Chính sách bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển.
Các cán bộ công tại phòng giao dịch một cửa tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định. (Ảnh TTXVN)
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động; sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả của các quốc gia, tổ chức quốc tế, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, ngày càng phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội để phát triển bền vững đất nước trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Sau một thập kỷ khó khăn bởi suy thoái kinh tế, với tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt 6,81% cùng tín hiệu lạc quan từ đà phục hồi và tăng trưởng cao nhất trong quý 1 vừa qua, việc Chính phủ trình Trung ương xem xét Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội vào thời điểm này là biểu hiện rõ nét nhất để thực hiện Cương lĩnh của Đảng về việc “kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội,” “thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách”.
Đây có thể coi là “thời điểm vàng” để hoạch định quan điểm, mục tiêu, định hướng chính sách cho việc cải cách toàn diện, mạnh mẽ, căn cơ chính sách bảo hiểm xã hội nhằm phúc đáp quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo tinh thần Điều 34 Hiến pháp 2013. Với lộ trình dự kiến bắt đầu cải cách vào năm 2021, đòi hỏi này là không thể chậm trễ hơn vì quỹ thời gian cần thiết để kịp thời thể chế hóa và chuẩn bị các điều kiện thiết yếu không còn nhiều.
Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng
Thực hiện định hướng cải cách này, Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trình Hội nghị Trung ương 7 cho ý kiến xem xét, thảo luận đã đưa ra 8 nội dung đột phá. Điểm đầu tiên phải kể đến, đó là việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
Đây là mục tiêu từng được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2001-2010. Với bối cảnh phát triển hiện nay, việc tiếp tục theo đuổi mục tiêu này là rất cần thiết để thực hiện định hướng Xã hội chủ nghĩa trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, bao trùm, chia sẻ thành quả phát triển, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là lao động khu vực phi chính thức, những đối tượng dễ bị tổn thương, không để ai bị bỏ lại phía sau. Có thể hiểu đây là sự phát triển bảo hiểm xã hội về chiều rộng.
Kinh nghiệm nước ngoài cũng như khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng cho thấy tích cực mở rộng diện bao phủ theo mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân là giải pháp quan trọng để chủ động ứng phó với những thách thức của bẫy thu nhập trung bình và tốc độ già hóa nhanh chóng của dân số Việt Nam.
Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu
Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cũng đặt vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để ứng phó với quá trình già hóa dân số, tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động và xuất hiện các hình thức quan hệ lao động mới. Theo đó, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp với các yếu tố tăng trưởng kinh tế, với giải quyết bài toán về việc làm, thất nghiệp; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; trình độ kỹ thuật và công nghệ áp dụng vào sản xuất; số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; xu hướng già hóa dân số, tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn nhưng phải được thực hiện sớm và tiến hành khẩn trương theo lộ trình, không tạo sốc cho thị trường lao động.
Khách hàng giao dịch tại bộ phận một cửa Bảo hiểm Xã hội tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: TTXVN)
Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á. Theo số liệu dự báo của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, năm 2017 số người cao tuổi (60 tuổi trở lên) chiếm 11% tổng dân số; con số này sẽ đạt 17% vào năm 2020 (chỉ sau khoảng hơn 10 năm); đạt 25% vào năm 2050 (khi đó cứ 4 người dân có 1 người từ 60 tuổi trở lên).
Bên cạnh đó, thời gian chuẩn bị cho già hóa của Việt Nam rất ngắn. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, thời gian chuẩn bị khi có 7% dân số là người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên sang 14% dân số là người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên của Pháp là 115 năm, Mỹ là 69 năm, Trung Quốc là 25 năm; Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia đều có khoảng 20 năm; riêng Việt Nam chỉ có khoảng 15 năm để chuẩn bị.
Trong bối cảnh già hóa dân số, để bù đắp sự thiếu hụt của thị trường lao động, cũng như góp phần thực hiện cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là một xu thế tất yếu được thực hiện hàng loạt ở các nước từ những năm 2010 đến nay. Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu càng sớm thì càng có lộ trình để thực hiện.
Tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội
Theo Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, cần tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội, nhất là chính sách bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm hưu trí để phòng ngừa, giảm thiểu tác động của thất nghiệp, tạo sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng người lao động và doanh nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia, năng suất lao động của đất nước. Cùng với đó, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng-hưởng, chia sẻ và thu hẹp khoảng cách về mức lương hưu trong tầng bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức để khắc phục những bất hợp lý trong thời gian vừa qua.
Thực hiện điều chỉnh tiền lương hưu xã hội (tầng 1) theo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; lương hưu cơ bản (tầng 2) được điều chỉnh chủ yếu dựa trên tốc độ tăng giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước. Thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa các nhóm đối tượng thông qua không điều chỉnh theo một tỷ lệ đồng đều.
Trong Đề án, Chính phủ đưa ra quan điểm rút ngắn điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho người có thời gian ngắn bảo lưu, người ở độ tuổi trung niên (45 - 50 tuổi) mới tham gia bảo hiểm xã hội có thể hưởng chế độ hưu trí, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Điều chỉnh theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia để giảm số lượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhằm duy trì và mở rộng diện bao phủ, khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự đảm bảo an sinh như chủ trương nhất quán trong các Văn kiện và Nghị quyết của Đảng.
Công thức tính lương hưu cũng được sửa đổi theo hướng giảm tỷ lệ tích lũy nhằm đảm bảo khả năng cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn và phù hợp với thông lệ quốc tế; có lộ trình điều chỉnh kéo dài thời gian tham gia bảo hiểm xã hội thực tế và quyền lợi của người hưởng chế độ hưu trí theo nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng và chia sẻ phù hợp./.
Chu Thanh Vân (TTXVN)