Chủ Nhật, 8/9/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Bảy, 12/5/2018 16:28'(GMT+7)

Bảo hiểm xã hội toàn dân

(Ảnh minh họa: TTXVN)

 

Mở rộng diện bao phủ BHXH có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của lĩnh vực này trong dài hạn. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/1/2018, BHXH bắt buộc bao phủ đến người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn từ đủ 1 tháng, thậm chí cả người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đồng thời, diện bao phủ của BHXH tự nguyện được mở rộng cho công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên. Như vậy, xét về cơ sở pháp lý, đến năm 2018, chính sách BHXH (bắt buộc và tự nguyện) đã bao phủ toàn bộ lực lượng lao động. Tuy nhiên, trên thực tế thì diện bao phủ lại không được như vậy. Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện vẫn còn khoảng 70% người dân chưa tham gia BHXH. Tình trạng trốn, tránh đóng BHXH bắt buộc diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn lao động. Ở lĩnh vực BHXH tự nguyện, Nhà nước đang hỗ trợ 30% mức đóng đối với hộ nghèo và 25% mức đóng với hộ cận nghèo, nhưng người nghèo, người cận nghèo thì lấy tiền đâu mà tham gia bảo hiểm. 

 

Một vấn đề cũng gây lo ngại là khi chính sách hưởng BHXH một lần được triển khai khá "thoáng", nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động, trong khi đó một bộ phận người lao động làm hợp đồng ngắn hạn, có xu hướng hưởng BHXH một lần ngày càng tăng, sẽ làm giảm diện bao phủ BHXH... 

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; bảo đảm cân đối tài chính BHXH trong dài hạn... ”.

 

Để đạt được mục tiêu nói trên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cần phải có các giải pháp đồng bộ. Đối với khu vực lao động chính thức, mức độ bao phủ BHXH bắt buộc phụ thuộc rất lớn vào sự tham gia của những người sử dụng lao động. Vì vậy, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt thật nghiêm tình trạng trốn, tránh đóng BHXH. 

 

Với lao động ở khu vực phi chính thức, cần có chính sách khuyến khích họ tham gia BHXH tự nguyện. Trước mắt, Nhà nước nên tăng mức hỗ trợ phí đóng bảo hiểm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ đối tượng còn lại phí đóng bảo hiểm tự nguyện, đồng thời phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rằng, khi còn sức lao động, họ trích một phần thu nhập tham gia bảo hiểm tự nguyện, khi hết tuổi lao động, ngoài được hưởng lương hưu hằng tháng, họ còn được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế như đối với người tham gia BHXH bắt buộc ở khu vực lao động chính thức. Nếu bây giờ ngân sách Nhà nước không bỏ tiền ra để hỗ trợ lực lượng lao động phi chính thức mua bảo hiểm tự nguyện thì 15-20 năm sau vẫn phải bỏ tiền ra để trợ cấp tuổi già và mua bảo hiểm y tế cho họ với số tiền mỗi năm một nhiều do tuổi thọ trung bình ngày một tăng. 

 

Hiện tại, nhiều người dân không tham gia BHXH tự nguyện, nhưng lại tham gia bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ. Nếu thu hút được đa phần người dân tham gia BHXH tự nguyện, hằng năm, ngân sách Nhà nước sẽ thu được khoản tiền rất lớn để đầu tư trở lại nền kinh tế và hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện.

 

Mặt khác, cũng cần phải xây dựng chính sách bảo hiểm tự nguyện linh hoạt hơn nữa, trong đó có việc nghiên cứu rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 

Về tổ chức thực hiện đề án, cần giao chỉ tiêu bao phủ BHXH theo hướng gắn với trách nhiệm của địa phương, gắn với cá nhân người lao động tham gia BHXH, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan BHXH với các cơ quan, tổ chức ở địa phương trong việc nhận diện các đối tượng tiềm năng tham gia BHXH./.

Đỗ Phú Thọ (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất