Theo kết
quả điều tra dân số năm 2019, cả nước có khoảng 14,2 triệu người dân tộc
thiểu số (chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước), sinh sống chủ yếu tại các
khu vực trung du, miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền
trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Với đặc điểm phân bố đa dạng ở các vùng
địa lý khác nhau, gắn với các phong tục tập quán, văn hóa truyền thống
lâu đời, mỗi dân tộc thiểu số đều sở hữu các giá trị văn hóa riêng biệt
độc đáo, góp phần làm phong phú nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam.
Tuy
nhiên, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, với sự bùng nổ mạnh mẽ
của công nghệ thông tin, văn hóa các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ
bị phai nhạt vì sự lấn át của các giá trị văn hóa vùng miền khác và văn
hóa ngoại lai. Một số giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đang
bị mất đi, một số giá trị bị biến đổi không còn đúng với nguyên gốc.
Đáng lo ngại nhất là một bộ phận người dân, trong đó chủ yếu là thanh
niên không còn mặn mà với các giá trị truyền thống của dân tộc mình.
Thí
dụ rõ nhất là các làn điệu dân ca đặc trưng của nhiều dân tộc đang dần
biến mất, do người dân không còn sử dụng trong các sinh hoạt của cộng
đồng. Thậm chí một số dân tộc còn đứng trước tình trạng bị mai một tiếng
nói, chữ viết vốn được coi là yếu tố quan trọng nhất tạo nên nét riêng
văn hóa của một tộc người.
Cùng với đó, nhiều không gian văn hóa
đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ bị phá vỡ bởi sự cởi
mở của du lịch cũng như sự xâm lấn của không gian mạng. Khi những người
dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia sử dụng internet nhiều hơn,
sở hữu các thiết bị điện tử cá nhân nhiều hơn, nguy cơ “quên dần” không
gian văn hóa của dân tộc mình cũng hiện hữu rõ hơn.
Nhiều thí dụ
cho thấy, lễ hội của một số dân tộc thiểu số có nét na ná nhau, các tập
tục tín ngưỡng đặc trưng bị bỏ qua trong các dịp quan trọng, kiến trúc
nhà ở của một số đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi, trang phục cũng có
xu hướng “phổ thông hóa”, khó phân biệt người dân tộc này với dân tộc
khác… Mặt khác, tốc độ đô thị hóa ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số
đang diễn ra nhanh chóng khiến cho không ít buôn làng, phum sóc, bản
mường mất dần đi vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên, cảnh vật. Những thách
thức này đòi hỏi phải có các chính sách quyết liệt, phù hợp trong một
chiến lược tổng thể, dài hơi để từng bước khôi phục, gìn giữ và phát huy
giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số.
Trong một số cuộc hội thảo
gần đây do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, nhiều nhà quản lý,
nghiên cứu văn hóa bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ mai một bản sắc văn hóa
các dân tộc thiểu số. Có ý kiến cho rằng cần phải có một cuộc “kiểm kê”
trên quy mô toàn quốc để nhìn rõ bức tranh toàn cảnh về văn hóa các dân
tộc thiểu số Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể cho từng dân
tộc, từng địa phương nhằm làm sống lại những giá trị đã mất, đồng thời
bảo tồn các giá trị đang có, khai thác và phát huy các giá trị đó vào
đời sống hôm nay.
Giữ vững các giá trị văn hóa của đồng bào dân
tộc thiểu số, ở một nghĩa khác còn là góp phần giữ vững bản sắc văn hóa
dân tộc, giữ vững biên cương Tổ quốc, bởi phần lớn đồng bào các dân tộc
thiểu số đều sinh sống ở vị trí địa lý là các vùng cao, biên giới...
Trong
suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta
luôn dành sự quan tâm đặc biệt với công tác bảo vệ văn hóa của đồng bào
các dân tộc thiểu số. Ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của
đồng bào dân tộc thiểu số luôn là một trong những mục tiêu được Đảng,
Nhà nước ta xác định là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là
nhiệm vụ trọng tâm. Rất nhiều chủ trương, chương trình, đề án, chính
sách đầu tư phát triển văn hóa đã được xây dựng và triển khai.
Để
hiện thực hóa các nội dung trong các kết luận, nghị quyết của Đảng,
Quốc hội về công tác dân tộc, ngành văn hóa và chính quyền các địa
phương đã đưa ra nhiều chương trình hành động thiết thực với mục tiêu
bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số. Cụ thể như các
đề án: “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân
tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, “Bảo tồn và phát triển ngôn
ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam”.
Đồng thời thường xuyên tổ
chức các hoạt động ý nghĩa như: phục hồi các loại hình nghệ thuật truyền
thống có nguy cơ thất truyền, sưu tầm các làn điệu dân ca dân tộc thiểu
số, bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc ít người, xây dựng mỗi
dân tộc một làng văn hóa, tổ chức các lớp dạy văn hóa phi vật thể cho
đồng bào, tổ chức lớp tập huấn về bảo tồn tiếng nói, chữ viết...
Nhìn
chung mỗi chương trình, dự án đều đưa ra các nội dung trọng điểm dựa
trên tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, bản sắc văn hóa và phong
tục tập quán của từng dân tộc thiểu số nhằm khơi dậy sức mạnh của văn
hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh, quốc
phòng.
Tuy nhiên, để các chủ
trương, chính sách, các chương trình hoạt động thực sự phát huy hiệu quả
cần nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Trước tiên là vai trò của
đội ngũ cán bộ văn hóa. Bên cạnh những thành tựu và kết quả đã đạt được,
đội ngũ cán bộ văn hóa của ta, từ Trung ương tới cơ sở còn mỏng về số
lượng và yếu về chất lượng.
Đây là một trong những nguyên nhân
quan trọng khiến công tác bảo tồn, phát huy văn hóa đồng bào dân tộc
thiểu số những năm qua còn không ít hạn chế. Do đó trước mắt cần tăng
cường các chương trình bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán
bộ văn hóa nói chung, đặc biệt cán bộ văn hóa hoạt động ở vùng dân tộc
thiểu số. Cần có cơ chế đặc thù trọng dụng người tài, người có năng lực
để họ có thể phát huy khả năng, uy tín của mình trong cộng đồng, đánh
thức, cời lửa, giữ gìn và lan tỏa những nét đẹp của văn hóa đồng bào dân
tộc thiểu số.
Vai trò của các già làng, trưởng bản, những cán
bộ là con em các dân tộc được học hành đào tạo bài bản chuyên sâu về văn
hóa rất quan trọng, cần có chính sách thỏa đáng để sử dụng họ như là
những cán bộ nòng cốt trong giữ gìn phát huy văn hóa thì sẽ rất hiệu
quả.
Trong vấn đề giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa
truyền thống các dân tộc thiểu số không thể không nhấn mạnh yếu tố đặc
biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Họ chính là những người sáng tạo,
thụ hưởng, gìn giữ các giá trị văn hóa. Ở một số địa phương, do điều
kiện đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, nhiều bà
con chưa nhận thức rõ vị trí, vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội,
nên công tác tuyên truyền, giáo dục phải được tăng cường thường xuyên
liên tục.
Khi mỗi người dân trong cộng đồng hiểu rõ sức mạnh của
văn hóa dân tộc mình, tự hào về văn hóa dân tộc mình, họ sẽ trở thành
sứ giả, chung sức khôi phục, gìn giữ, lan tỏa các giá trị đẹp đẽ vào
trong đời sống. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, vai trò của
cộng đồng trong bảo vệ các giá trị văn hóa càng đặc biệt quan trọng.
Mạng xã hội xuất hiện ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang tác động
mạnh mẽ vào quan hệ xã hội của các tộc người, hình thành nên ý thức kết
nối cộng đồng mang tính xuyên biên giới. Báo cáo của Ủy ban Dân tộc và
Tổng cục Thống kê về kết quả điều tra thu thập thông tin về tình trạng
kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, có tới 61,3% tổng
số hộ dân tộc thiểu số tiếp cận, sử dụng mạng internet.
Điều
đáng mừng là nhiều bạn trẻ người dân tộc đã có ý thức sử dụng mạng xã
hội như một phương tiện hữu hiệu để giao lưu, kết nối không chỉ trong
cộng đồng mà còn vượt ra khỏi biên giới quốc gia nhằm đề cao bản sắc dân
tộc, lan tỏa các nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến bạn bè quốc tế.
Khi có những hành vi xuyên tạc, làm méo mó hình ảnh văn hóa của dân tộc
mình, chính những thành viên của các nhóm này đã không ngại ngần lên
tiếng cảnh báo, đấu tranh.
Thậm chí, một số bạn trẻ người dân
tộc thiểu số đã xây dựng được kênh YouTube riêng thu hút hàng triệu lượt
xem và theo dõi. Những thí dụ này cho thấy vai trò không thể thay thế
của chính người dân tộc thiểu số trong việc giữ gìn, bảo tồn, lan tỏa
văn hóa cộng đồng mình.
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt
Nam là đất nước đa văn hóa. Tính đa dạng trong văn hóa là nét riêng độc
đáo, là tài sản quý giá làm nên kho tàng văn hóa Việt Nam, tạo ra bản
sắc văn hóa Việt Nam. Cần quán triệt tính đa dạng trong văn hóa như là
yếu tố nòng cốt để phát triển văn hóa bền vững. Mỗi địa phương cần dựa
vào tình hình thực tế đặc thù của mình để đưa ra chiến lược, chương
trình hành động phù hợp.
Theo đó, các chính sách bảo đảm vừa bám
sát đời sống của người dân, vừa định hướng, nâng cao nhận thức cho
người dân để họ có thể tham gia trực tiếp, đông đảo vào sự nghiệp bảo
vệ, lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc mình, từ đó đóng góp tích cực
vào công cuộc gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm
đà bản sắc dân tộc./.
Hội Vũ (nhandan.vn)