Trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Thủ đô Washington để
thực hiện chuyến thăm chính thức Mỹ, tờ The Washington Times đã có bài
phân tích về vấn đề Biển Đông trong quan hệ Mỹ-Trung.
Bài báo đã phân tích các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông thời
gian vừa qua cũng như các tác động nghiêm trọng tới môi trường sinh thái
biển từ các hoạt động tôn tạo với quy mô lớn của Trung Quốc ở một số
bãi, đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo bài báo các bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng nhiều, đáng
chú ý là trong các vấn đề chống biến đổi khí hậu, gián điệp mạng, các
hoạt động quân sự hiếu chiến ở Biển Đông, vấn đề nhân quyền, bảo hộ cho
các hoạt động kinh doanh sản xuất, thao túng tiền tệ của Trung Quốc…
Những vấn đề này đang làm trầm trọng thêm các bất đồng vốn có giữa hai
nước và khó có thể giải quyết được ngay trong chuyến thăm cấp nhà nước
của ông Tập Cận Bình tới Mỹ.
Thời gian vừa qua, Mỹ và Trung Quốc cũng đã có không ít tranh cãi về vấn
đề Biển Đông. Trong khi Washington tập trung bảo vệ các tuyến đường
biển quan trọng tại đây được lưu thông một cách bình thường, đồng thời
khuyến khích tất cả các bên liên quan giải quyết tranh chấp một cách hòa
bình theo quy định của luật pháp quốc tế, thì Trung Quốc lại thực hiện
âm mưu gặm nhấm Biển Đông nhằm thực hiện tham vọng chủ quyền của mình.
Năm ngoái, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam đã được quốc tế công nhận, gây ra nguy cơ bất
ổn tại khu vực.
Các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là một trong những trọng tâm của các
cuộc đàm phán cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc tại Washington trong tuần
này.
Trên thực tế, Trung Quốc đã bồi đắp, tôn tạo với quy mô lớn một số bãi,
đá tại Biển Đông. Có nơi, Trung Quốc đã bồi đắp hình thành đảo nhân tạo
có diện rất lớn. Một số nước khác cũng có các hoạt động khai hoang tại
một số đảo nhưng với quy mô nhỏ.
Ước tính, trong 2 năm qua, tổng diện tích Trung Quốc bồi đắp lớn gấp 17
lần diện tích bồi đắp của các nước khác trong khu vực suốt 40 năm.
Các dự án cải tạo và đánh bắt cá của Trung Quốc tại Biển Đông đã và đang
làm gia tăng tranh chấp giữa Trung Quốc với các bên liên quan khác, đặc
biệt là với Philippines và Việt Nam.
Hiện nay, các tác động môi trường từ các hoạt động tôn tạo củaTrung Quốc
là rất lớn. Những hoạt động của Trung Quốc đang đe dọa tới nguồn thủy
sản, sự đa dạng sinh học biển, và tạo ra một mối đe dọa lâu dài đối với
một số loài sinh vật biển quý hiếm trên thế giới.
Hàng nghìn rạn san hô, thảm cỏ biển, hệ sinh thái biển đang nhanh chóng
bị hủy hoại và chôn vùi do Trung Quốc tăng cường các hoạt động tôn tạo,
bồi đắp tại Biển Đông.
Theo thống kê, có khoảng 300 triệu người sống trực tiếp phụ thuộc vào
nguồn tài nguyên Biển Đông, khoảng 1,9 tỷ người sử dụng nguồn lương thực
từ vùng biển này. Nếu Trung Quốc tiếp tục các hoạt động hủy hoại môi
trường sinh thái, nguy cơ bất ổn sẽ càng gia tăng.
Hai thập kỷ qua, Biển Đông đã góp phần mang lại tăng trưởng kinh tế chủ
yếu cho Trung Quốc và các quốc gia ven biển. Hiện, Trung Quốc có tới
70.000 thuyền đánh cá - nhiều nhất trên thế giới - nhưng lại có rất ít
các quy định đối với việc đánh bắt cá tại vùng biển này.
Rõ ràng, các hành động như vậy của Trung Quốc ở Biển Đông trái với các
Công ước 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển. Việc quân sự hóa một số
đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã vi phạm Tuyên bố về cách
ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Để góp phần giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, cộng đồng quốc tế,
đặc biệt là Washington, cần lên án Trung Quốc về các hành động quân sự
hóa tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, kêu gọi nước
này bảo tồn các nguồn tài nguyên biển, giảm thiểu khả năng xung đột có
thể xảy ra làm hủy hoại tới môi trường biển.
Các nước nên lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học biển, nhận thức rõ
vấn đề an ninh lương thực và an ninh môi trường Biển Đông đang bị đe dọa
nghiêm trọng bởi các hoạt động tôn tạo trái phép, các hoạt động đánh
bắt cá tận diệt, tàn phá các rạn san hô, gây ảnh hưởng tới các loài sinh
vật biển.
Các quốc gia liên quan, đặc biệt là Trung Quốc, cần ngừng tất cả các
hoạt động hủy hoại hệ sinh thái Biển Đông, đe dọa tới sự đa dạng sinh
học. Với tư cách là nước lớn, Trung Quốc nên trở thành tấm gương và thực
hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, bắt đầu từ Biển Đông.
Các nước trong khu vực cũng phải có trách nhiệm trong việc quản lý, bảo
vệ môi trường và các nguồn tài nguyên biển quý giá. ASEAN cần nỗ lực hơn
nữa để đạt được Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) và cộng đồng quốc tế
cần trợ giúp nỗ lực này của ASEAN./.
(Vietnam+)