Ngày 28/10 tại thành phố Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng chí Bùi Thế Đức, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có gần 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo và cán bộ phòng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo 41 tỉnh, thành ủy; đại diện lãnh đạo và cán bộ tuyên truyền của Bảo hiểm xã hội, Sở Y tế, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động của 41 tỉnh, thành phố.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe các Báo cáo viên của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình bày các chuyên đề: Một số quy định mới trong Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014; Công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020; Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp trong tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền và trực tiếp tham gia thông tin, tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chuyên đề Một số nội dung cần tập trung tuyên truyền trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ở Việt Nam.
Các nội dung được báo cáo đã cung cấp thông tin về tình hình thực hiện và những điểm mới trong chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, những vấn đề cần lưu ý trong công tác tuyên truyền hiện nay.
Nghị quyết 21-NQ/TW được ban hành và triển khai thực hiện đã tạo chuyển biến bước đầu trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT đã được nâng lên. Các cấp, ngành đã tăng cường phối hợp, triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ hơn vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHXH, BHYT. Hình thức tuyên truyền đã có nhiều đổi mới, phù hợp hơn với các đối tượng trong xã hội như nông dân, người cận nghèo, học sinh, sinh viên, người lao động và chủ sử dụng lao động. Các hình thức tuyên truyền từng bước được đa dạng hóa, như chú trọng tuyên truyền thông qua các hội nghị đối thoại về chính sách BHXH,BHYT; sinh hoạt đảng, đoàn thể; trên phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, hệ thống truyền thanh cơ sở, bản tin…); trợ giúp pháp lý cho người lao động; biên soạn tờ gấp, tờ rơi, tài liệu bỏ túi; tuyên truyền trực quan và tuyên truyền thông qua tủ sách pháp luật của địa phương, đơn vị…
Nội dung tuyên truyền bước đầu đã làm rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng, tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT; lợi ích của BHXH, BHYT đối với mỗi người dân và toàn xã hội, về mức đóng, mức hưởng, phương thức, thủ tục tham gia BHXH, BHYT; những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT những năm qua; sự cần thiết, ý nghĩa và các nội dung mới của Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi, bổ sung và Luật BHXH sửa đổi; biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt công tác BHXH, BHYT; phê phán những vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT…
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21, số người tham gia bảo hiểm xã hội mỗi năm một tăng. Cụ thể, năm 2012 có 10,565 triệu người tham gia; năm 2014 là 11,646 triệu người và dự kiến năm 2015 là hơn 11,983 triệu người.
Trong 3 năm 2012- 2014, Bảo hiểm xã hội đã giải quyết cho trên 18 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Số lượt người được giải quyết chế độ trong năm 2014 tăng 0,9% so với năm 2013 và tăng 18,4% so với năm 2012; đã giải quyết cho gần 403.590 người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được thực hiện kịp thời, đúng quy định, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người hưởng thụ. Phương thức chi trả đã được đa dạng hóa như chi trả thông qua tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, chi trả thông qua đại diện chi trả xã, bưu điện xã. Việc chi trả qua hệ thống bưu điện đã dần đi vào nền nếp, ổn định và được người dân đánh giá tích cực. Bảo hiểm xã hội đã phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn và thực hiện đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho người có thẻ bảo hiểm y tế.
Tính đến đầu năm 2015, số lượng thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế xã và tương đương là trên 26 triệu người (chiếm 43%); tại y tế tuyến huyện và tương đương là trên 21 triệu người (chiếm 35%); tại cơ sở y tế tuyến tỉnh là trên 13 triệu người (chiếm 20%); tại sơ sở y tế Trung ương là trên 1 triệu người (chiếm 2%), chưa bao gồm số lượng thẻ do Bộ Quốc phòng cấp. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp với ngành y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh tăng cường cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhằm giảm các thủ tục phiền hà trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế... |
|
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Bùi Thế Đức khẳng định những chuyên đề được báo cáo tại Hội nghị là những nội dung quan trọng và cần thiết nhằm giúp đội ngũ những người trực tiếp làm công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các hoạt động tuyên truyền về BHXH, BHYT có thêm những thông tin, kiến thức, những nội dung cơ bản cần tập trung tuyên truyền trong thời gian tới, qua đó góp phần khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong triển khai, thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHYT.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền BHXH, BHYT trong thời gian tới, ngoài những nội dung, phương thức các đồng chí đã được các báo cáo viên quán triệt thông qua các chuyên đề tại hội nghị, đồng chí Bùi Thế Đức đã nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ, giải pháp:
Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT, góp phần thực hiện tốt lộ trình tiến tới BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân. Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định, BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã họi, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội và phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay, về cơ bản, các tỉnh, thành đã tổ chức thành công Đại hội đảng bộ, chuẩn bị tiến tới Đại hội XII của Đảng. Thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền, quán triệt, phổ biến và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh, thành và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cần lồng ghép với tuyên truyền việc thực hiện chính sách xã hội, trong đó có BHXH, BHYT; xác định việc tuyên truyền, thực hiện chỉ tiêu về BHXH, BHYT là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đơn vị.
Hai là, cần tăng cường các đoàn đi khảo sát, đánh giá công tác tuyên truyền BHXH, BHYT tại các địa phương, đơn vị; kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT nói chung và công tác tuyên truyền nói riêng để giải đáp, tháo gỡ và tham mưu, đề xuất cho cấp trên những giải pháp giải quyết hiệu quả. Vào tháng 12 tới, Ban TGTW sẽ phối hợp với BHXHVN tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện NQ21-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây là dịp để chúng ta đánh giá thực trạng công tác triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, đồng thời cũng đánh giá thực trạng công tác tuyên truyền, tìm ra những hình thức hiệu quả để tiếp tục phát huy; phát hiện những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để khắc phục. Mặt khác, qua đây, tiếp tục tuyên truyền về những kết quả đạt được trong thực hiện NQ21-NQ/TW của Bộ Chính trị và làm tốt công tác tuyên truyền, cổ vũ, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân làm tốt công tác BHXH, BHYT, góp phần tạo phong trào thi đua sôi nổi trong toàn xã hội tích cực tham gia BHXH, BHYT.
Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền BHXH, BHYT, đảm bảo tính phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ hiểu, chú trọng giải thích, làm rõ những điểm mới của các Luật BHXH sửa đổi, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung; các chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân, người chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Tăng cường các hình thức tuyên truyền như: Hội nghị tập huấn; tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân; in ấn, phát hành các loại tờ gấp, tờ rơi, tài liệu bỏ túi; tuyên truyền miệng và tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Bốn là, tăng cường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cấp, ngành, đặc biệt là sự phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội với ban tuyên giáo và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền BHXH, BHYT. Coi trọng và phát huy vai trò đơn vị cơ sở, các xã, phường, thị trấn, cơ quan, trường học, doanh nghiệp…, là địa bàn trực tiếp tổ chức vận động đối tượng và giám sát thực hiện các chế độ BHXH, BHYT. Thường xuyên gắn công tác tuyên truyền với không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT; đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm; thực hiện minh bạch, công khai và tăng cường quản lý các hoạt động khám, chữa bệnh; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, nhất là tình trạng trốn đóng, nợ BHXH, BHYT và các hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi BHXH, BHYT.
Năm là, tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp về thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT đối với người lao động. Đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, kích động, lôi kép người dân, nhất là công nhân, người lao động biểu tình, đình công gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bảo Châu