Thứ Sáu, 22/11/2024
Khoa học
Thứ Tư, 19/12/2018 9:0'(GMT+7)

Bảo tồn đa dạng sinh học - Từ chủ trương tới hành động

CHỦ TRƯƠNG VÀ NỖ LỰC

Việt Nam đã sớm tham gia và trở thành thành viên của nhiều công ước, hiệp ước quốc tế về bảo tồn, phát triển nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, đặc biệt, từ năm 1994 đã chính thức tham gia Công ước Quốc tế về đa dạng sinh học. Từ đó đến nay, Đảng ta luôn thể hiện đầy đủ cam kết chính trị và những nỗ lực của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức trong nước và quốc tế, các đoàn thể nhân dân đã chung tay hành động thiết thực để bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia.

Mặc dù đã rất nỗ lực từ chủ trương, chính sách đến hành động nhưng không thể phủ nhận được thực tế là hệ sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam liên tục bị suy giảm và suy thoái. Dưới áp lực của sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa nhanh, phát triển thiếu quy hoạch, thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng nhiều kết cấu hạ tầng cơ sở... đã làm giảm đáng kể diện tích sinh cảnh tự nhiên, tăng sự chia cắt các hệ sinh thái, làm suy giảm môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật hoang dã. Các loại tài nguyên thiên nhiên mà đặc biệt là tài nguyên sinh vật đang bị khai thác quá mức, đặc biệt là thủy, hải sản, lâm sản gỗ và lâm sản phi gỗ. Sự du nhập của các loài ngoại lai xâm hại, ô nhiễm môi trường và những tác động của biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp lên đa dạng sinh học của Việt Nam. Nhiều loài sinh vật, đặc biệt là các loài quý, hiếm, đang trở nên tuyệt chủng ngoài tự nhiên hoặc đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tình trạng khai thác, săn bắn, buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã ngày càng diễn biến phức tạp gây ra những mối đe dọa lớn tới đa dạng sinh học cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Cột mốc quan trọng cho sự nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam là Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội thông qua ngày 13-11-2008 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2009. Luật Đa dạng sinh học được đánh giá là rất tiến bộ, có tầm nhìn, hệ thống và tiếp cận đầy đủ các cam kết và chuẩn mực quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là khung luật đầu tiên của Việt Nam quy định về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học. Luật Đa dạng sinh học có riêng Chương 4 (từ điều 37 đến điều 49) quy định về “Bảo vệ động, thực vật hoang dã”. Luật Hình sự sửa đổi qua các năm 2009 và gần đây là năm 2015 đã bổ sung, sửa đổi và tăng nặng hơn các quy định xử phạt đối với các tội săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó.

Trước thực trạng đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện các nội dung: 1) Bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn. Ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng. Sớm dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; 2) Tăng cường quản lý, mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên hiện có tại những nơi có đủ điều kiện và đẩy nhanh việc thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên mới. Ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ cảnh quan, sinh thái, di sản thiên nhiên; 3) Bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật hoang dã, các giống cây trồng, cây dược liệu, vật nuôi có giá trị, loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Ngăn chặn sự xâm nhập, phát triển của sinh vật ngoại lai xâm hại; 4) Tăng cường quản lý rủi ro từ sinh vật biến đổi gen. Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, các cơ quan Nhà nước đã triển khai rất nhiều các giải pháp. Ngày 26-12-2013, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 98-HD/BTGTW “Công tác tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã”. Đến nay, đã có 10 Nghị định của Chính phủ, 12 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 23 Thông tư của Bộ trưởng được ban hành, thể chế hóa các chiến lược, quy hoạch, cơ chế về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học Việt Nam, trong đó, có bảo tồn và phát triển các loài nguy cấp, quý hiếm.


 

ĐẨY MẠNH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC

Để có thể bảo tồn một cách có hiệu quả hệ sinh thái và đa dạng sinh học, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Một là, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng. Đối với người đứng đầu, trong công tác điều hành phải luôn tính đến yếu tố bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện nghiêm việc đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường của các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Phải cân nhắc  và chú trọng ngay từ đầu việc đánh giá những ảnh hưởng của các chính sách phát triển, các dự án kinh tế tới đa dạng sinh học… Vậy nên, việc kiểm điểm đánh giá kết quả việc thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học phải được xem là một trong những tiêu chí để xếp loại và đánh giá cán bộ hằng năm, là cơ sở để xem xét đánh giá bổ nhiệm cán bộ.

Hai là, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của từng cán bộ đảng viên và người dân về bảo tồn đa dạng sinh học. Thực tế là, hiện nay nhận thức của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền cũng như người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã chưa đầy đủ và đúng mức. Việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã chưa thực sự được coi trọng, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Trong nhân dân, còn khá phổ biến tư tưởng muốn sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, mỹ nghệ, trưng bày, trang trí, quà biếu, tặng; coi đó như là phương thuốc quý để tăng cường sức khỏe, chữa bệnh và thể hiện sự “giàu có”, “đẳng cấp” của bản thân và gia đình.

Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Tuyên giáo với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong định hướng, tổ chức tuyên truyền một cách chính thống và khoa học với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Có thể đưa nội dung tuyên truyền về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo tồn các loài hoang dã, nguy cấp quý hiếm vào các nội dung sinh hoạt của chi bộ, đặc biệt phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời, xây dựng cơ chế cung cấp thông tin giữa ngành Tuyên giáo với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp về bảo tồn đa dạng sinh học, là cơ sở định hướng các cơ quan thông tấn, báo chí nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học một cách hiệu quả và thiết thực. 

Các bộ, ngành trong chức năng quản lý của mình cần kịp thời cung cấp các thông tin về các vụ việc có xung đột về môi trường nói chung, bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng để cùng phối hợp kịp thời chỉ đạo và định hướng tuyên truyền. Ba là, đề xuất Trung ương ban hành một chỉ thị hoặc nghị quyết riêng về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm tạo nên sự thông suốt về nhận thức, tư tưởng và hành động của toàn Đảng, các cấp, các ngành và sự đồng thuận trong nhân dân.

Từ những định hướng lớn về bảo tồn đa dạng sinh học, các cấp ủy đảng sẽ tập trung chỉ đạo, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch bảo tồn phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị, góp phần thiết thực thực hiện có hiệu quả Công ước Quốc tế về đa dạng sinh học và các cam kết về bảo tồn đa dạng sinh học mà Việt Nam đã tham gia./.

 

Lê Thị Ngân

Vụ Khoa học, Công nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương

 

 -------------------------------------

 

Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 7/2018

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất