Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 13/2/2016 14:48'(GMT+7)

Bảo vệ và phát triển rừng là giải pháp nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của ngành lâm nghiệp

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn.

Cơ chế phù hợp đã thu hút nguồn lực đầu tư

 Phóng viên (PV): Xin Thứ trưởng cho biết, để phục vụ Tết trồng cây Bính Thân 2016, ngành lâm nghiệp đã triển khai những công việc gì?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Đã thành tập quán trong nhiều năm qua, mỗi độ Tết đến, Xuân về, Bộ NN&PTNT phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” theo chỉ đạo của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm nay, buổi lễ này dự kiến được tổ chức long trọng tại khu cách mạng tỉnh Tuyên Quang.

Ngay trong tháng 12-2015, Bộ NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương cả nước phát động phong trào trồng cây gây rừng và tổ chức Tết trồng cây Xuân Bính Thân 2016 phù hợp, thiết thực, hiệu quả, coi như hoạt động có ý nghĩa chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là cuộc thi đua “tốn kém ít mà hiệu quả nhiều”, “một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”.

PV: Thứ trưởng cho biết những thành tựu, kết quả về công tác phát triển và bảo vệ rừng của Việt Nam trong những năm gần đây?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành lâm nghiệp nước ta đã chuyển mình mạnh mẽ, đạt được kết quả khá toàn diện, cụ thể: Sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng nhanh, ổn định, công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng có nhiều tiến bộ; tình trạng vi phạm pháp luật, phá rừng trái phép giảm 70% trong 5 năm qua, độ che phủ rừng tăng từ 39,1% năm 2011 lên 40,72% năm 2015. Lâm sản hàng hóa gắn với thị trường và xuất khẩu; đời sống người dân lâm nghiệp được cải thiện. Năm 2015, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt rất cao là 7,92%; sản lượng gỗ rừng trồng tăng 2,5 lần trong 5 năm qua; công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản phát triển mạnh với nhiều thành phần; xuất khẩu vào thị trường 110 nước và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,2 tỷ USD năm 2015. Nhiều mô hình người làm nghề rừng đã giàu từ rừng xuất hiện ở một số địa phương.

Chủ trương xã hội hóa nghề rừng được cụ thể hóa đầy đủ hơn; quản lý nhà nước có nhiều tiến bộ, chủ yếu sử dụng công cụ pháp luật, chính sách; nhận thức của xã hội về ngành lâm nghiệp nhất quán hơn. Chính sách dịch vụ môi trường rừng đã, đang mang lại hiệu quả thiết thực về nguồn tài chính lâm nghiệp; nâng cao thu nhập người dân, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Hợp tác quốc tế về lâm nghiệp tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu theo chủ trương đa phương, đa dạng hóa, nâng cao vị thế quốc gia và được bạn bè quốc tế đánh giá cao hơn.

PV: Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào phát triển của toàn ngành nông nghiệp. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thành công này?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ, lâm nghiệp tăng bình quân hơn 12%/năm, từ 4,2 tỷ USD năm 2011 lên 7,2 tỷ USD năm 2015 và là ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 toàn quốc, có tỷ trọng xuất siêu lớn. Thành quả này xuất phát từ các yếu tố chủ yếu như: Chúng ta đã có cơ chế phát triển phù hợp để thu hút nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất, chế biến lâm sản; sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, theo sát những biến đổi thị trường để thích ứng kịp thời cùng với hài hòa hóa các quy định quản lý nguồn gốc hợp pháp theo chuỗi sản xuất, không để tạo ra các rào cản thương mại phi thuế quan; gắn chế biến, tiêu thụ với phát triển vùng nguyên liệu, gỗ trong nước ngày càng đáp ứng nhu cầu chế biến, cơ cấu tỷ trọng gỗ rừng trồng trong nước đã đạt hơn 70%...

Chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành gỗ lớn

PV: Công tác phát triển và bảo vệ rừng có ý nghĩa như thế nào đối với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu để ngành lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Bảo vệ và phát triển rừng là mục tiêu, nhưng chiến lược là phải bảo đảm phát triển bền vững. Đó còn là động lực và là giải pháp để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của ngành lâm nghiệp. Chúng ta đang tập trung cao độ để thực hiện kiềm chế, chấm dứt tình trạng phá rừng, cháy rừng; triển khai quyết liệt kế hoạch hành động nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng. Giai đoạn hiện nay, chủ trương phát triển rừng phải đáp ứng cả hai yêu cầu: Vừa đẩy nhanh khôi phục, trồng rừng mới để đạt độ che phủ 42% vào năm 2020; nhưng quan trọng hơn là nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của lâm sản hàng hóa bằng các giải pháp tổ chức lại sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là trong quản lý giống và thâm canh chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành gỗ lớn.

PV: Có ý kiến cho rằng chứng chỉ quản lý rừng bền vững (hiện chỉ có chứng chỉ FSC được cấp ở Việt Nam) là “giấy thông hành” để sản phẩm nguyên liệu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam cạnh tranh bình đẳng trên thị trường quốc tế. Vậy trong thời gian tới, ngành lâm nghiệp sẽ làm gì để sản phẩm nguyên liệu gỗ và đồ gỗ có thể cạnh tranh trên thị trường khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Theo quy định và thông lệ quốc tế, xu hướng kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp là nguyên tắc cơ bản trong quan hệ thương mại gỗ, đồ gỗ quốc tế. Trong những năm qua, hàng hóa của chúng ta cơ bản đáp ứng được các yêu cầu này, nên chúng ta ngày càng mở rộng thị trường, nâng cao sản lượng và giá trị xuất khẩu. Chúng ta đã chủ động hợp tác với các đối tác lớn như: Mỹ, EU, Nhật… thông qua trao đổi, hài hòa các quy định pháp luật, thực thi pháp luật và đàm phán các hiệp định về lưu thông hàng hóa trong lĩnh vực này.

Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) là một loại tín chỉ trong quản lý rừng có uy tín quốc tế, tuy nó không thể thay thế các bằng chứng pháp lý, nhưng có ý nghĩa về niềm tin và thương hiệu, góp phần nâng cao uy tín quốc gia. Nhận rõ những vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 38/2014/TTBNN-PTNT ngày 3-11-2014 hướng dẫn về phương án quản lý rừng bền vững, nhằm khuyến khích việc phát triển các khu rừng đủ tiêu chí, triển khai thúc đẩy phát triển chứng chỉ quản lý rừng bền vững cả của quốc tế và Việt Nam, để đến năm 2020, khoảng 30% diện tích rừng sản xuất nước ta đạt tiêu chuẩn quản lý được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân 


 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất