Chủ Nhật, 24/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Bảy, 24/9/2011 22:25'(GMT+7)

Báo động mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam

Tỷ lệ mất cân bằng giới tính ở Việt Nam đang ở mức báo động

Tỷ lệ mất cân bằng giới tính ở Việt Nam đang ở mức báo động

Một trong những vấn đề đáng báo động trong công tác dân số hiện này là tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam. Tỷ số giới tính khi sinh được tính là số trẻ trai trên 100 trẻ gái. Qua 3 cuộc tổng điều tra dân số, cứ 10 năm tỉ số giới tính khi sinh tăng 1 điểm %, nhưng từ năm 2006 đến nay, tỉ số giới tính khi sinh đã tăng cao và tăng nhanh bất thường. Năm 2006 là 110 bé trai/100 bé gái, năm 2007 là 111, năm 2008 là 112. Mỗi năm tăng 1 điểm %, gấp 10 lần so với trước đây. Điều này đã trở thành điểm nóng và vấn đề bức xúc của Việt Nam từ năm 2006 đến nay.

Ở nông thôn và thành thị cũng có những sự chênh lệch khác nhau giữa tỉ số giới tính khii sinh. Tỷ số giới tính khi sinh ở thành thị cao hơn nông thôn và đều mất cân bằng. Giữa các vùng miền cũng có sự chênh lệch khác nhau. Đồng bằng sông Hồng, tỉ số giới tính khi sinh là 115,4 trong khi đó ở Tây Nguyên là 105,6. Càng những vùng kinh tế phát triển thì tỉ số giới tính khi sinh càng cao. Qua thống kê cho thấy, 45 tỉnh trên cả nước có tỉ số giới tính khi sinh cao hơn mức bình thường. Đó là các tỉnh Hưng Yên 130,7; Hải Dương 120,2; Bắc Ninh 119,4... Những tỉnh xung quanh Hà Nội có tỉ số giới tính khi sinh là cao nhất, ngay ở Hà Nội là 118 bé trái/100 bé gái.

Tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam tăng cao ngay từ lần sinh đầu tiên. Các nước khác thì tỉ số giới tính ở lần sinh đầu không tăng cao, vẫn tuân theo quy luật tự nhiên. Việt Nam đã “cố tình” chọn lọc giới tính ngay từ lần sinh thứ nhất. Lần sinh thứ 2, tỉ số giới tính khi sinh thấp hơn lần đầu và lần thứ 3 lại cao nhất. Trong nhân khẩu học, người ta gọi đây là quy luật “dừng” (khi nào đẻ được con trai mới dừng lại). Theo trình độ học vấn, bà mẹ càng cao, tỉ số giới tính khi sinh càng cao. Tính theo tình trạng kinh tế, bà mẹ càng giàu, tỉ số giới tính khi sinh càng cao. Tỉ số giới tính khi sinh càng cao sẽ gây nên một loạt các nguy cơ về kinh tế, an ninh, văn hóa, xã hội. Chúng ta sẽ thiếu phụ nữ trong những lĩnh vực, ngành nghề: nhà trẻ, tiểu học, may mặc… Tất cả những tác động này không hoàn toàn chỉ do mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng mất cân bằng giới tính khi sinh là một trong những nguyên nhân chủ yếu, quan trọng.

Thống kê tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam giai đoạn 1979 -2009


Nếu cứ để tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp diễn, Việt Nam sẽ có nguy cơ thừa khoảng 2.3 – 4.3 triệu nam giới. Điều này đồng nghĩa với việc số nam giới này sẽ không được lấy vợ người Việt Nam, buộc phải “nhập khẩu” cô dâu. Giống như ở Hàn Quốc, Đài Loan đã có rất nhiều các cô dâu Việt Nam. Hầu hết những người đi làm cô dâu đều có học vấn rất thấp, không có công ăn việc làm. Các chú rể ở ở nước ngoài tìm cô dâu Việt Nam cũng có học vấn rất thấp, công ăn việc làm hạn chế. Nhiều cô dâu Việt Nam những tưởng sang bên kia được đổi đời nhưng thực tế không phải như vậy. Vậy Việt Nam sẽ nhập khẩu cô dâu ở đâu? Đây là câu hỏi còn được bỏ ngỏ. Những cụ ông cụ bà, các ông bố bà mẹ muốn có người nối dõi tông đường, muốn thờ cúng, nhưng liệu sau này cháu mình sẽ lấy ai đây? Đây thực sự là một câu hỏi các bậc phụ huynh cần được đặt ra trước khi lựa chọn giới tính thai nhi.

TS Dương Quốc Trọng đã dẫn lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đây là hành động tự sát, tự sát tập thể nếu như chúng ta cứ mải mê đẻ cho được một người nối dõi tông đường.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới mất cân bằng giới tính. Nhóm nguyên nhân cơ bản nhất gây mất cân bằng giới tính khi sinh là cần có người nối dõi tông đường, mang họ cha, thờ cúng, thừa kế; chỗ dựa cho người già. Hay đó là sức ép cộng đồng có những quan niệm sai lệch: bản lĩnh đàn ông…

Nhóm nguyên nhân phụ trợ là áp lực giảm sinh mà vẫn phải có con trai, nên tìm mọi cách để lựa chọn giới tính. Do nhu cầu phát triển kinh tế, vì một số ngành nghề nếu không có nam giới thì không thể phát triển được như đánh bắt xa bờ, khai khoảng lâm thủy sản… Do chế độ an sinh chế độ xã hội của chúng ta chưa đảm bảo; người già cần phải sống với con cái, mà luật bất thành văn là phải sống với con trai.

Nhóm nguyên nhân thứ ba là nguyên nhân trực tiếp do áp dụng, lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính trước sinh. Từ trước lúc có thai đã áp dụng các chế độ ăn uống, ngày phóng noãn,… Trong lúc thụ thai đã tính toán thời điểm phóng noãn, phương pháp thụ tinh, lọc rửa tinh trùng… Khi đã có thai thì siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối…

TS Dương Quốc Trọng cũng cho biết trên cơ sở những nguyên nhân này, chúng ta có những giải pháp để giảm tỉ số giới tính khi sinh. Với nhóm nguyên nhân thứ nhất, mong muốn có con trai, phải có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, phải có sự giải thích, tuyên truyền, để làm sao mọi người thấy được nguy cơ của việc lựa chọn giới tính trước khi sinh. Làm thế nào để mọi người quan niệm sinh con trai cũng như con gái. Đây là việc làm bền bỉ, thuyết phục, cần có thời gian, không thể nóng vội. Hiện nay Việt Nam đã đạt được tổng tỉ suất sinh trong toàn xã hội là 2 con. Đó là điều kiện rất tốt để chúng ta giảm tỉ suất giới tính khi sinh.. Rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống tuyên giáo, các báo cáo viên thuyết phục các cặp vợ chồng, để họ thấy được hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính.

Với nhóm nguyên nhân thứ 2, cần điều chỉnh mức sinh cho hợp lý giữa các vùng miền. Tiếp theo là đảm bảo các chế độ an sinh xã hội, đặc biệt là với người già, để các cặp vợ chồng cảm thấy yên tâm sinh con trai cũng như con gái. Cần thay đổi cơ cấu kinh tế các vùng miền, đặc biệt là các nơi cần có sức lao động của nam giới.

Với nhóm nguyên nhân thứ 3, phải nghiêm chỉnh thực thi pháp luật. Pháp luật đã nghiêm cấm chuẩn đoán, lựa chọn giới tính của thai nhi dưới mọi hình thức. Cần phải thực hiện nghiêm quy định này và xử lý hành vi về vi phạm trong việc lựa chọn giới tính thai nhi.

Một số đề xuất về công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác kế hoạch hóa dân số thời gian tới

Tại hội nghị, TS Dương Quốc Trọng cũng đưa ra một số kiến nghị về công tác lãnh đạo, chỉ đạo để công tác kế hoạch hóa dân số thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn.

Thứ nhất, hệ thống tuyên giáo cùng với ngành dân số sẽ cố gắng làm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân trong công tác dân số. Trước đây, công tác dân số chỉ chú trọng về số lượng, giảm tốc độ gia tăng dân số càng nhiều càng tốt. Bây giờ, cần chuyển hướng từ số lượng sang chất lượng, để làm sao nâng cao chất lượng dân số, làm sao có được cơ cấu dân số hợp lý trong thời gian tới. Tùy theo điều kiện của từng vùng miền, phải có các biện pháp cho phù hợp với từng địa phương.

Thứ hai, về tổ chức bộ máy của công tác dân số còn rất khác nhau giữa các địa phương. Cần kiện toàn, thống nhất mô hình, tổ chức bộ máy để làm thật tốt công tác dân số. Công tác dân số đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và các ngành khác, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương.

Thứ ba, cần tăng cường hơn nữa nguồn lực quốc gia và nguồn lực của địa phương trong công tác dân số, khích lệ động viên những người làm công tác dân số.

Thứ tư, cần triển khai đồng bộ toàn diện các biện pháp về công tác dân số, không chỉ giảm sinh mà còn đảm bảo cơ cấu dân số, chất lượng dân số. Cần quan tâm hơn nữa tới công tác phân bố dân cư, quản lý dân cư.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất