Thứ Bảy, 21/9/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 25/5/2013 16:18'(GMT+7)

Bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam


                        

Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) là loại hình bảo hiểm mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng BHXH. Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, chế độ bảo hiểm này được coi trọng, có ảnh hưởng, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì thế, BHXHTN luôn được quan tâm để phát huy tối đa hiệu quả trong việc tổ chức, quản lý và thực hiện. Ở nước ta, qua gần 5 năm đi vào cuộc sống, chế độ BHXHTN đã có vị trí quan trọng đặc biệt với những người tham gia bảo hiểm và được kỳ vọng sẽ cùng với BHXH bắt buộc góp phần to lớn vào việc ổn định đời sống của người lao động. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện đã xuất hiện nhiều bất cập cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để chính sách này đi vào cuộc sống tốt hơn.

Theo quy định hiện hành, đối tượng tham gia BHXHTN là những người không nằm trong diện tham gia BHXH bắt buộc, như nông dân, lao động tự do, những người đã từng tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ số năm theo quy định.

Mức đóng BHXHTN  bằng 16% mức thu nhập của người lao động lựa chọn đóng BHXHTN. Mức này được tăng dần lên bắt đầu từ năm 2010, theo đó cứ 2 năm tăng một lần là 2% cho đến khi đạt mức 22%. Hiện nay, mức đóng tối thiểu là 210.000 đồng/tháng/người (lương tối thiểu là 1.050.000 đồng). Mức thu nhập làm cơ sở để tính đóng BHXHTN được thay đổi tùy theo khả năng của người lao động ở từng thời kỳ, thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung.

Mức hưởng BHXHTN bao gồm chế độ hưu trí và chế độ tử tuất: Chế độ hưu trí, quy định đối với  nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, 20 năm đóng BHXHTN trở lên (trường hợp quá tuổi mà thiếu 5 năm thì người tham gia BHXHTN được đóng tiếp đến khi đủ 20 năm); lương hưu bằng 45% mức bình quân tháng đóng tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm, sau đó cứ thêm 1 năm đóng tính thêm 2% với nam và 3% với nữ, tối đa 75% mức đóng bình quân. Về trợ cấp 1 lần, với nam đóng trên 30 năm và với nữ 25 năm được trợ cấp 0,5 tháng mức bình quân đóng cho mỗi năm cao hơn.  Trường hợp chưa đủ 20 năm đóng BHXHTN, hoặc không tiếp tục đóng, thì người tham gia được trợ cấp mỗi năm đóng 1,5 tháng mức bình quân đóng (trong khi mỗi năm, người tham gia BHXHTN đóng 1,92 đến 2,64 tháng lương, thì quy định như hiện nay đang là bất cập lớn).

Về chế độ tử tuất, nếu người tham gia BHXHTN đóng từ 5 năm trở lên mà bị chết sẽ được nhận tiền mai táng bằng 10 tháng lương tối thiểu chung (tại thời điểm chết). Trợ cấp tuất 1 lần cho thân nhân: mỗi năm đóng được 1,5 tháng mức bình quân đóng (gia quyền), người về hưu chết trong 2 tháng đầu sau khi về hưu được nhận 48 tháng lương hưu, sau đó cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì trợ cấp 1 lần giảm 0,5 tháng lương hưu. Từ quy định này, chúng ta có thể thấy trợ cấp tuất 1 lần là quá thấp, vì vậy người lao động không mặn mà với việc tham gia BHXHTN.

Riêng với những người tham gia cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, chế độ hưu và tử tuất được tính cộng thời gian cả 2 giai đoạn và tính mức đóng bình quân gia quyền theo quy định của Chính phủ. Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến nay, có trên 22.500 người được hưởng hưu trí và tử tuất theo loại hình BHXHTN.

Số người tham gia BHXHTN qua 5 năm tăng cụ thể như sau: Đến hết năm 2008, số người tham gia BHXHTN là 6.100 người; năm 2009 là 41.193 người; năm 2010 là 81.319 người; năm 2011 là 104.518 người và đến hết tháng 10 năm 2012 là 142.845 người. Như vậy có thể thấy số người tham gia BHXHTN tăng rất chậm và chiếm tỷ lệ rất thấp so với số người có tiềm năng tham gia (lao động có thu nhập). Trong số trên, có 14.000 người là nông dân ở Nghệ An tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện nhiều năm chuyển qua, còn lại chủ yếu vẫn là cán bộ xã, phường, thị trấn hoặc những người đã từng tham gia BHXH bắt buộc nhưng vẫn chưa đủ điều kiện hưởng hưu trí chuyển sang. Cụ thể là: trong 2 năm đầu triển khai BHXHTN, tỷ lệ người trước đó đã tham gia BHXH bắt buộc là trên 80%; năm 2011, tỷ lệ này tại Hải Phòng là 29%, Hòa Bình là 29% và Thanh Hóa là 37%.

Sở dĩ BHXHTN còn nhiều bất cập, tỷ lệ người tham gia BHXHTN đạt thấp là do một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, về phía chính sách BHXHTN:  Thời  gian  chờ đợi để được thụ hưởng BHXHTN là quá dài (20 năm), mức lương được hưởng khi về hưu không đủ để đảm bảo cuộc sống tối thiểu (chỉ tương đương trợ cấp người già không nơi nương tựa); Quy định về chế độ tử tuất chưa xem xét đến vấn đề thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng phí quy định tại Điều 77 Luật BHXH đối với trường hợp người tham gia BHXHTN bị chết trong tù hoặc trại giam. Theo lộ trình tăng mức đóng của BHXH, kể từ năm 2010, mức đóng hàng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất  của  người  tham gia BHXHTN là 18%, từ năm 2012 là 20% và từ năm 2014 là 22%. Nếu giữ nguyên mức trợ cấp tuất 1 lần như quy định sẽ là không hợp lý trong quan hệ giữa đóng và hưởng.

Mức đóng BHXH tự nguyện cao hơn mức đóng BHXH bắt buộc và cao hơn so với thu nhập trung bình của những người trong khu vực phi kết cấu và nông dân. BHXH bắt buộc có 5 chế độ (ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất) và được Nhà nước  (đối với người hưởng lương từ ngân sách) hỗ trợ 14% trên tổng số 22% mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương đương 63%, tổng mức đóng. Còn đối với khu vực doanh nghiệp thì người sử dụng lao động đóng 63%, người lao động chỉ đóng 47% vào quỹ hưu trí và tử tuất. Ở khu vực BHXHTN không có bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía nhà nước, người tham gia BHXHTN phải đóng toàn bộ 22% vào hai quỹ hưu trí và tử tuất.

Thứ hai, về phía người tham gia BHXHTN: do tập quán, thói quen, người lao động dịch chuyển tự do muốn làm công, ăn lương và hưởng trọn số lương trong từng tháng; họ mới chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không thấy cái lợi ích lâu dài khi tham gia BHXHTN nên tỷ lệ người dân nông thôn tham gia còn thấp là điều dễ lý giải. Công tác tuyên truyền về chính sách BHXHTN chưa theo chiều sâu, dẫn đến việc người  lao  động  không  hiểu hết  lợi  ích  của hình thức BHXHTN. Hơn nữa, thu nhập của người lao động hàng tháng thấp và bấp bênh, thời gian tham gia dài nên nhiều người không đủ sức theo.

Để BHXHTN phát triển, thu hút đông đảo người lao động, nhất là lao động ở khu vực phi chính thức, hiện nay có khoảng 15 triệu người, theo chúng tôi cần tiếp tục hoàn thiện chính sách BHXHTN, đồng thời tổ chức tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu được chính sách ưu việt nay, cụ thể, cần thực hiện tốt một số việc sau:

Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực thực thi chính sách BHXH từ Trung ương đến các cấp bộ, ngành, địa phương; triển khai và thực hiện tốt Nghị quyết số 21–NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020.

Hai là, nghiên cứu sửa luật BHXH về nội dung liên quan đến BHXHTN theo hướng mềm dẻo và năng động hơn, sao cho tuân thủ nguyên tắc mức đóng tương ứng mức hưởng; thời gian đóng tương ứng thời gian hưởng, như vậy vừa bảo đảm bình đẳng vừa bảo đảm an toàn và phát triển quỹ.

Về mức đóng và phương thức đóng: Nghiên cứu điều chỉnh mức đóng hàng tháng cho phù hợp, không nên quy định mức đóng tối thiểu bằng mức lương tối thiểu chung như hiện nay; không giới hạn mức trần đóng là 20 tháng lương tối thiểu; có quy định về hỗ trợ một phần mức đóng cho một số nhóm đối tượng như lao động nông thôn, người ở vùng cao, người thuộc diện nghèo, cận nghèo; bổ sung phương thức đóng một lần cho một số trường hợp.

Nghiên cứu điều chỉnh Điều 74 Luật BHXH, mức hưởng BHXH một lần và Khoản 2 Điều 78 theo hướng phù hợp quan hệ đóng hưởng theo lộ trình điều chỉnh mức đóng giai đoạn 2010 – 2014; nghiên cứu sửa đổi một số quy định tại Khoản 3 Điều 111, Điều 123, Điều 124 sao cho đơn giản hơn, thuận tiện hơn kể cả nội dung kê khai, quy trình, thủ tục, địa điểm và thời gian giải quyết phù hợp với người tham gia BHXH tự nguyện.

Nghiên cứu sửa đổi một số quy định về tuổi nghỉ hưu, cách tính mức lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện khi có sửa đổi đối với người tham gia BHXH bắt buộc. Đổi mới phương thức tổ chức thực hiện theo hướng tạo cho người dân dễ tiếp cận với việc tham gia BHXHTN cũng như thuận lợi trong quá trình thụ hưởng.

Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền về BHXHTN để người lao động và nhân dân chưa hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia BHXHTN. Tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể các cấp trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách BHXHTN tại địa phương, nhất là việc chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXHTN.

Bốn là, nghiên cứu tổ chức thực hiện chính sách BHXHTN phù hợp, khoa học đảm bảo thuận lợi cho người tham gia BHXHTN từ khi đăng ký tham gia, thu nộp BHXH và khi thụ hưởng các chế độ BHXH; sớm triển khai áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến vào việc thực hiện chính sách và quản lý BHXHTN. Xem xét, nghiên cứu thực hiện bảo hiểm hưu trí theo tài khoản cá nhân. Nhà nước tập trung ưu tiên đầu tư quỹ bảo hiểm hưu trí kết dư với lợi nhuận và hiệu quả cao nhất.

Tóm lại, BHXHTN là một chính sách tự nó đã mang trong mình những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, thực tế thực hiện chưa được như mong muốn, một phần là do những bất cập trong chính sách, mặt khác là do Nhà nước chưa thực sự quan tâm đến BHXHTN và còn do công tác tuyên truyền chưa đúng và chưa trúng. Để trong thời gian tới, chính sách BHXHTN đi vào đời sống và phục vụ tốt hơn cho người dân, cần quan tâm sửa đổi chính sách về BHXHTN cho phù hợp với thực tế; nâng cao vai trò của Đảng, Nhà nước trong vấn đề BHXHTN;  BHXH Việt Nam cùng với các cơ quan truyền thông, công đoàn, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện tham gia./.

TS. Đặng Quang Điều - Ninh Thị Tú

                                           


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất