Vừa qua, tại Phú Yên, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 và tập huấn nghiệp vụ thông tin truyền thông (TTTT) cho cán bộ chuyên trách công tác tuyên truyền của BHXH các tỉnh, thành phía Nam. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh chủ trì hội nghị.
Những kết quả đạt được trong công tác thông tin truyền thông góp phần vào việc ngành BHXH hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao trong năm 2017. Ảnh: HẢI NGUYỄN
'
Phổ biến kiến thức qua mạng xã hội
Tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, dưới sự chỉ đạo toàn diện, kịp thời của lãnh đạo ngành, với sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố; cũng như sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác TTTT trong năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Cũng theo bà Hương với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet, sự phổ cập của điện thoại thông minh trên toàn cầu đã đưa mạng xã hội (MXH) và điện thoại trở thành một trong những công cụ TTTT hiệu quả mang tính tương tác cao. Tận dụng các kênh truyền thông này trong công tác TTTT chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chính là điểm mới trong công tác TTTT của BHXH Việt Nam năm 2017.
Cụ thể, trong năm qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ TTTT thử nghiệm hình thức tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BHTN với các thông điệp qua tin nhắn SMS. Theo đó, các thông điệp về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN đã được truyền trực tiếp tới hơn 700.000 thuê bao di động trên cả nước, mang lại hiệu quả tuyên truyền cao. Song song, BHXH Việt Nam thực hiện chương trình phổ biến kiến thức về BHXH, BHYT, BHTN và chương trình khảo sát tìm hiểu về chính sách BHYT qua mạng xã hội Facebook, Zalo và công cụ tìm kiếm Google. Việc truyền thông qua Internet đem lại những hiệu quả tích cực, giúp người dân - người dùng MXH, Internet được tiếp nhận một cách chủ động về BHXH, BHYT, BHTN. Những kết quả đạt được trong công tác TTTT góp phần đáng kể vào việc cùng toàn ngành BHXH hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành được Chính phủ giao trong năm 2017.
Trong phần chia sẻ về các kỹ năng truyền thông trên MXH tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng bộ môn Báo chí - Truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - cho biết, từ kết quả khảo sát về “Thực trạng truyền thông về chính sách BHXH, BHYT trên các Fanpage của MXH Facebook” cho thấy, hiện trên MXH Facebook đang có 33 Fanpage về BHXH và 14 Fanpage về BHYT. Tuy nhiên, đây không phải là những Fanpage chính danh của BHXH Việt Nam, hay của bất kỳ một cơ quan chức năng nào liên quan.
Bà Huyền khuyến nghị, BHXH Việt Nam cần tiếp tục chủ động hơn nữa trong việc tham gia vào “cuộc chơi” của truyền thông xã hội. Theo đó, việc thiết lập trang Fanpage chính thức của BHXH Việt Nam trên MXH Facebook với danh tính được xác nhận là bước đi đầu tiên, nhằm khẳng định vai trò, vị trí của BHXH Việt Nam trong truyền thông về BHXH, BHYT trên MXH. Đây là động thái tích cực, không chỉ trong công tác truyền thông về BHXH, BHYT, tác động có lợi cho người dùng MXH, góp phần mở rộng đối tượng tham gia, mà còn là phương thức hiệu quả để củng cố về tính đúng đắn, bản chất nhân văn của hai chính sách an sinh xã hội trụ cột của đất nước.
Đồng quan điểm với nhận định về việc ứng dụng phương thức truyền thông MXH vào công tác TTTT của ngành BHXH, PGS-TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo - chia sẻ, truyền thông MXH hiện cũng đang trở thành công cụ truyền thông hữu hiệu để xử lý khủng hoảng truyền thông và còn là công cụ để quảng bá, củng cố hình ảnh của các cơ quan, tổ chức. Để tăng cường hiệu quả công tác TTTT về chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam cần vào cuộc tích cực hơn nữa với xu thế truyền thông MXH.
Nội dung TTTT phải đảm bảo tính hấp dẫn
Tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, để đảm bảo mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, sẽ còn không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi công tác TTTT của ngành BHXH phải nỗ lực, đổi mới và phát huy hiệu quả cao hơn nữa. Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh yêu cầu, để triển khai hiệu quả công tác TTTT trong thời kỳ mới, gắn với việc mở rộng đối tượng tham gia, hệ thống BHXH các cấp cần: Triển khai công tác TTTT một cách đồng bộ, từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt cần tập trung đưa ra nhóm đối tượng đích, chia phân khúc để đẩy mạnh TTTT đạt hiệu quả; thực hiện TTTT trên mọi phương tiện, hình thức; tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, các cơ quan thông tấn báo chí với tần suất TTTT thường xuyên, liên tục; hình thức, nội dung TTTT phải đảm bảo tính hấp dẫn để thu hút sự quan tâm của các đối tượng; chủ động triển khai tốt công tác cung cấp thông tin, tuyên truyền và xử lý tốt các khủng hoảng truyền thông (nếu có xảy ra).
Nhằm triển khai hiệu quả giải pháp “nâng cao nhận thức, đổi mới phương pháp, quan tâm truyền thông xã hội…” theo đúng tinh thần Nghị quyết số 96 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới đề ra, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh yêu cầu, hệ thống BHXH từ Trung ương đến địa phương đặc biệt chú trọng tới việc triển khai và phát triển các loại hình truyền thông mang tính tương tác cao như truyền thông qua MXH nói riêng và qua hệ sinh thái Internet nói chung. Song song đó, toàn ngành BHXH cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, hoàn thiện cung cách, tác phong phục vụ người tham gia.
Nhân dịp này, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh trao tặng bằng khen của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho 5 tập thể và 5 cá nhân trong ngành vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT năm 2017.
HÀ NGUYÊN/Lao động