Thứ Sáu, 8/11/2024
Văn hóa
Thứ Bảy, 14/4/2018 9:19'(GMT+7)

Bảo tồn âm nhạc dân gian là chấn hưng văn hóa dân tộc

Ca trù là một trong số các thể loại nghệ thuật được trình tại liên hoan (Ảnh: CAND)

Ca trù là một trong số các thể loại nghệ thuật được trình tại liên hoan (Ảnh: CAND)

Kho tàng âm nhạc dân gian vùng đất Tây Nguyên rất phong phú và độc đáo, được coi như “vùng đất màu mỡ” đối với giới văn nghệ sĩ. Nhiều nhạc sĩ, trong đó có nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, đã đến Tây Nguyên với mong muốn góp phần gìn giữ và làm giàu cho kho tàng âm nhạc của vùng đất bazan.

Sáng tác đầu tiên từ nhiệm vụ được giao

Lê Xuân Hoan (bút danh Việt Linh), sinh ngày 22/11/1960 tại xã Thanh Hồng, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Từ nhỏ, anh đã được nghe rồi yêu những khúc hát dân ca. Tình yêu ấy lớn dần theo năm tháng. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, năm 1983, anh bị tiếng cồng, tiếng chiêng với những làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cuốn hút để rồi chọn Gia Lai là nơi lập nghiệp.

Chia sẻ về sáng tác đầu tay, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan cho biết: “Đầu năm 1984, tôi và nhạc sĩ Phạm Cao Đạt được ông Trịnh Kim Sung, giám đốc Sở Văn hóa Gia Lai - Kon Tum giao trách nhiệm dàn dựng một chương trình nghệ thuật cho “Tốp ca khúc chính trị” của tỉnh đi biểu diễn “Chào mừng 30 năm chiến thắng Điện Biên” tại tỉnh Lai Châu (khi đó Điện Biên còn thuộc tỉnh Lai Châu). Giám đốc Sở chỉ đạo: “Chương trình biểu diễn phải mang rõ bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Muốn vậy, ngoài mấy ca khúc của các nhạc sĩ đã viết về Điện Biên, phải sáng tác được một số ca khúc mang âm hưởng và phong cách Jrai, Bahnar, Tây Nguyên”.

 

bao ton am nhac dan gian la chan hung van hoa dan toc hinh 1
Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan (bên phải) với các nghệ nhân Tây Nguyên

 

Nhận được lời giao đầy trọng trách ấy, sau bao đêm trăn trở, Lê Xuân Hoan đã sáng tác ca khúc "Hát mừng Điện Biên". Sau khi hoàn thành tác phẩm, anh hát cho nhạc sĩ Phạm Cao Đạt và một số người bạn nghe. Vừa hát anh vừa lo, không biết tác phẩm của mình có “mang âm hưởng và phong cách Jrai và Bahnar”. Nghe xong, nhạc sĩ Phạm Cao Đạt vỗ vai anh nói: “Chúc mừng cậu, bài hát được lắm, khá lắm”. Lời chúc mừng ngắn gọn mà khiến anh như trút được gánh nặng trong người.

Kể từ đó, được sự động viên khích lệ của lãnh đạo Sở, mà trực tiếp là ông Trịnh Kim Sung, đặc biệt là sự đùm bọc, chở che của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên..., Lê Xuân Hoan đi sâu tìm hiểu kho tàng âm nhạc dân gian Tây Nguyên và hoàn thành được một số công trình nghiên cứu, sưu tầm về âm nhạc dân gian vùng đất này.

Theo nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, kho tàng âm nhạc dân gian Bahnar, Jrai nói riêng, Tây Nguyên nói chung rất phong phú, độc đáo và ít bị ảnh hưởng ngoại lai, gần gũi với vẻ đẹp nguyên sơ của nó. Âm nhạc dân gian Tây Nguyên phản ánh đầy đủ tâm hồn, cốt cách của những con người sống giữa núi rừng Tây nguyên hùng vĩ. Đó là mối quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên.

Đưa âm nhạc Tây Nguyên tới gần hơn với công chúng

Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan cho rằng, âm nhạc dân gian Tây Nguyên cũng hồn nhiên như cuộc sống và được truyền miệng từ đời này đến đời khác, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay với một sức sống mãnh liệt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mở cửa và hội nhập quốc tế, âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng đứng trước nguy cơ bị mai một, bởi mặt trái của “cơ chế thị trường” với những sản phẩm văn hóa nghe nhìn hiện đại. Vì thế, phải có những giải pháp cho việc bảo tồn âm nhạc truyền thống.

 

Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan có 5 cuốn sách đã được xuất bản: Dân ca Jrai (2 tập), NXB Văn hóa dân tộc, 2006; 2017; Một số đặc trưng cơ bản trong âm nhạc dân gian Jrai, NXB Văn hóa dân tộc, 2007; Dân ca Bahnar, NXB Âm nhạc, 2013; Tìm hiểu thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Bahnar, NXB Âm nhạc, 2014; Dân ca Jrai (Tập 2).

“Thực chất của công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân gian là vấn đề chấn hưng văn hóa dân tộc trong xu thế giao lưu và hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ này không chỉ là việc ngăn chặn sự lãng quên, sự huỷ hoại những giá trị âm nhạc truyền thống, mà vấn đề cốt lõi là phải bảo đảm cho những giá trị âm nhạc truyền thống được phát huy tác dụng trong môi trường văn hoá mới, phù hợp với điều kiện của con người trong thời đại mới” - nhạc sĩ Xuân Hoan nhấn mạnh

 

Nhạc sĩ cũng đồng thời gợi mở một số giải pháp bảo tồn như: tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học khu vực nhằm khẳng định vai trò và giá trị độc đáo của âm nhạc Tây Nguyên trong kho tàng âm nhạc cổ truyền Việt Nam;  Đưa âm nhạc cổ truyền Tây Nguyên vào giáo dục trong các cấp học; Thường xuyên tổ chức các liên hoan nghệ thuật cổ truyền dân tộc với quy mô toàn quốc, trên cơ sở tạo điều kiện cho đồng bào Tây Nguyên mở rộng giao lưu, khích lệ và khơi dạy niềm tự hào dân tộc để bà con có ý thức bảo vệ, giữ gìn nét đẹp truyền thống của âm nhạc cổ truyền; Phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong quảng bá, giới thiệu, đưa âm nhạc Tây Nguyên gần hơn với công chúng.

Nhạc sĩ Xuân Hoan cho rằng, Nhà nước cần phải có chính sách, chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân, lực lượng làm công tác văn hóa nghệ thuật ở địa phương, nhất là đối với đồng bào dân tộc ít người, bởi không ai có thể hiểu được những giá trị to lớn trong âm nhạc của đồng bào bằng chính đồng bào - nơi họ đã sinh ra và lớn lên./.

Theo VOV.VN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất