Thứ Ba, 24/12/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 21/9/2014 21:35'(GMT+7)

Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Giờ học thực hành môn Hóa học của học sinh lớp 8, trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Krông Bông (Đắk Lắk). (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Giờ học thực hành môn Hóa học của học sinh lớp 8, trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Krông Bông (Đắk Lắk). (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Trong những năm qua, ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học đều khắp các thôn, bon, làng, các tỉnh Tây Nguyên còn thu hút các cháu trong độ tuổi đến trường, lớp học ngày càng đông.

Bình quân số học sinh dân tộc thiểu số đến trường mỗi năm tăng 10%. Năm học 2014-2015, các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút được trên 461.230 cháu trong độ tuổi đến trường, chiếm trên 32% trong tổng số học sinh trong toàn vùng.

Các tỉnh Tây Nguyên ngày càng chú trọng mở rộng việc dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số trong các trường tiểu học ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sinh sống cũng như các trường phổ thông dân tộc nội trú. Nhờ vậy trẻ em ở đây được nghe, nói, đọc, viết thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.

Tỉnh Kon Tum, Gia Lai đã đưa tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Bahnar, Jarai vào giảng dạy ở 121 trường học ở bậc tiểu học từ lớp 3 đến lớp 5.

Tỉnh Đắk Lắk đưa tiếng Êđê vào dạy ở 92 trường tiểu học, 13 trường trung học phổ thông dân tộc nội trú.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng cấp miễn phí các bộ sách giáo khoa, tài liệu về tiếng dân tộc, vở viết, thu hút ngày càng đông học sinh dân tộc thiểu số tham gia học tiếng nói, chữ viết dân tộc mình.

Các tỉnh còn mở nhiều lớp dạy tiếng nói, chữ viết cho cán bộ, công nhân viên để có điều kiện công tác, tiếp xúc làm việc với vùng đồng bào được thuận lợi hơn. Các tỉnh cũng chú trọng phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các Từ điển Việt-Êđê, Êđê-Việt, Bahnar-Việt…, xuất bản nhiều đầu sách như truyện cổ, lời nói vần, luật tục, sử thi … song ngữ, phát hành rộng rãi về các thôn, bon, buôn, làng trên địa bàn.

Các Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh mở thêm chuyên trang, chuyên mục, nâng cao chất lượng, thời lượng phát thanh, phát sóng bằng tiếng dân tộc thiểu số của từng địa phương.

Tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai ngày càng nâng cao chất lượng, thời lượng phát thanh, truyền hình về tiếng dân tộc Êđê, M’nông, Bahnar, Jarai.

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh Tây Nguyên cũng biên soạn, xuất bản nhiều bản tin, nội san bằng song ngữ đưa về tận các thôn, buôn, bon, làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Tây Nguyên đã phát sóng bằng 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số chủ yếu ở Tây Nguyên như Bahnar, Êđê, Jarai, M’nông, K’ho, Xê đăng.

Thông tấn xã Việt Nam mỗi tháng cấp miễn phí 18.300 tờ Báo ảnh Dân tộc Miền núi in bằng song ngữ của 5 dân tộc Bahnar, Êđê, Jarai, K’ho, M’nông cho các trường học, già làng, thôn, bon, buôn, làng đồng bào Tây Nguyên…

Hiện nay, các tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng tiếp tục nghiên cứu, biên soạn các giáo trình, sách giáo khoa tiếng Xê đăng, Chu ru để đưa vào giảng dạy trong trường học, dạy cho cán bộ, công nhân viên chức nhằm góp phần bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất