Thứ Sáu, 22/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Năm, 19/7/2018 10:24'(GMT+7)

Bao nhiêu phần trăm là đủ?

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Đây là tín hiệu cho thấy tình hình kinh tế khả quan, có điều kiện để tăng lương tối thiểu vùng khoảng 8% (tương đương khoảng từ 220 nghìn đồng đến 330 nghìn đồng/ tháng). Nếu áp dụng mức tăng trên cũng chỉ đáp ứng được 95,4% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ). Song, đại diện chủ sử dụng lao động (VCCI) lại cho rằng, cần phải tăng năng suất lao động trước khi nghĩ đến việc nâng lương...

Ở nước ta hiện nay có hơn 1,3 triệu NLĐ đang làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất. Được tuyển dụng vào làm việc, nguyện vọng và nhu cầu lớn nhất của họ chính là được trả lương cao. Ngược lại, phía các doanh nghiệp, mục tiêu quan trọng nhất của họ là doanh thu, lợi nhuận. Ở những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có nhu cầu sử dụng số lượng lao động lớn, giới chủ trong quá trình đầu tư phát triển bao giờ cũng muốn tuyển dụng nguồn nhân công giá rẻ. Để làm được điều này, nhà tuyển dụng sẽ tìm mọi cách để vừa thu hút được nguồn lực lao động, vừa không tốn nhiều tiền. Mọi vướng mắc, mâu thuẫn giữa NLĐ và đối tượng sử dụng lao động đều từ đó mà ra. Tình trạng khiếu kiện, nghỉ việc tập thể của công nhân hay “chiêu trò” trừ lương, quỵt lương công nhân của chủ doanh nghiệp phát sinh do môi trường lao động thiếu tính chuyên nghiệp.

Giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới, hội nhập, cơn “khát” đầu tư khiến nhiều địa phương chưa chú trọng chất lượng các nhà đầu tư, khiến thị trường lao động bộc lộ nhiều kẽ hở khó kiểm soát. Giá nhân công rẻ và cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của không ít doanh nghiệp kéo theo những bất cập trong giải quyết mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, cống hiến và hưởng thụ, mấu chốt là vấn đề tiền lương cho NLĐ.

Khách quan mà nói, môi trường làm việc càng dễ dãi thì chế độ đãi ngộ càng thấp, rủi ro cho NLĐ càng cao. Hiện nay, việc sử dụng lao động có tay nghề, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao đang là xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Các doanh nghiệp, thương hiệu kinh tế muốn duy trì tốc độ tăng trưởng, phát triển bền vững buộc phải có chiến lược tuyển dụng nguồn nhân lực tương xứng. Ngược lại, NLĐ muốn có mức lương xứng đáng trong môi trường làm việc phù hợp đòi hỏi phải có tay nghề, trình độ chuyên môn và tác phong lao động chuyên nghiệp.

Rõ ràng đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện cho chủ  sử dụng lao động đều có lý lẽ của riêng mình nên việc tăng lương tối thiểu vùng chưa thể có kết quả trong ngày một ngày hai. Vấn đề chính lúc này là hai bên phải cùng nhau hợp tác để hài hòa lợi ích sao cho NLĐ có đủ thu nhập để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống; chủ sử dụng lao động phải có tích lũy để phát triển sản xuất có lợi nhuận..

Cùng với việc tăng lương, NLĐ phải năng động, chủ động học tập, tích lũy phương pháp, tác phong làm việc góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Còn giới chủ cũng phải đầu tư có chiều sâu hơn nữa về khoa học công nghệ, sao cho giảm giá thành sản phẩm để có thêm cơ hội tích lũy, phát triển bền vững./.

Phan Tùng Sơn

(Nguồn: qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất