Thứ Sáu, 22/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 20/7/2022 10:35'(GMT+7)

Báo động tình trạng bất bình đẳng tại các quốc gia Trung Mỹ

Nhiều người dân tại các quốc gia Trung Mỹ phải sống trong tình trạng nghèo đói. (Ảnh: AFP)

Nhiều người dân tại các quốc gia Trung Mỹ phải sống trong tình trạng nghèo đói. (Ảnh: AFP)

Những tòa nhà sang trọng, dinh thự khang trang và hiện đại mọc lên cạnh những khu ổ chuột, khu định cư tạm bợ; đường phố hào nhoáng ở những khu dân cư giàu có cùng tồn tại với những con phố bẩn thỉu, xơ xác là nơi sinh sống của người vô cư.

Đó là thực trạng chênh lệch giàu nghèo diễn ra hằng ngày, hằng giờ ở Trung Mỹ, một trong những khu vực bất bình đẳng nhất trên thế giới.

Với khoảng 40 triệu dân, Trung Mỹ là ví dụ điển hình phản ánh thực tế của toàn bộ Mỹ Latinh và Caribe, khu vực vốn đã mắc kẹt trong tình trạng bất bình đẳng gay gắt và tăng trưởng trì trệ trong nhiều năm. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội do đại dịch COVID-19 bùng nổ.

Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cảnh báo những tiến bộ đạt được trong những năm đầu thế kỷ 21 là không đủ để giúp Mỹ Latinh và Caribe thoát khỏi vị trí bất bình đẳng thứ hai trên thế giới và là nơi có những nền kinh tế kém năng suất nhất.

Phó Đại diện thường trú UNDP tại Panama, Aleida Ferreyra, cho rằng tình trạng này là do tập trung quyền lực vào tay một nhóm thiểu số, các chính sách bảo trợ xã hội phân tán và kém hiệu quả.

Trung Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề do tình trạng nghèo đói. Tỷ lệ này đã tăng vọt ở Honduras (73%) và Guatemala (60%), trong khi Costa Rica ghi nhận mức 26,2%, El Salvador là 22,8% và Panama là 12,3%.

Báo cáo “Mỹ Latinh trước cuộc khủng hoảng COVID-19: Kinh tế - xã hội dễ tổn thương và phản ứng xã hội” của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe thuộc Liên hợp quốc (ECLAC) ước tính đến cuối năm 2020 hơn 50% dân số Nicaragua đã rơi vào cảnh nghèo đói và 22% nghèo đói cùng cực do tác động của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, ngay cả tình trạng nghèo đói cũng thể hiện sự bất bình đẳng. Chẳng hạn, ở Panama, tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2017 là 95,4% tại Ngäbe-Buglé nơi sinh sống của người bản địa, trong khi ở cấp quốc gia con số này chỉ là 19,1%.

Trong giai đoạn 2019-2021, hầu như tất cả các quốc gia Trung Mỹ đều có hệ số Gini (biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một đất nước) trong khoảng từ 40 đến trên 50, tức là rất cao so với mặt bằng chung thế giới.

Costa Rica vẫn nằm trong nhóm có chỉ số phát triển con người rất cao, nhưng trong những năm gần đây, các chỉ số về nghèo đói, thất nghiệp và bất bình đẳng đã suy giảm.

Giám đốc Viện Thống kê Quốc gia Honduras, ông Eugenio Sosa, nhận định tình trạng bất bình đẳng hiển hiện trên các đường phố ở thủ đô Tegucigalpa, nơi nhiều người già, thanh niên và trẻ em phải hành nghề ăn xin.

Theo ông Sosa, nghèo đói và bất bình đẳng đã và đang đẩy nhiều thanh niên sa vào “nền kinh tế bạo lực”.

Còn tại Guatemala City, sự tương phản giữa cuộc sống xa hoa tột cùng của thiểu số và nghèo đói của đa số thể hiện qua một so sánh “giật mình.”

Ở khu đô thị mới Cayala, mỗi mét vuông đất xây dựng có giá trên 2.000 USD, nhưng cách đó chỉ 10km, giá đất chỉ rẻ bằng 1/4 ở Vùng 18, nơi dịch vụ giao hàng không dám vào tận nơi vì lo ngại an toàn.

Ở Panama City, người ta có thể bắt gặp một trung tâm mua sắm xa xỉ, một toà tháp có đại lý Ferrari, nằm bên cạnh khu phố nghèo của dân đánh cá.

Còn tại El Salvador, hơn một nửa dân số phải sống chen chúc (ít nhất 3 người ở chung một phòng), và cứ 10 ngôi nhà thì có 4 công trình là nhà sàn đất, mái bằng tôn hoặc vật liệu phế thải và không có dịch vụ nước máy nội bộ.

Tình trạng còn tồi tệ hơn ở những khu định cư trái phép mọc lên ở mọi quốc gia trong khu vực./.

Hồng Hạnh (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất