Để phục vụ việc điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng-an ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đề xuất quy hoạch tổng thể phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất quy hoạch phát triển tổng thể lĩnh vực viễn thám hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, đạt trình độ hàng đầu khu vực Đông Nam Á và trình độ tiên tiến của thế giới.
Cụ thể, từ nay đến năm 2025, sẽ hình thành khung chính sách, văn bản quy phạm pháp luật viễn thám; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật về viễn thám; đảm bảo 80% đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước tại Trung ương, 60% đội ngũ cán bộ chuyên trách tại địa phương được đào tạo cơ bản, đại học và sau đại học, tại các cơ sở nghiên cứu…
Tiếp đó, giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030, sẽ rà soát hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật về viễn thám; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về viễn thám; đảm bảo 100% đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước tại Trung ương, 80% đội ngũ cán bộ chuyên trách tại địa phương được đào tạo cơ bản, đại học và sau đại học.
Đồng thời, tiếp tục nâng cấp các hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám hiện có; xây dựng mới một số trạm thu dữ liệu, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám mới. Cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia, đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển và đảm bảo quốc phòng-an ninh.
Đến năm 2040, sẽ chế tạo và xây dựng chùm vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái Đất từ các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu đồng bộ, hiện đại, cung cấp đầy đủ dữ liệu viễn thám đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Nhằm thực hiện mục tiêu nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý lĩnh vực viễn thám phù hợp với hiện trạng phát triển kinh tế-xã hội trong nước và thông lệ quốc tế; xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá sản phẩm hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
Công bố công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực viễn thám; ban hành chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài hình thành và triển khai các dự án đầu tư về viễn thám.
Đồng thời, tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn của các thành phần kinh tế khác trong nước; xây dựng mối quan hệ tốt, cùng có lợi với các ngân hàng thương mại truyền thống; bảo lãnh Chính phủ đối với các khoản vay cho các dự án trọng điểm phát triển vệ tinh viễn thám../.
TTX