của thành phố cần chống thấm chất bẩn xuống nguồn nước bằng cách gia cố các vải kỹ thuật. Nước thải từ các bãi rác này phải thu gom lại và xử lý đặc biệt. Những bãi rác rơi vào tình trạng “đã rồi” như bãi rác Mễ Trì trước đây cần tuyệt đối không để xảy ra nữa. Cùng với đó cần lập lại trật tự trong quy hoạch việc cấp nước, thoát nước và bãi thải của thành phố”- TS Nguyễn Văn Đản đề xuất.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đản, về nguyên tắc thì các trận mưa thường có vai trò rất tích cực đối với nguồn nước ngầm. Thế nhưng, các trận mưa ngập vừa rồi trên địa bàn thành phố đã làm nguồn nước thêm ô nhiễm./.

Vũ Hạnh (VOVNews)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất