Việc
xây dựng các nhà máy thủy điện, hoạt động khai thác khoáng sản ở miền
núi làm mất hàng nghìn hecta rừng tự nhiên do chuyển đổi mục đích sử
dụng. Thế nhưng, việc trồng rừng thay thế luôn bị chậm tiến độ, trong
khi các giải pháp tháo gỡ khó khăn vẫn chưa đem lại hiệu quả. Có thể
thấy rõ thực trạng này ở Quảng Nam.
Chủ đầu tư tìm mọi cách… lần lữa
Ở
nhiều huyện miền núi, sau khi UBND tỉnh Quảng Nam nêu đích danh chủ đầu
tư các nhà máy thủy điện, khai khoáng chậm trồng rừng thay thế, từ đầu
năm đến nay một số doanh nghiệp triển khai lại việc này nhưng tiến độ ì
ạch, không đáp ứng kế hoạch. Tại mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, Phú
Ninh), việc trồng cây sao đen hoàn rừng rất thưa thớt, chiếu lệ. Hàng
trăm hecta đất đã lấy quặng xong bị bỏ hoang nhiều năm chưa hoàn thổ,
trồng rừng thay thế do doanh nghiệp chưa bàn giao về cho địa phương quản
lý. Ông Nguyễn Phi Thạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh thừa nhận, công
tác hoàn thổ phục hồi môi trường không được quan tâm, đến nay còn hơn
22ha chưa được phục hồi môi trường, trồng lại cây và 0,77ha chưa hoàn
thổ.
Theo thống kê năm 2015 của Chi cục Lâm
nghiệp Quảng Nam, tổng diện tích rừng chuyển mục đích sang làm các công
trình phải trồng rừng thay thế là 1.651ha, chủ yếu là diện tích chuyển
sang làm thủy điện (hơn 1.408ha). Đến nay, diện tích đã phê duyệt phương
án trồng rừng thay thế là hơn 995ha. Tổng diện tích trồng rừng thay thế
tính đến nay mới thực hiện hơn 837ha (đạt hơn 50% tổng diện tích). Năm
2014, theo kế hoạch, diện tích trồng rừng thay thế trên toàn tỉnh hơn
770ha, nhưng thực tế chỉ thực hiện được 23,8ha (đạt 3,4% kế hoạch). Hầu
hết Nhà máy thủy điện Sông Bung 2, Sông Tranh 3, Sông Tranh, Sông Côn
đều “nợ” trồng rừng. Các Nhà máy thủy điện Geruco Sông Côn, Tr’Hy dù phê
duyệt phương án từ năm 2010 nhưng vẫn tìm mọi cách lần lữa, viện cớ gặp
khó khăn về tài chính để không triển khai thực hiện trồng rừng thay thế
gần 100ha.
Theo lý giải của Sở
NN-PTNT, nhiều địa phương có tình trạng trong quá trình xây dựng phương
án không đề cập việc bồi thường đất và tài sản trên đất của người dân,
nên khi triển khai không có nguồn kinh phí hỗ trợ người dân, ảnh hưởng
đến việc thu hồi đất để trồng rừng thay thế. Đối với các dự án phát
triển kinh tế dân sinh, quá trình xây dựng dự án lại không có nguồn vốn
cho việc trồng rừng.
Trong khi đó,
theo ông Phạm Hồng Lượng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Tổng cục Lâm
nghiệp), hiện còn tình trạng nhiều chủ dự án không chủ động trong xây
dựng phương án trồng rừng thay thế cũng như nộp ngân sách trồng rừng.
Hầu hết địa phương chưa chủ động bố trí vốn để trồng rừng thay thế; một
số dự án đã nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng của tỉnh nhưng đơn
vị này còn để vốn tồn đọng, chưa chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trong
việc quản lý, điều phối tiền thu từ các chủ dự án để triển khai kế hoạch
trồng rừng.
Trong khi đó, một số dự
án chuyển mục đích sử dụng rừng đã lâu, dự án đã hoàn thành và chuyển
giao cho đơn vị khác tiếp quản, thậm chí nhiều ban quản lý dự án đã giải
thể, song không dự toán kinh phí để trồng rừng. Thêm vào đó, quỹ đất
lâm nghiệp cho trồng rừng thay thế tại các địa phương khá thấp, đặc biệt
là sau khi Bộ NN-PTNT có yêu cầu chỉ ưu tiên trồng rừng trên diện tích
đất trống quy hoạch rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng. Trong khi đó, diện
tích được quy hoạch là “đất trống” thì phần lớn người dân lấn chiếm, sử
dụng canh tác lâu năm, nếu thu hồi sẽ có khả năng xảy ra tranh chấp.
Gỡ vướng như thế nào?
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, đến nay cả
nước chỉ có 23/50 địa phương có kế hoạch triển khai trồng rừng thay thế
với diện tích 15.935ha (đạt 23% diện tích phải trồng). Sau một loạt văn
bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện từ QH, Chính phủ và các bộ, ngành, diện
tích trồng rừng thay thế toàn quốc mới tăng lên 30.164ha (tương đương
44% diện tích phải trồng), tính đến tháng 7.2016.
|
Vướng mắc
không chỉ ở giai đoạn trước khi trồng rừng thay thế mà còn ở quản lý sau
đầu tư trồng rừng. Đến nay, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm quản
lý rừng sau đầu tư, cơ chế hưởng lợi từ diện tích rừng trồng đã đến
tuổi có thể khai thác... Chính quyền một số huyện miền núi đều chia sẻ
bất cập, khó khăn trong xây dựng kế hoạch, hướng dẫn quản lý và sử dụng
kinh phí, thể chế và tổ chức thực hiện cho đến nghiệm thu, giám sát… Còn
nhập nhằng giữa nguồn chi ngân sách và ủy thác cho trồng rừng thay thế.
Vì vậy, cần quy định rõ hơn về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của
Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng với trồng rừng thay thế và chế tài xử lý
đối với chủ dự án cố tình chây ỳ không hoặc chậm trồng rừng thay thế.
Tại
cuộc hội thảo “Thực thi chính sách trồng rừng thay thế từ thực tiễn địa
phương: Một số đánh giá và khuyến nghị” do Trung tâm Con người và thiên
nhiên (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với
Tổng cục Lâm nghiệp và Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam tổ chức
cuối tháng 7 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng Sở NN-PTNT cần khuyến nghị
rà soát, đánh giá hiệu quả các phương thức tổ chức trồng rừng thay thế;
xây dựng các hướng dẫn, quy định để thống nhất tổ chức thực hiện trồng
rừng nhằm phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Bên
cạnh đó, Trung tâm Con người và thiên nhiên cũng cho rằng, khái niệm
trồng rừng thay thế không chỉ tập trung hoặc quy định bắt buộc phải
trồng rừng mới; kinh phí trồng rừng thay thế nên được sử dụng để thuê
khoán cộng đồng, hộ gia đình quản lý, bảo vệ các khu vực rừng tái sinh,
trồng dặm, tăng cường phục hồi diện tích rừng tự nhiên. Hỗ trợ tích cực
cho việc thực hiện các mục tiêu bảo vệ diện tích rừng hiện có, nâng cao
độ che phủ rừng, cải thiện chất lượng rừng.
Theo Trần Hữu (Đại biểu nhân dân)