Nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, tồn đọng phế liệu tại các
cảng biển không phải là vấn đề mới nhưng việc tăng đột biến lượng phế
liệu nhập khẩu vào Việt Nam năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, lượng
phế liệu nhập khẩu tồn đọng nhiều và quá hạn tại những cảng biển lớn
đang là mối quan tâm chung của xã hội.
Việt Nam cho phép nhập khẩu phế liệu từ các nước phát triển về làm
nguyên liệu sản xuất trong nước nhưng việc nhập khẩu phế liệu không đúng
quy định và để tồn đọng nhiều ngày ở các cảng biển sẽ ảnh hưởng đến
hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi
trường.
PHẾ LIỆU TĂNG ĐỘT BIẾN
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2017, các doanh
nghiệp trong nước đã nhập khẩu 5,28 triệu tấn sắt, thép phế liệu, 1,36
triệu tấn giấy phế liệu, xỉ hạt lò cao 1,13 triệu tấn. Khối lượng nhập
khẩu năm 2017 tăng 2 lần so với năm 2016, trong đó sắt, thép, nhựa, giấy
tăng từ 2-3 lần.
Từ tháng 1-5/2018, đã nhập hơn 2,1 triệu tấn sắt, thép phế liệu, trên
763.000 tấn giấy phế liệu, khoảng gần 310.000 tấn nhựa, nhôm, đồng phế
liệu và xỉ cát.
Riêng về mặt hàng nhựa, theo báo cáo của Hiệp hội nhựa Việt Nam, nhu cầu
cần cho sản xuất trong nước là 5 triệu tấn/năm, trong đó nguyên liệu
trong nước mới chỉ đảm bảo khoảng 20%, còn lại 80% phụ thuộc vào phế
liệu nhựa nhập khẩu từ nước ngoài.
Nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong các ngành sản
xuất chủ yếu là thép, giấy, nhựa và xi măng có xu hướng gia tăng. Đặc
biệt, trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng phế liệu nhựa nhập khẩu đã
tăng gần 2 lần so với năm 2017.
Có 36 loại phế liệu được phép nhập khẩu, có những loại được sử dụng
nhiều, có loại không được hoặc được ít doanh nghiệp nhập khẩu vì có
nguồn cung cấp ở trong nước. Tuy vậy, những loại phế liệu thường được sử
dụng để tái chế thành các sản phẩm có chất lượng thấp, phát sinh nhiều
chất thải, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài
Nguyên và Môi trường) cho biết kết quả đợt kiểm tra tháng 6/2018 về công
tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu tại cảng biển Hải Phòng
và Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng gần 6.000
container, trong đó ước tính khoảng 20% là phế liệu giấy và 80% là phế
liệu nhựa và các phế liệu khác. Tại Hải Phòng, có 737 container quá hạn
trên 90 ngày và 507 container từ 30-90 ngày.
Có tình trạng tồn đọng phế liệu tại các cảng biển là do doanh nghiệp
chưa có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu
phế liệu, hoặc có giấy nhưng đã quá hạn vẫn ký hợp đồng mua bán nên
nhiều lô hàng về đến cảng nhưng không thể làm thủ tục nhập khẩu.
Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân còn lợi dụng làm giả giấy xác nhận,
dùng giấy của doanh nghiệp khác, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng,
chuyển địa chỉ không cập nhật, nhập khẩu phế liệu không đúng quy chuẩn
kỹ thuật môi trường cho phép và khi bị phát hiện đã “bỏ của chạy lấy
người.”
Lợi dụng chính sách “tạm nhập, tái xuất,” một số doanh nghiệp có thể
nhận nguồn phế liệu này về Việt Nam, tìm cách tái xuất sang Trung Quốc
đã làm gia tăng phế liệu vào Việt Nam.
Đến nay, các lực lượng chức năng vẫn chưa phát hiện được doanh nghiệp
nào gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sử dụng phế liệu nhập khẩu,
ngoại trừ duy nhất 1 trường hợp lực lượng hải quan phát hiện 1 vụ bán
phế liệu nhập khẩu cho công ty khác sản xuất.
NHẬP KHẨU PHẾ LIỆU CÒN TIẾP TỤC GIA TĂNG
Dự báo về tình hình nhập khẩu phế liệu thời gian tới, Tổng cục Môi
trường cho rằng, hiện một số nước là thị trường nhập khẩu phế liệu lớn
đã hạn chế, thậm chí cấm nhập khẩu một số loại phế liệu dẫn đến một
lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển sẽ đổ về Việt
Nam.
Từ cuối năm 2017, một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan đã
ban hành quy định hạn chế hoặc dừng nhập khẩu phế liệu dẫn đến việc các
nước trước đây vẫn xuất khẩu phế liệu như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,
Canada, các nước Bắc Âu… sẽ phải tìm đối tác, thị trường nhập khẩu mới.
Do đó, một lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã
tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đây là một trong những
nguyên nhân chính làm gia tăng các container tại các cảng biển, đặc
biệt là phế liệu nhựa trong những tháng vừa qua.
Cùng với đó, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong sản xuất công
nghiệp, xuất khẩu, thu hút đầu tư... đã kéo theo nhu cầu sử dụng phế
liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước tăng cao.
Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các nhà máy công nghiệp và đang xây dựng
kế hoạch nhập khẩu phế liệu để phục vụ hoạt động sản xuất nên sẽ làm gia
tăng lượng phế liệu nhập khẩu. Hiện nay một số doanh nghiệp đang nộp hồ
sơ xin Giấy xác nhận để nhập khẩu phế liệu.
Ngoài ra, theo thông tin từ các hãng tàu, một lượng lớn hàng phế liệu
nhựa, giấy sẽ tiếp tục đổ về các cảng biển Việt Nam thời gian tới do
hãng tàu, khách hàng đã ký hợp đồng hoặc hàng đã được xếp lên tàu đang
trên đường vận chuyển./.
Minh Nguyệt (TTXVN)