(TG)-Hiện nay 95% thuốc kháng virus (ARV) để điều trị cho người nhiễm HIV ở Việt Nam do các tổ chức quốc tế tài trợ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nguồn lực này sẽ bị cắt giảm nhanh và bảo hiểm y tế được xác định sẽ là nguồn đảm bảo cho người nhiễm HIV tiếp cận thuốc ARV một cách bền vững.
Thuốc ARV - cơ hội giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh
Thuốc kháng virus (ARV) hiện nay đang được xác định là cứu cánh, là cơ hội giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh. Do thuốc ARV ức chế sự phát triển và nhân lên của virus nên khi người nhiễm HIV được điều trị sẽ giảm nguy cơ chuyển sang AIDS, giảm mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và do vậy giảm được nguy cơ tử vong. Điều trị ARV còn giảm nguy lây truyền HIV sang người khác bởi vì một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ HIV lây truyền từ người nhiễm sang người chưa nhiễm là nồng độ HIV trong máu người nhiễm HIV. Nồng độ HIV trong máu người nhiễm HIV càng cao thì nguy cơ lây truyền HIV sang vợ hay chồng hoặc bạn tình của họ càng lớn.
Khi điều trị bằng ARV làm ức chế sự nhân lên của HIV và kìm hãm lượng HIV trong máu ở mức thấp, do vậy làm giảm khả năng lây truyền HIV từ người nhiễm sang người chưa nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn. Điều trị bằng ARV cũng giúp giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Mặc dù điều trị bằng ARV sớm có lợi ích rất lớn như vậy nhưng hiện nay mới chưa tới 50% người nhiễm HIV tham gia chương trình điều trị ARV. Trong khi đó, tài trợ quốc tế cho thuốc ARV tại Việt Nam - hiện chiếm đến khoảng 95% kinh phí mua thuốc và các tổ chức quốc tế đang thực hiện lộ trình cắt giảm và sẽ tiến tới kết thúc hoàn toàn vào cuối năm 2017. Vậy đâu là giải pháp cho việc đảm bảo nguồn thuốc ARV điều trị ARV cho người nhiễm HIV trong thời gian tới?
Bảo hiểm y tế - Những lợi ích mà người nhiễm HIV cần biết
Năm 2015, Chính phủ đã bổ sung 60 tỷ cho mua thuốc ARV, nâng tỷ trọng kinh phí từ 5% lên 15%, nhưng đây vẫn là con số khiêm tốn trước bối cảnh tài trợ quốc tế rút đi. Bộ Y tế đã xác định giải pháp trước mắt trình Chính phủ bổ sung kinh phí bù đắp sự thiếu hụt nguồn kinh phí cho mua thuốc ARV khi các tổ chức quốc tế rút dần tài trợ. Tuy nhiên giải pháp lâu dài và bền vững cho điều trị ARV là việc thanh toán điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS bao gồm cả thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế. Dự kiến từ 01/6/2016 bảo hiểm y tế sẽ bắt đầu chi trả thuốc ARV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế. Do vậy nếu người nhiễm HIV không có thẻ bảo hiểm y tế sẽ có thể không thể tiếp tục tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV hoặc không được tiếp tục điều trị.
Khi bệnh nhân không được duy trì điều trị ARV sẽ dẫn đến chuyển sang AIDS và tử vong hoặc bị kháng thuốc và phải chuyển sang các phác đồ điều trị đắt tiền hơn gấp nhiều lần. Bảo hiểm y tế giúp người nhiễm HIV/AIDS tránh được bẫy đói nghèo do các chi phí khám, chữa bệnh liên quan đến HIV/AIDS và khám chữa các bệnh khác.
Tham gia bảo hiểm y tế - Vấn đề không quá khó với người nhiễm HIV
Trước tiên là nhiều người băn khoăn về mức đóng góp: Theo quy định hiện hành mức đóng góp chung khi tham gia bảo hiểm y tế là 4,5% mức lương cơ sở (tương đương khoảng 621.000 đồng/năm). Đây là một số tiền không quá lớn khi so sánh với việc bảo vệ sức khỏe nói chung cũng như việc điều trị ARV là liên tục, suốt đời. Nếu bạn là cán bộ, công chức, viên chức người lao động theo hợp đồng sẽ do người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng góp. Nếu bạn là người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo hoặc trẻ em dưới 6 tuổi thì nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng bảo hiểm y tế.
Nếu bạn là học sinh, sinh viên, hộ cận nghèo, hộ gia đình có mức sống trung bình được nhà nước nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng bảo hiểm y tế. Nếu bạn không thuộc các đối tượng trên thì tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình (tức là tất cả thành viên tham gia bảo hiểm y tế). Người thứ nhất đóng 4,5% mức lương cơ sở. Người thứ 2 chỉ phải đóng 70% so với người thứ nhất. Người thứ 3 còn 60%, người thứ 4 còn 50% và từ người thứ 5 trở đi chỉ còn 40%. Cũng theo quy định hiện nay, nếu người nhiễm HIV đã tham gia bảo hiểm y tế thì vẫn tiếp tục được tham gia bảo hiểm y tế mà không cần phải tham gia theo cả hộ gia đình.
Thứ hai là việc người nhiễm HIV đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại đâu và chuyển tuyến như thế nào? Người tham gia bảo hiểm y tế được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế, cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện hoặc tuyến tương đương gần nhất nơi sinh sống. Trường hợp có nhu cầu, người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu có khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS trong địa bàn cấp huyện, cấp tỉnh.
Từ ngày 01/01/2016, người đăng ký khám chữa bệnh tại trạm y tế, phòng khám đa khoa, bệnh viện huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh hoặc khi người nhiễm HIV/AIDS chuyển tuyến điều trị thì chỉ cần giấy chuyển tuyến 1 lần và có giá trị sử dụng đến hết năm dương lịch (ngày 31 tháng 12 năm đó).
Thứ ba là liệu các thông tin cá nhân của người nhiễm HIV có được bảo mật cũng như vấn đề đồng chi trả. Thông tin cá nhân của người nhiễm đã được Luật phòng, chống HIV/AIDS cũng như các văn bản luật pháp khác quy định được giữ bí mật hoàn toàn. Với một số người nhiễm HIV khi điều trị phải đồng chi trả thì mức chi trả cũng không phải quá lớn (tối đa là 20%) so với tổng chi phí. Bộ Y tế cũng đang tìm giải pháp tháo gỡ và hỗ trợ phần kinh phí đồng chi trả cho người nhiễm HIV.
Vì vậy, người nhiễm HIV ngay từ bây giờ cần vượt qua rào cản tự ti, chủ động tham gia bảo hiểm y tế là tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của chính mình. Đó chính là giải pháp để bảo vệ sức khỏe, điều trị bằng thuốc ARV cho chính bản thân mình một cách lâu dài và bền vững./.
Thu Thanh