Thứ Bảy, 23/11/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Tư, 7/12/2022 9:35'(GMT+7)

Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững: Mối quan hệ biện chứng

Hệ thống siêu thị Co.op Mart (thành phố Hồ Chí Minh) sử dụng bao bì tự hủy thân thiện với môi trường.

Hệ thống siêu thị Co.op Mart (thành phố Hồ Chí Minh) sử dụng bao bì tự hủy thân thiện với môi trường.

Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, mối quan hệ lớn “Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội” được bổ sung thêm thành tố: “bảo vệ môi trường”; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2026 tiếp tục khẳng định: “Phát triển nhanh và bền vững…; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Ngay từ năm 1991, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững 1991-2000. Tiếp theo đó, quan điểm về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đã được lồng ghép xuyên suốt trong các chiến lược, kế hoạch, như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015,  2016-2020, 2021-2025. Bên cạnh đó, trên cơ sở 17 mục tiêu phát triển bền vững của thế giới trong giai đoạn 2015-2030 được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc vào tháng 9/2015, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, trong đó có tới 4 mục tiêu trực tiếp về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững”... Có thể thấy, bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ rất sớm và luôn được xác định trong công cuộc phát triển đất nước.

Hướng tới mục tiêu: “Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, Đại hội XIII của Đảng đã xác định một số nhiệm vụ cơ bản:

Một là, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân về bảo vệ môi trường, từ đó dẫn đến sự thay đổi nhận thức và hành vi của từng cá nhân, cộng đồng. Tích cực tuyên truyền, giáo dục trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong tuyên truyền về bảo vệ môi trường; đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền.

Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên khoáng sản, đất, nước, rừng, biển, đa dạng sinh học, ô nhiễm và suy thoái môi trường. Xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến cơ sở. Chú trọng phát triển tổ chức quản lý môi trường ở các tập đoàn kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng về bảo vệ môi trường.

Ba là, tập trung khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, các cụm công nghiệp, làng nghề... Có biện pháp bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường không khí, hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, nhất là ở các đô thị lớn.

Bốn là, nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát biến đổi khí hậu, dự báo khí tượng, thủy văn và cảnh báo thiên tai; năng lực chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ, năng lực chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm là, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đó là duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Sáu là, mở rộng hợp tác quốc tế về môi trường trên tinh thần tôn trọng và thực hiện nghiêm túc các công ước quốc tế mà nước ta đã ký kết, tham gia; đồng thời tiếp thu, vận dụng những kinh nghiệm quốc tế trong bảo vệ môi trường. Tích cực đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với tội phạm môi trường quốc tế./.

Phát triển bền vững và sản xuất thân thiện với môi trường đang là xu thế kinh doanh toàn cầu. Hiện nay, nhiều tập đoàn, công ty trên thế giới ngày càng quan tâm, gia tăng cam kết thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động hướng tới phát triển kinh tế xanh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2017, Công ty Heineken Việt Nam thông báo rằng 99,01% sản phẩm phụ và rác thải của công ty trong quá trình sản xuất sẽ được tái sử dụng hoặc tái chế. Năm 2019, Unilever Global Group cũng đã cam kết đến năm 2025, doanh nghiệp này sẽ cắt giảm 50% việc sử dụng nhựa nguyên sinh, đồng thời tăng sử dụng nhựa tái chế trong quá trình đóng gói... Ngoài Heineken, Unilever Global Group, còn có nhiều doanh nghiệp khác tại Việt Nam cũng đã cam kết và đang từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn...

Theo nhận định của các chuyên gia, “hậu COVID-19” sẽ là cơ hội thu hút đầu tư để tái khởi động nền kinh tế. Vì thế, Việt Nam nên tận dụng để theo đuổi các lựa chọn phát triển tối ưu cho cả 3 mục đích: Phục hồi nền kinh tế xanh, thông qua các gói kích cầu do Chính phủ đưa ra; chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững hơn, sản xuất sản phẩm xanh để đáp ứng nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng; thúc đẩy các hành động chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm rủi ro xuất hiện các đại dịch trong tương lai và các sự kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

HOÀNG MINH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất