Báo cáo
do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây nêu rõ, giá lương thực toàn
cầu vẫn ở mức cao. Các nước ở châu Phi, Bắc Mỹ, châu Mỹ Latin, Nam Á,
châu Âu và Trung Á đối mặt tình trạng lạm phát giá lương thực cao nhất.
Một
trong những nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu càng
trở nên nghiêm trọng là các nước áp đặt thêm các hạn chế thương mại sau
cuộc khủng hoảng tại Ukraine, khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá cả
gia tăng. WB nhấn mạnh, tính đến đầu tháng 3 vừa qua, 23 nước đã áp đặt
lệnh cấm xuất khẩu lương thực và 10 nước áp dụng biện pháp hạn chế xuất
khẩu; 29 lệnh cấm và 14 lệnh hạn chế đang được thực thi.
Bên cạnh
đó, biến đổi khí hậu cũng là yếu tố khiến tình hình an ninh lương thực
càng trở nên bấp bênh. World Weather Attribution (WWA), tổ chức hợp tác
quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhận định
nếu không có hiện tượng ấm lên toàn cầu, một đợt hạn hán tàn khốc đã
không xảy ra ở vùng Sừng châu Phi.
Theo báo cáo của WWA vừa công
bố, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến xác suất xảy ra hạn
hán nông nghiệp ở vùng Sừng châu Phi tăng gấp 100 lần. Thông qua việc
phân tích lượng mưa ở ba khu vực hạn hán nhất vùng Sừng châu Phi trong
các năm 2021 và 2022, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, biến đổi khí
hậu đang làm đảo lộn chu kỳ lượng mưa. Mùa mưa kéo dài từ tháng 3 đến
cuối tháng 5, đang ngày càng thu hẹp với lượng mưa giảm một nửa.
Tình
trạng mất mùa kéo dài do hạn hán đã kéo theo hậu quả thảm khốc là châu
Phi đang đối mặt một cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có. Tại vùng
Sừng châu Phi, năm mùa liên tiếp quá ít mưa đã giết chết hàng triệu gia
súc và phá hủy mùa màng.
Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp
quốc (UNICEF) cho biết, cứ trung bình 36 giây lại có một người chết đói ở
Ethiopia, Kenya và Somalia. Gần 20 triệu người ở khu vực Sahel đang
sống trong tình trạng mất an ninh lương thực. Tại Burkina Faso, số trẻ
vị thành niên phải điều trị do suy dinh dưỡng nghiêm trọng tăng 50% so
với mức cùng kỳ năm ngoái. Tại Niger, hạn hán tái diễn và lũ lụt thảm
khốc, kết hợp với các cuộc xung đột đang diễn ra khiến sản lượng ngũ cốc
giảm gần 40%.
Theo UNICEF, khoảng 430.000 trẻ em ở Niger bị suy
dinh dưỡng nghiêm trọng, trong khi số phụ nữ mang thai hoặc cho con bú
bị suy dinh dưỡng được dự đoán là khoảng 154.000 người trong năm nay,
tăng mạnh so với mức 64.000 người năm 2022.
Thời
tiết bất thường cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung
gạo bị thiếu hụt. Theo báo cáo của tổ chức phân tích tài chính Fitch
Solutions, thị trường gạo toàn cầu có thể ghi nhận mức thiếu hụt lớn
nhất trong 20 năm qua vào năm 2023.
Nguồn cung khan hiếm cùng
với giá cả leo thang sẽ khiến nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề, nhất
là các nước đang gánh chịu lạm phát giá lương thực trong nước cao như
Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và một số nước châu Phi. Fitch Solutions dự
báo thị trường gạo toàn cầu sẽ trở lại trạng thái gần như cân bằng trong
niên vụ 2023-2024, song hoạt động sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào điều
kiện thời tiết.
Trong
bối cảnh đó, triển vọng gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, một trong
những giải pháp góp phần xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu,
đang rất mong manh. Bất chấp những nỗ lực không ngừng của Liên hợp quốc,
các bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung.
Nga tuyên bố sẽ
rút khỏi thỏa thuận vào ngày 18/5 tới, nếu những biện pháp hạn chế của
phương Tây nhằm ngăn chặn xuất khẩu nông sản và phân bón của Moskva
không được dỡ bỏ.
Giới
phân tích nhận định, những thách thức liên tiếp ập đến khiến hệ thống
lương thực toàn cầu đang ở trong trạng thái bấp bênh hơn bao giờ hết,
kéo theo những hậu quả khôn lường đối với cuộc sống của người dân ở
nhiều khu vực. 349 triệu người tại 79 quốc gia đang đối mặt tình trạng
mất an ninh lương thực trầm trọng, trong đó một số nước châu Phi được
xác định là điểm nóng về nạn đói.
Các tổ chức quốc tế, bao gồm
WB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP),
kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp để vượt qua cú sốc chưa từng có đối
với hệ thống lương thực toàn cầu hiện nay./.
TIẾN DŨNG (nhandan.vn)