Việc tự ý đánh người tình nghi phạm tội đã là phạm pháp, việc đánh oan người vô tội không những phạm pháp mà còn ảnh hưởng những giá trị đạo đức xã hội.
Những ngày gần đây, dư luận và xã hội xôn xao trước các thông tin về "người dân đốt xe ôtô của người hỏi mua đồ gỗ", "đánh đập dã man hai người phụ nữ bán tăm dạo"… mà người dân nghi là bắt cóc trẻ em. Điều đó không những gây tâm lý bất an, hoang mang trong xã hội mà còn cho thấy tình trạng người dân “tự xử” những người mà họ nghi là có hành vi vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng. Điều này, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ tạo ra những hiệu ứng nguy hiểm gây bất ổn, thậm chí là hỗn loạn xã hội.
Thực ra, việc người dân đánh hội đồng khi bắt được người trộm chó hay nghi bắt cóc trẻ em… diễn ra đã nhiều năm nay. Tuy nhiên, có lúc dư luận lại biện hộ rằng, đó chỉ là do người dân quá bức xúc, vì vậy hành vi đó chưa bị lên án mạnh mẽ. Thậm chí, nhiều khi sự việc diễn ra quá nhanh, có nhiều người tham gia “đánh hội đồng” nên chưa được cơ quan chức năng xử lý đến nơi đến chốn… Những điều đó đã vô tình tiếp tay cho các hành vi manh động, quá khích của người dân mà sự việc đánh đập hai phụ nữ bán tăm xảy ra ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và đốt xe xảy ra trên địa bàn huyện Thanh Hà (Hải Dương) chỉ là giọt nước tràn ly.
Đầu tiên phải khẳng định, việc tự ý đốt ô tô, đánh đập người nghi bắt cóc trẻ em nói trên đều là hành vi vi phạm pháp luật… Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) khẳng định: “Người dân có quyền trình báo, bắt giữ người tình nghi bắt cóc trẻ em giao cho công an nhưng không được tự ý sử dụng vũ lực đánh người khác. Hành vi “tự xử” của người dân là trái pháp luật, để lại hậu quả rất nghiêm trọng và có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự nơi công cộng…”
Việc tự ý đánh người tình nghi phạm tội đã là phạm pháp, việc đánh oan người vô tội không những phạm pháp mà còn ảnh hưởng những giá trị đạo đức xã hội. Trật tự xã hội được duy trì trên cơ sở luật pháp. Người bị tình nghi nếu phạm tội đã có pháp luật xử lý. Còn nếu ai cũng tự cho mình cái quyền xử lý những người, những hành vi mà họ cho là vi phạm pháp luật, có nghĩa là tự cho mình đứng trên pháp luật, thì xã hội sẽ hỗn loạn. Ngay cả người đã bị khởi tố, điều tra, thậm chí là đã bị truy tố thì cũng chỉ tòa án mới có quyền kết tội họ khi có đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội.
Thế mà đằng này, chỉ mới nghi bắt cóc trẻ em, không cần hỏi đầu cua tai nheo ra sao mà mọi người đã lao vào đánh đập dã man hai người phụ nữ bán tăm, không đếm xỉa đến lời van xin hay thanh minh, thì quả là lời cảnh báo về sự vô cảm và sự xuống cấp của đạo đức xã hội.
Thử hỏi, những người tham gia đánh hội đồng đó nếu tự đặt mình vào hoàn cảnh của người bị đánh oan đó thì họ sẽ nghĩ sao?
Thử hỏi, nếu ai cũng hành xử như thế thì liệu họ có được bảo đảm sự an toàn khi ra khỏi làng xã của mình?
Sau sự việc này, không ít người hoang mang và cảm thấy bất an vì lo sợ bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu tai họa cũng có thể ập đến chỉ vì bỗng dưng có ai đó nói “bắt cóc trẻ em.” Thậm chí, có người còn dặn nhau ra đường thấy trẻ con cũng chớ có lại gần hay tỏ ra thân thiện… Nếu như thế, dần dần con người sẽ mất lòng tin vào xã hội, mất lòng tin ở con người. Đó là chưa kể, tâm lý đám đông kia nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ dẫn con người đến những hành động mất kiểm soát và khi bị những kẻ xấu lợi dụng sẽ gây nên những hành động quá khích thậm chí có thể ảnh hưởng đến lợi ích và an ninh quốc gia.
Nói như thế không phải để quan trọng hóa vấn đề mà để cảnh báo những hành động “tự xử” quá khích, mang tính manh động, đứng trên pháp luật đã đến mức nguy hiểm và cần phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời ngăn chặn.
Mọi hành vi vi phạm pháp luật, cho dù với bất cứ lý do gì, đều phải bị xử lý.
Pháp luật phải được thượng tôn. Nếu không, hậu họa sẽ khôn lường./.
Bùi Văn Doanh (TTXVN)