Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 712/QĐ-TTg
phê duyệt
Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong
xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo
hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017- 2020.
Đề án nhằm hoàn thiện và nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường theo
hướng xã hội hóa, tập trung tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo;
trên cơ sở đó, hoàn thiện chính sách về huy động nguồn lực xã hội hóa,
cơ chế quản lý và vận hành mô hình sau đầu tư, đề xuất các giải pháp
công nghệ phù hợp. Qua đó, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả và bền vững
tiêu chí môi trường, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình
mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Xây dựng 14 mô hình về cấp nước sạch nông thôn tập trung
Một trong các nhiệm vụ của Đề án là xây dựng các mô hình đối với lĩnh
vực cấp nước sạch, trong đó, rà soát, đánh giá các mô hình cấp nước tập
trung hiện có, cụ thể, đánh giá quy mô cấp nước, công nghệ xử lý, phân
tích các thành công, hiệu quả, vướng mắc, khó khăn, bất cập; đánh giá
lại phương thức quản lý, sự vận dụng, áp dụng các công cụ chính sách
pháp luật hiện có trong đầu tư, huy động vốn, đất đai, thuế, trợ giá...;
phân tích những hạn chế, bất cập trong áp dụng các chính sách hiện
hành. Đề xuất và thực hiện các giải pháp hoàn thiện, công nghệ, phương
thức quản lý và cơ chế, chính sách phù hợp để vận hành bền vững mô hình
hiện có.
Xây dựng 14 mô hình về cấp nước sạch nông thôn tập trung (tại 7 vùng
kinh tế trong cả nước) để thí điểm các nội dung theo phương châm đẩy
mạnh xã hội hoá với sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng, gồm: Cơ
chế huy động vốn đầu tư, các chính sách ưu đãi đặc thù cho vùng khó
khăn, biên giới, hải đảo; phương thức quản lý trước và sau đầu tư phù
hợp với sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức chính trị - xã
hội; lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp khi xây dựng mô hình.
Xây dựng mô hình cấp nước uống cho trường học, trạm y tế tại các xã đảo
(đối với những nơi chưa có mô hình). Đơn vị hưởng lợi trực tiếp quản lý,
vận hành theo quy trình được chuyển giao, tự túc hoặc kêu gọi xã hội
hóa kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ thiết bị lọc.
Nhiệm vụ khác là xây dựng mô hình xử lý chất thải rắn quy mô liên xã,
trong đó, xây dựng 14 mô hình mới về thu gom và xử lý chất thải rắn quy
mô liên xã (tại 7 vùng kinh tế trong cả nước) để thí điểm.
Thí điểm 7 mô hình mới về thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi lợn
Xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi. Cụ thể, rà soát, đánh giá
hiệu quả và sự phù hợp của các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi hiện có
(trọng tâm là chăn nuôi lợn), như: Công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh
học, phân trộn; phân tích các thành công, hiệu quả, vướng mắc, khó
khăn, bất cập; đánh giá lại phương thức quản lý và những bất cập trong
quản lý chất thải chăn nuôi hiện nay (khó khăn về quy chuẩn kỹ thuật môi
trường liên quan đến chăn nuôi, thiếu vốn, thiếu công nghệ xử lý...).
Bên cạnh đó, đề xuất và thực hiện các giải pháp hoàn thiện, nâng cấp
công nghệ, phương thức quản lý và cơ chế, chính sách phù hợp để vận hành
có hiệu quả các mô hình hiện có, trong đó có cơ chế, chính sách khuyến
khích sử dụng phân bón hữu cơ vừa tạo thị trường đầu ra cho xử lý chất
thải chăn nuôi đảm bảo môi trường, vừa phù hợp với định hướng thúc đẩy
phát triển nông nghiệp hữu cơ;
Xây dựng thí điểm 07 mô hình mới (tại 07 vùng kinh tế trong cả nước) về
thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi lợn theo hướng ép thành phân hữu cơ
để bán trên thị trường, gồm: Hỗ trợ công nghệ và thiết bị, máy móc,
thiết bị liên quan để doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi có thể tự thu gom và
ép chất thải thành phân hữu cơ; hỗ trợ giá tiêu thụ phân hữu cơ được
sản xuất từ chất thải chăn nuôi; xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật và
tập huấn cho người trực tiếp tham gia chăn nuôi, đồng thời hỗ trợ hướng
dẫn phát triển nông nghiệp hữu cơ./.
Theo chinhphu.vn