(TG)-Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bảo hiểm xã hội (BHXH), làm cho BHXH Việt Nam thực sự hướng tới sự minh bạch, dễ tiếp cận và bền vững, đòi hỏi các nhà báo, phóng viên, phải được trang bị đầy đủ kiến thức, được chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý chính sách, không ngừng nâng cao năng lực đáp ứng quá trình thực thi nhiệm vụ.
Ngày 29/10, tại Hà Nội, Liên Chi hội Nhà báo Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông hướng tới một hệ thống bảo hiểm xã hội minh bạch, dễ tiếp cận và bền vững”. Đến dự buổi tọa đàm có đồng chí Bùi Thế Đức, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương,Bí thư Đảng ủy cơ quan và đông đảo các phóng viên, nhà báo Liên Chi hội Nhà báo Ban Tuyên giáo Trung ương.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, đồng chí BùiThế Đức khẳng định: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, công tác bảo hiểm xã hội (BHXH) đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị- xã hội. BHXH là một trong hai chính sách xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước, là trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của nước ta. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, từng bước được hoàn thiện; quỹ BHXH có nhiều hoạt động tích cực góp phần phát triển kinh tế- xã hội.
Tuy nhiên công tác BHXH vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Diện bao phủ còn thấp, đến năm 2014 mới là 21,1% người lao động, còn gần 80% người lao động vẫn nằm ngoài hệ thống này. Thực tế hiện nay, BHXH bắt buộc mới đạt hơn 70% đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH, còn gần 30% đối tượng chưa tham gia. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện mới đạt được 5% lực lượng lao động. Với thực trạng này, sẽ là thách thức rất lớn đối với BHXH Việt Nam để đạt được mục tiêu bao phủ 50% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2020, như Nghị quyết số 21 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 đã đề ra.
Trong khi đó, quản lý nhà nước về BHXH chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH còn có nhiều bất cập. Tình trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH vẫn còn không ít. Quản lý và sử dụng Quỹ BHXH chưa chặt chẽ, có nguy cơ mất cân đối, nhất là Qũy hưu trí, tử tuất trong tương lai gần; tình trạng người lao động lạm dung chính sách bảo hiểm thất nghiệp xảy ra khá phổ biến… là những khó khăn lớn cho việc thực hiện chủ trương của Đảng về BHXH.
Các ý kiến tham luận tại buổi tọa đàm đều cho rằng, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta có thể thấy rằng mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ, nhưng công tác tuyên truyền BHXH, BHYT thời gian qua vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT. Một số nơi công tác tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, còn biểu hiện làm lướt hoặc theo chiến dịch; nội dung tuyên truyền chưa sâu, chưa đầy đủ. Chính vì thế, còn một bộ phận nhân dân chưa hiểu rõ chế độ, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia BHXH, BHYT cũng như những quy định cụ thể của luật pháp nên việc tự nguyện tham gia BHXH, BHYT còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng; một số chỉ tiêu về thực hiện BHXH còn thấp. Mới đây, tại kết luận 27-KL/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/10/2015 về tăng cường thực hiện chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 cũng đã nêu rõ: “Công tác thông tin, truyền thông còn nhiều hạn chế; chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội và sự tham gia tích cực của người dân”. Thủ tướng cũng yêu cầu: “Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng nói riêng và các chính sách an sinh xã hội nói chung”.
Có nhiều những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế yếu kém nêu trên, chủ yếu là do nhiều cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ BHXH. Trong khi đó, việc hoạch định chính sách vẫn chưa thật sự phù hợp, người lao động khó tiếp cận với BHXH, mô hình BHXH vẫn chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Hệ thống BHXH chưa được hiện đại hóa và còn thiếu chuyên nghiệp, chưa chủ động tiếp cận với người lao động và người sử dụng lao động. Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao… Những bất cập nêu trên đã đặt ra cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách về BHXH và lực lượng truyền thông báo chí những nhiệm vụ nặng về, giải đáp và tìm ra các giải pháp thích hợp, giúp cho hệ thống BHXH phát triển ổn định và bền vững.
Thời gian qua, nhờ báo chí tích cực tuyên truyền, người lao động cũng đã hiểu hơn về vai trò, ý nghĩa của BHXH trong hệ thống an sinh xã hội, quyền và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia BHXH. Phát biểu tại buổi tọa đàm, đại diện BHXH Việt Nam, đồng chí Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT khẳng định với cơ quan BHXH, các phương tiện truyền thông đại chúng là nơi để người dân phản ánh các vấn đề bất cập nảy sinh trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, làm tăng cường và phát triển dân chủ hóa trong tổ chức thực hiện chính sách, động viên nhân dân tham gia vào các hoạt động quản lý BHXH, BHYT. Ngành BHXH sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT để tạo được sự đồng thuận với các thay đổi mang tính tích cực hướng đến mục tiêu, đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, trên 80% dân số tham gia BHXH, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Đồng chí Phạm Lương Sơn cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan truyền thông góp thêm một tiếng nói để vận động các doanh nghiệp, đơn vị thực hiện thủ tục BHXH, BHYT thông qua giao dịch điện tử để vừa giảm bớt được thời gian, chi phí cho đơn vị, đồng thời cũng giảm bớt được khối lượng công việc ngày càng tăng của BHXH.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền BHXH, làm cho BHXH Việt Nam thực sự hướng tới sự minh bạch, dễ tiếp cận và bền vững, đòi hỏi các nhà báo, phóng viên, phải được trang bị đầy đủ kiến thức, được chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý chính sách, không ngừng nâng cao năng lực đáp ứng quá trình thực thi nhiệm vụ. Chắc chắn, hiệu ứng của buổi tọa đàm sẽ góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của BHXH trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHXH, làm cho BHXH Việt Nam thực sự hướng tới một hệ thống BHXH minh bạch, dễ tiếp cận và bền vững.
Thu Hằng