Từ nhiều năm nay, tình trạng trẻ em thiếu sân chơi giống như câu chuyện cũ dài kỳ lan man chẳng đầu chẳng cuối. Bất cứ ở đâu, cơ quan chức năng nào người ta cũng có thể nghe thấy những lời phàn nàn xen lẫn hứa hẹn có điểm xuyết những tiếng thở dài đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan này nọ. Nhưng, cũng như báo chí từng lên tiếng nhiều lần, vấn đề cứ rộ lên rồi lại rơi tõm vào đâu đó. Còn những "trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai" thì cứ dài cổ ngóng chờ trong sự lo lắng cùng ít nhiều thất vọng của các bậc phụ huynh...
Những con số vô tình
Lâu nay, cứ nhắc đến chuyện sân chơi cho trẻ em, bất cứ ai cũng phải ái ngại khi nghe các cơ quan chức năng 'bày tỏ' năm cái thiếu cơ bản gồm: cơ sở vui chơi giải trí; quy hoạch về phát triển các cơ sở vui chơi; sự quan tâm đầu tư của các cấp lãnh đạo; sự quản lý về chất lượng đồ chơi, trò chơi; các quy định về luật pháp chính sách cũng như việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho thấy: Trong 5 năm trở lại đây, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em cấp xã, phường, hệ thống nhà văn hóa thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện tăng không đáng kể và không đáp ứng được nhu cầu.
Và đây nữa. Hiện cả nước có khoảng 23,63 triệu trẻ em, chiếm 27,5% dân số, trong đó 1,53 triệu em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Số lượng trẻ em tăng dần theo từng năm (dự báo sau năm 2020 tỷ lệ dân số trẻ em sẽ tăng lên 30%). Trong khi đó, số lượng điểm vui chơi, giải trí tăng không đáng kể. Năm 2003, hệ thống nhà văn hóa thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện là 274, năm 2005 tăng lên 304, năm 2008 tăng lên 307... Và như vậy, hiện cả nước mới có khoảng 148 điểm vui chơi cấp tỉnh, 770 điểm vui chơi cấp huyện, 4.200 điểm vui chơi cấp xã, phường, 3.673 nhà văn hóa cấp xã, 37.134 nhà văn hóa thôn, bản. Riêng hệ thống nhà hát phục vụ thiếu nhi không tăng về số lượng.
Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001-2010 cũng cho thấy rất nhiều chỉ tiêu được đưa ra nhưng không hoàn thành (chẳng hạn mục tiêu 50% số xã, phường có điểm vui chơi cho trẻ em đạt tiêu chuẩn, nhưng nay mới đạt 38,4%; hay 100% số quận, huyện có trung tâm vui chơi cho trẻ em, nay mới đạt 47%...) do nhận thức của một số bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương về nhiệm vụ được giao chưa đầy đủ, còn phiến diện... Lãnh đạo nhiều cơ sở chưa nhận thức đúng về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Một bộ phận nhân dân chưa thấy hết trách nhiệm của gia đình trong lĩnh vực quan trọng này...
Còn nữa. Theo các cơ quan chức năng, trong vòng 5 năm (2005-2009), tổng số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 36.130, nghĩa là trung bình mỗi tháng có khoảng 600 trường hợp đau lòng như vậy xảy ra. Riêng năm 2010 vừa qua, tỷ lệ trẻ em bị tai nạn thương tích là 875/100.000, trong đó đuối nước là nguyên nhân hàng đầu, sau đó đến tai nạn giao thông, bỏng...
Chẳng hay, những con số trên đây là vô tình hay vô cảm?!
Ðừng chậm trễ thêm nữa
Còn nhớ Quyết định 37/2010/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp tạo môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em để tất cả các em đều có sự khởi đầu tốt đẹp nhất trong cuộc sống, có cơ hội phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách... Với tinh thần đó, trong những dự án quy hoạch xây dựng của các tỉnh thành, chính quyền đều yêu cầu phải dành quỹ đất xây sân chơi cho trẻ. Thế nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng tuân thủ quy định như vậy. Và nếu có thì sân chơi cho trẻ em phần lớn chưa đạt tiêu chuẩn hoặc nhắm đến yếu tố kinh doanh.
Tất nhiên, đã đến lúc trách nhiệm tạo ra sân chơi cho trẻ không chỉ dựa hết vào Nhà nước mà cần được xã hội hóa. Nhà nước cũng nên tạo điều kiện hơn để các cá nhân, đơn vị có năng lực, tâm huyết đầu tư xây dựng sân chơi cho trẻ em. Nhưng trước hết, trong hoàn cảnh thực tế hiện nay, là những người có trách nhiệm cao nhất với con cái mình, các bậc phụ huynh hãy biết tự 'cứu' con mình trước. Nói cách khác, cha mẹ hãy là người đầu tiên quan tâm và tạo sân chơi cho trẻ em theo khả năng và điều kiện của mình. Sở dĩ phải đề cập tới điều này, vì trên thực tế không ít bậc cha mẹ mải lo công việc riêng, để mặc con mình tự chơi, tự chọn loại hình giải trí mà không dành thời gian nhất định để có thể chơi cùng con, cũng như định hướng loại hình vui chơi giải trí cho con trẻ. Tệ hơn, một số em còn bị 'nhốt' trong nhà, tự xem ti-vi hay chơi game, thiếu hẳn quyền được vui chơi tập thể, giao lưu với cộng đồng. Ðiều này đã vô tình đẩy các em tới căn bệnh thụ động và ích kỷ.
Tiếc thay, cho tới nay, cái có thể nói tới vẫn chỉ là những con số... vô hồn. Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 đặt mục tiêu đến năm 2020 có 45% xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em; 40% huyện và 100% tỉnh có nhà văn hóa thiếu nhi; quy hoạch mạng lưới các trung tâm vui chơi, giải trí, các nhà thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện, điểm vui chơi giải trí cấp xã hoặc liên xã. Và, tương tự như vậy, với chủ trương 'Vì môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ', Tháng hành động vì trẻ em năm nay đã hướng đẩy mạnh việc vận động toàn xã hội xây dựng một môi trường giảm thiểu rủi ro... Nhưng, biết rồi, khổ lắm!... Nếu chúng ta không khẩn trương có những việc làm thiết thực thì những chỉ tiêu và con số trên đây sẽ tiếp tục mắc lỗi với con trẻ. Xin đừng chậm trễ nữa!
Theo Nhân dân