Thứ Bảy, 23/11/2024
Chính sách
Thứ Tư, 31/12/2014 10:20'(GMT+7)

Bảo hiểm Y tế giảm chi trả: Người nghèo “ngồi trên đống lửa?”

Người dân làm các thủ tục khám chữa bệnh. (Ảnh: TTXVN)

Người dân làm các thủ tục khám chữa bệnh. (Ảnh: TTXVN)

Vừa qua, Bộ Y tế đã công bố Thông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 ban hành Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Theo quy định của thông tư mới ban hành, bảo hiểm y tế cắt giảm việc chi trả nhiều loại thuốc chữa ung thư, viêm khớp, viêm gan C… có chi phí lớn từ 100% xuống còn 30-50%. Điều này đã khiến không ít người bệnh tỏ ra lo lắng vì sẽ phải đồng chi trả thêm số tiền khá cao khi điều trị bệnh.

Siết chặt thuốc dễ bị lạm dụng

Sáng 30/12, trong cuộc họp báo tổ chức tại Hà Nội, đại diện của Bộ Y tế chính thức trả lời những thắc mắc của dư luận về những lý do vì sao phải tiến hành cắt giảm hỗ trợ thanh toán các loại thuốc trong danh mục trên. 

Theo vị đại diện của Bộ Y tế, các thuốc quy định điều kiện, tỷ lệ thanh toán chủ yếu là một số thuốc sinh học thế hệ mới, có giá thành cao, chi phí điều trị lớn và đây là những thuốc dễ bị lạm dụng.

Việc 25 loại thuốc quy định tỷ lệ thanh toán là các thuốc có chi phí điều trị lớn, chủ yếu là thuốc điều trị ung thư khiến không ít bệnh nhân ung thư đang sử dụng các loại thuốc này như “ngồi trên đống lửa.”

Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Phan Văn Toàn phân tích, trong 25 loại thuốc này, có 5 loại thuốc mới trước đó quỹ bảo hiểm y tế chưa thanh toán, nay đưa vào thanh toán với tỷ lệ 50%. 11 loại thuốc điều trị ung thư, chống thải ghép ngoài danh mục, hiện nay quỹ bảo hiểm y tế đang thanh toán 50% theo quy định thì nay các loại thuốc này được đưa vào danh mục để tiện quản lý và vẫn giữ nguyên tỷ lệ thanh toán là 50%.

Có 9 loại thuốc quỹ bảo hiểm y tế đang thanh toán 100% nay giảm tỷ lệ thanh toán xuống còn 50%, gồm 4 loại thuốc điều trị ung thư và 5 loại thuốc điều trị các bệnh khớp, viêm gan C, giải độc, điều trị thiếu hụt hóc môn tăng trưởng.

Theo Thông tư mới của Bộ Y tế, danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế, gồm: 845 hoạt chất, 1.064 thuốc tân dược và 57 thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu, có một số điểm mới như rà soát và loại ra khỏi danh mục 83 hoạt chất, 111 thuốc không có hoặc hết số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị, thuốc phối hợp dạng không truyền thống để tránh độc quyền, chỉ định thầu...

Trong danh mục trên đã bổ sung mới 37 thuốc điều trị nhiều chuyên khoa khác nhau, bổ sung dạng dùng 22 thuốc, mở rộng tuyến 77 thuốc (Bệnh viện hạng II: 3 thuốc, Bệnh viện hạng III, IV: 58 thuốc, Trạm y tế: 26 thuốc).

Việc bổ sung danh mục thuốc trên nhằm tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được tiếp cận thuốc điều trị tại tuyến y tế cơ sở như bệnh viện huyện, trạm y tế xã; giảm bớt thời gian và chi phí đi lại cho người bệnh, đồng thời góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. 

Nhiều loại thuốc đáp ứng điều trị ung thư

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẳng định: “Việc cắt giảm chi phí điều trị 9 loại thuốc này từ 100% xuống còn 50% khiến bệnh nhân băn khoăn nhất, nhưng thực tế, việc làm này đã được cân nhắc bởi cả hội đồng khoa học là các chuyên gia đầu ngành về ung bướu, khẳng định không vì cắt giảm chi phí điều trị mà bệnh nhân không còn cơ hội điều trị vì phải đồng chi trả quá lớn.”

Cùng quan điểm trên, phó giáo sư Mai Trọng Khoa - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, với 65 loại thuốc điều trị ung thư trong danh mục hiện nay, thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam không thua kém gì so với cả các nước phát triển, đủ đáp ứng điều trị cho các giai đoạn, các loại bệnh ung thư đặc thù của người Việt Nam. 

Nói về 4 loại thuốc chữa ung thư trước đó được bảo hiểm y tế thanh toán 100%, nay theo quy định mới sau ngày 1/1/2015 quỹ bảo hiểm y tế chỉ chi trả 50%, còn lại là người bệnh đồng chi trả, ông Khoa nhìn nhận, đó cũng là vấn đề hoàn toàn hợp lý. 

Ông Khoa giải thích, trong 4 loại thuốc trên thì Doxorubicin là hóa chất thông thường nhưng được bọc thêm nano để giảm tác dụng phụ, còn hiệu quả điều trị như các thuốc trong bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, vấn đề là giá thành thuốc rất đắt, hơn 5 triệu đồng/lọ trong khi đó người bệnh phải dùng với liều điều trị 4 lọ/ngày. Về loại thuốc này, theo ông Khoa, rất ít nước trên thế giới mà bảo hiểm y tế chi trả 100% như Việt Nam. 

Được biết, với ba loại thuốc còn lại gồm Erlotinib, Gefitinib (điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ) và Sorafenib (điều trị ung thư gan) là những những thuốc điều trị đích. Cả ba loại thuốc này được chỉ định cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đã thất bại với các thuốc khác. 

"Ngay cả các nước trên thế giới, rất ít bảo hiểm nhà nước chi trả cho các thuốc, bác sĩ chỉ định thuốc này cũng rất chặt chẽ bởi họ không thể gánh một chi phí khổng lồ cho việc điều trị giai đoạn cuối mà không mang lại hiệu quả điều trị như mong muốn, chỉ là kéo dài sự sống người bệnh,” ông Khoa nhấn mạnh.

Cụ thể thuốc Erlotinib có giá 1.337.420 đồng/viên, thuốc Gefitinib có giá 1.199.076 đồng/viên, ngày mỗi thứ 1 viên. Thuốc Sorafenib csos giá gần 1 triệu/viên với liều 4 viên/ngày, chi phí điều trị sẽ khoảng 120 triệu đồng/tháng. 

Theo các chuyên gia, nếu không sử dụng thuốc trên vẫn có những cách điều trị khác phù hợp với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối mà không ngốn hết nguồn chi phí khổng lồ. 

Bày tỏ quan điểm của mình, phó giáo sư Trần Văn Thuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện K cũng cho rằng, ung thư nếu phát hiện sớm sẽ chữa khỏi với chi phí vừa phải, phát hiện muộn chỉ có thể kéo dài thêm sự sống người bệnh chứ không thuốc nào chữa khỏi. Do vậy, nhiều nước trên thế giới không thanh toán bảo hiểm cho các thuốc này bởi họ so sánh giữa hiệu quả và chi phí. 

"Vì thế, tôi cho rằng đồng chi trả cũng là sự hợp lý. Hơn nữa việc đồng chi trả sẽ giúp bác sỹ đưa ra chỉ định chặt chẽ hơn, bởi có nhiều lựa chọn khác để điều trị cho người bệnh,” ông Thuấn thẳng thắn. 

Theo vị đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, với những bệnh nhân ung thư có thẻ bảo hiểm y tế vào việc trước ngày thực hiện thông tư mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 và đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh được chỉ định dùng 1 trong 4 loại thuốc gồm: Doxorubicin, Erlotinib, Gefitinib, Sorafenib thì vẫn tiếp tục được điều trị và được thanh toán 100% như trước đó cho đợt điều trị đang dở.

Theo VN+
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất