Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Tư, 4/12/2019 15:0'(GMT+7)

Bảo hiểm y tế là chỗ dựa cho người nhiễm HIV/AIDS

GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH BỀN VỮNG CHO NGƯỜI NHIỄM HIV

Cho đến năm 2018, Việt Nam là quốc gia 10 năm liên tiếp đạt giảm dịch HIV/AIDS ở cả ba tiêu chí về số người nhiễm mới, chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong. Có được kết quả này, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV, phân cấp điều trị về các tuyến cơ sở, đảm bảo chất lượng điều trị. 

Ngày 15-11-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2188/QĐ-TTg quy định việc thanh toán thuốc kháng vi rút HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia từ nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Theo đó, từ ngày 8-3-2019, bệnh nhân HIV/AIDS trên toàn quốc chính thức sử dụng thuốc ARV trong điều trị từ nguồn Quỹ BHYT.

Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Dược - Vật tư y tế, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Việt Nam hiện là nước duy nhất huy động nguồn lực trong nước thông qua BHYT để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV/AIDS. Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tháo gỡ từng vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với BHYT. Nhờ vậy, số người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT tăng theo từng năm. Nhiều tỉnh, thành phố đạt độ bao phủ BHYT cho 100% người nhiễm HIV/AIDS. 

Ông Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, uớc tính đến cuối năm 2019, cả nước sẽ có khoảng 40.000 người có HIV được nhận thuốc ARV qua BHYT và dự kiến tăng lên 106.000 người vào năm 2020.

 

Theo BHXH Việt Nam, hiện cả nước có gần 140.000 người nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc ARV.  

NHỮNG LỢI ÍCH CỦA BHYT VỚI NGƯỜI CÓ HIV

ARV là loại thuốc kháng vi rút nhằm làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể. Thuốc ARV được Việt Nam sử dụng rộng rãi từ năm 2004, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là giải pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS, giúp kiểm soát sự bùng phát của đại dịch. Theo báo cáo của chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về AIDS (UNAIDS), điều trị ARV sớm có thể làm giảm 41% mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và do đó có thể giảm nguy cơ tử vong; giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%. Khi người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có thể phục hồi sức khỏe, tiếp tục sống, học tập và lao động, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng.

PGS. TS. Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, với người nhiễm HIV, nguy cơ ốm đau nhiều hơn người khác và điều trị bằng thuốc ARV là liên tục và suốt đời. Nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV rất khó có đủ khả năng chi trả chi phí điều trị. Do đó, người nhiễm HIV/AIDS cần tham gia BHYT để được hỗ trợ điều trị ARV. Khi tham gia BHYT, bệnh nhân sẽ được cung cấp thuốc ARV định kỳ theo chỉ định chuyên môn và theo tình trạng sức khỏe. Việc cấp phát thuốc này thông qua cơ sở điều trị, nghĩa là bệnh nhân đăng ký, được cấp thuốc từ kinh phí do bảo hiểm y tế chi trả.

Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số được BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Như vậy, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa là 20% tiền chữa bệnh. Cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS khi mua BHYT sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong nhiều dịch vụ y tế như khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội, v.v.

Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành phố, độ bao phủ BHYT cho đối tượng này còn thấp do tâm lý sợ lộ thông tin của người bị bệnh. Nhiều người nhiễm HIV/AIDS lo bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia BHYT. Đặc biệt, một số bệnh nhân tuy có thẻ BHYT nhưng sẵn sàng bỏ tiền túi ra khám chữa bệnh, hoặc đến nơi không được hưởng BHYT để che giấu tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người nhiễm HIV chưa sẵn sàng mua thẻ BHYT do còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án.

Ông Lê Văn Phúc cho biết, để người có HIV chủ động hơn trong việc tham gia BHYT, từ đó được bảo đảm tốt nhất việc điều trị bệnh, BHXH Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV từ nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV. BHXH tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế tăng cường truyền thông, đặc biệt là truyền thông cho những người nhiễm HIV, người đang điều trị bằng ARV về tầm quan trọng của BHYT. Đồng thời, BHXH sẽ tham mưu xây dựng cơ chế, nguồn tài chính để hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT; chỉ đạo, triển khai chống kỳ thị, phân biệt đối xử tại các cơ sở khám chữa bệnh để người nhiễm HIV yên tâm đến điều trị…

Để chuẩn bị cho việc này, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện; kiện toàn và ký hợp đồng khám chữa bệnh bằng BHYT với các cơ sở điều trị HIV/AIDS; xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV từ nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV./.

Hướng dẫn chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV

Nội dung đáng chú ý tại Công văn số 772/AIDS-ĐT do Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế ban hành ngày 10-9-2019 là từ ngày 1-1-2020, người điều trị HIV/AIDS cần khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến. Người đang điều trị thuốc kháng HIV (ARV) tại bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, thành phố - nơi không phải cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu được tiếp tục điều trị đến hết ngày 31-12-2019.

Bắt đầu từ 1-1-2020, để được điều trị liên tục thuốc ARV nguồn BHYT, những người này phải thực hiện chuyển tuyến. Thời gian thực hiện từ 1-9-2019 và hoàn thành trước ngày 31-12-2019. Trong đó, các đối tượng cần thực hiện gồm:

- Người từ 16 tuổi trở lên đang điều trị HIV/AIDS tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh - nơi người bệnh không đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu;

- Không có giấy chuyển tuyến phù hợp để được tiếp tục điều trị HIV/AIDS nguồn BHYT tại bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh - nơi họ đang điều trị.

Lúc này, nếu người bệnh muốn tiếp tục được điều trị thì phải xin giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT một năm/lần từ 1-1-2020. Nếu muốn chuyển về tuyến dưới thì sẽ được viết giấy chuyển tuyến và phải đến đăng ký tại cơ sở điều trị mới trong vòng 7 ngày kể từ ngày chuyển...

Văn Sơn

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất