Thứ Tư, 9/10/2024
Đời sống
Thứ Hai, 2/8/2010 21:41'(GMT+7)

Báo động tai nạn đường sắt ở đường ngang dân sinh

Đặc biệt, số vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại các điểm đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt chiếm đa số. Song việc khắc phục lại khá chậm do sự thờ ơ của chính quyền địa phương.

Thủ phạm là đường ngang dân sinh

Theo ông Phạm Văn Bình - Trưởng ban ATGT đường sắt thuộc TCty Đường sắt VN - thì thủ phạm của hơn 60% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt là do đường ngang dân sinh (ĐNDS) được mở tuỳ tiện qua đường sắt. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2010, trong số 263 vụ TNGT đường sắt có 162 vụ xảy ra tại các ĐNDS, 10 vụ xảy ra trên đường ngang có thiết bị cảnh báo tự động - CBTĐ (thiết bị CBTĐ hoạt động tốt), 2 vụ xảy ra trên đường ngang có gác (gác chắn đóng chắn đúng quy định); còn 74 vụ xảy ra dọc đường. Địa phương xảy ra nhiều nhất là Hà Nội 39 vụ; Nghệ An 24 vụ. Tuyến đường xảy ra nhiều nhất là tuyến Bắc - Nam 199 vụ, Hải Phòng 24 vụ.

Một điều đau lòng là các vụ tai nạn nghiêm trọng đa số xuất phát từ việc người dân cố tình vượt ĐNDS. Thống kê cho thấy trong số 107 người bị chết và 163 người bị thương do TNGTĐS có 69 người bị chết, 107 người bị thương do cố tình vượt qua ĐNDS không quan sát khi tàu đã đến gần. Ngay cả tại các đường ngang có thiết bị CBTĐ cũng có 1 người bị chết, 10 người bị thương do cố tình vượt qua đường ngang khi thiết bị đã cảnh báo có tàu. Ngoài ra, 33 người bị chết, 36 người bị thương do cố tình vượt qua đường sắt hoặc đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt. Đau xót hơn là 143 người bị thương trong độ tuổi lao động.

Nguyên nhân chính gây tai nạn GTĐS trong 6 tháng đầu năm theo đánh giá là do hệ thống ĐNDS còn quá nhiều, trong khi ý thức chấp hành luật lệ ATGTĐS của người dân lại quá yếu. Ông Bình nhấn mạnh: Thống kê 6 tháng đầu năm 2010 cho thấy có tới 236/263 vụ (chiếm 90%) tai nạn xảy ra trên các ĐNDS và dọc đường do người và các phương tiện tham gia giao thông đường bộ cố tình vượt qua đường sắt, không quan sát khi tàu đã đến gần nên đâm vào tàu. Mặt khác, người dân đã cố tình đi lại, nằm, ngồi trên đường sắt phớt lờ cảnh báo của ngành, vi phạm hành lang ATGTĐS nên bị tàu cán.

Địa phương cần vào cuộc xoá bỏ ĐNDS

Việc xoá bỏ triệt để các ĐNDS đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ 1856 ngày 27.12.2007. Theo lộ trình kế hoạch, đến năm 2020 hành lang an toàn giao thông đường sắt sẽ được lập lại theo tiêu chuẩn và các đường ngang giao cắt đồng mức cũng được xoá bỏ. Tuy nhiên, hiện nay muốn xoá bỏ hệ thống ĐNDS cần xây dựng hệ thống đường gom thay thế, mà tiến trình này nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào các địa phương.

Ông Bình cho biết, vừa qua Hiệp hội Bảo hiểm VN đã tài trợ xây dựng hơn 1km đường gom đường sắt tại thị xã Tam Điệp, Ninh Bình. Ban đầu người dân phản đối quyết liệt bởi thói quen đi lại tự do đã ăn sâu vào tiềm thức. Tuy nhiên nhờ chính quyền địa phương và TCty Đường sắt vận động tuyên truyền nên người dân đã đồng ý tháo dỡ di dời phần lấn chiếm hành lang ATGTĐS để xây đường gom. Sau khi đường gom được xây dựng xong, các hộ dân lại rất hài lòng thấy môi trường cảnh quan được cải thiện. TNGT ĐS cũng nhờ đó giảm thiểu.

Tuy nhiên cũng một dự án tương tự tại Nam Định thì việc triển khai đang bị chậm do địa phương chưa giao được mặt bằng. “Theo kế hoạch đáng lẽ dự án đã được khởi công vào tháng 5 hoặc cùng lắm là tháng 6.2010 vì các khâu đã chuẩn bị xong hết. Nhưng đến nay, chúng tôi cũng chưa được địa phương giao mặt bằng” - ông Bình bức xúc./.

Theo Lao Động online

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất