Thứ Sáu, 11/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 7/3/2010 19:51'(GMT+7)

Bát cơm mới trên bản người Rục

Những hạt thóc đầu tiên do người Rục làm ra.

Những hạt thóc đầu tiên do người Rục làm ra.

Người Rục thuộc tộc người Chứt, sinh sống ở trong hang đá giữa đại ngàn Trường Sơn, tỉnh Quảng Bình, được phát hiện thật tình cờ. Tháng 12-1959, tổ công tác thuộc Ðồn Biên phòng Cà Xèng Óc Sách tình cờ gặp "người rừng" trong một lần tuần tra. Tóc dài quá vai, trên thân mình chỉ có một tấm vỏ cây che ngang, họ trèo cây, nhảy qua các triền đá thoăn thoắt. Thấy các chiến sĩ biên phòng, họ hoảng sợ bỏ chạy vào rừng sâu. Tháng 3-1960, với sự dẫn đường của một người dân tộc Sách và sau mấy tháng trèo đèo lội suối, một tổ công tác của Bộ đội Biên phòng mới phát hiện được một cửa hang của "người rừng". Sự xuất hiện đột ngột ấy khiến các "cư dân" trong hang khiếp đảm. Phải mất nhiều thời gian thuyết phục, 11 hộ với 34 người Rục đầu tiên mới rời khỏi hang, theo các chiến sĩ biên phòng ra thung lũng dựng lều làm rẫy. Những hạt muối do các anh chia sẻ đã giữ chân họ, giúp họ rời bỏ dần cuộc sống hang hốc. Ðến năm 1971, những người Rục cuối cùng mới chịu rời hang.

Ðến nay tộc người Rục còn lại 109 người đã ra khỏi hang nhưng vẫn mang nặng bản năng sống tự nhiên. Trong những chiếc lán Bộ đội Biên phòng dựng cho, họ cứ thế ở, mưa dột bên trái, họ chuyển qua nằm bên phải; dột giữa nhà, họ chuyển vào góc; đến khi chiếc lán không còn che được mưa nắng thì họ chạy vào hang đá. Ðến năm 2001 còn 11 hộ người Rục sống nay đây mai đó, nhà ở đã được Nhà nước làm cho nhưng họ vẫn ra vào hang. Nhà nước cấp gạo ăn thì họ ở lại bản, hết gạo lên hang ở. Bản tính ở rừng nên người Rục nghiện rượu và thuốc lá nặng, trẻ em từ 9 đến 10 tuổi đã biết uống rượu. Gạo được Nhà nước hỗ trợ hôm trước, hôm sau nhiều người Rục đổi rượu uống say nằm vất vưởng. Cuộc sống thiếu thốn và cùng với các hủ tục đã làm suy kiệt cả thế hệ người Rục đầu tiên khi rời hang.

Những năm 90 của thế kỷ trước, người Rục được làm quen với công cụ lao động, được hướng dẫn cách trồng ngô  nhưng bày cho cái gì làm cái ấy, sau đó không bày nữa lại quên. Ban Dân tộc miền núi Quảng Bình và huyện Minh Hóa đưa lúa giống để hướng dẫn bà con làm thử nhưng ở vào thời điểm đó, tộc người này chỉ xem lúa nước như một loại cây xa lạ. Những đợt cấp giống lúa, người Rục vui mừng cõng trên lưng, vượt dốc, lội suối về bản nhưng rồi mùi rượu của cánh lái buôn quyện chân họ lại. Thế là bao nhiêu thóc giống đều được đồng bào Rục đổi rượu uống. Ðến lúc cán bộ vào kiểm tra, không thấy lúa, họ hồn nhiên: "Miềng đổi rượu uống cho ấm bụng!".

Hành trình rời hang ra bản và thay đổi căn bản lối sống của người Rục được đánh dấu mốc từ năm 1990 khi Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và vận động đồng bảo định cư tại bốn bản là Phú Minh, Yên Hợp, Ón và Mò O-Ồ Ồ. Tỉnh Quảng Bình đã thực hiện hai dự án quan trọng đó là "Bảo tồn, phát triển cộng đồng người Rục" và "Phát triển kinh tế - xã hội vùng tộc người Rục". Ngày xẻ núi để làm đường ô-tô vào vùng Rục, bà con kéo đến xem rất đông, ai cũng thấy lạ với những cỗ máy đang nổ rền vang núi rừng. Ông Trần Tiếp, ở bản Ón nói: "Cả đời miềng đi đường rừng quen rồi, ngày cán bộ làm đường, miềng và dân bản thấy ưng cái bụng lắm. Rồi dân bản được cho cái nhà, cái trường, cái điện. Người Rục chừ sướng rồi".

Ðồng bào Rục hiện có 156 hộ, 691 nhân khẩu sinh sống ở các bản Ón, Yên Hợp và Mò O-Ồ Ồ. Nhiều mùa rẫy đi qua, đời sống của bà con đã có những đổi thay đáng kể. Người dân không còn phải ở trong những chiếc lán che tạm như khi vừa rời hang mà thay vào đó là 125 ngôi nhà kiên cố. Ðiện được kéo đến từng nhà. Nước sạch cũng đã có. Ba điểm trường tiểu học ở các bản không chỉ cho con trẻ biết cái chữ Bác Hồ mà còn giúp xóa mù chữ cho nhiều người lớn tuổi. Người Rục rất tự hào khi đã có người trở thành sĩ quan biên phòng, sinh viên Học viện An ninh. Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa Cao Xuân Tạo, cho biết, đồng bào Rục ngày càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước. Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, mỗi người dân được cấp 15 kg gạo/tháng, cho nên hiện nay cả vùng không còn hộ đói. Rồi nhà ở cũng được hỗ trợ của chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chương trình nhà đoàn kết. Làm rẫy được cấp ngô giống. Ốm đau đã có y, bác sĩ của trạm y tế xã hoặc quân y Bộ đội Biên phòng chăm lo. Người Rục bây giờ đã biết dùng điện thoại di động, đi xe máy...

Ðiều quan trọng là thay đổi tập quán để đồng bào tự tạo lập cuộc sống ổn định bởi hiện nay bà con trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của chính quyền về lương thực. Trồng ngô, sắn trên rẫy cũng chỉ đủ ăn trong vài tháng.

Ðứng chân trong vùng đồng bào Rục, Ðồn Biên phòng 585 đã tổ chức lực lượng ba cùng với đồng bào. Thượng úy Nguyễn Dương, chính trị viên Phó Ðồn Biên phòng 585 cho biết, bộ đội hướng dẫn bà con rào nương rẫy, rào vườn để trồng cây, tránh trâu bò thả rông phá hư hại. Bộ đội cũng đã giúp cho dân bản quy hoạch một số vùng ven bìa rừng để thả trâu bò theo từng bản. Người Rục vốn được biết đến "vườn không nhà trống" nhưng lần trở lại này, chúng tôi khá ngạc nhiên bởi phần lớn người dân đã biết rào vườn lại để trồng rau. Hình ảnh "cá ao rau vườn" bây giờ đang thay thế dần cho "cá khe rau rừng" là một thí dụ sinh động  biểu hiện cho sự thay đổi trong sản xuất, trong lối sống của người Rục. Từ sự tuyên truyền của bộ đội, các tệ nạn, hủ tục lạc hậu khác của bà con cũng dần được thay đổi. Bây giờ không còn cảnh cúng lễ mỗi khi có người ốm như trước. 

Giờ đây, người Rục đã có thêm câu chuyện mới bên bếp lửa. Sau 50 năm rời hang đá, họ đã có một vụ gặt đầu tiên. Thành công đó đã giúp người Rục hiểu ra một điều: muốn sống phải lao động, không thể bó gối chờ Nhà nước cấp không cho mọi thứ. Người đầu tiên của bản Rục được Bộ đội Biên phòng dạy làm lúa nước, đó là ông Trần Trung Trực, Trưởng bản Yên Hợp.

Chúng tôi đến thăm khi ông đang hì hục sửa cái xe đẩy đất mà ông tự sáng chế. Bên bếp lửa, ông nói phấn chấn: "Khi Bộ đội Biên phòng họp dân để làm lúa nước, dân bản không ai hiểu, bộ đội nói mãi rồi cũng thủng tai. Bộ đội mời ba Trưởng bản Ón, Yên Hợp, Mò O-Ồ Ồ cùng bộ đội làm trước để dân bản coi nhưng hai trưởng bản nớ không làm vì sợ trồng lúa nước sẽ bị trách phạt vì trái tục của người Rục. Họ nói cán bộ mần đi miềng coi cái đã. Bộ đội giải thích làm lúa là có gạo, khó mà đói cái bụng, mần đi biên phòng sẽ giúp đỡ, miềng nghe ưng cái bụng lắm, rứa là mần, chừ được to". 

Ngày đầu làm 1.000 m2 lúa nước, người Rục cả vùng được mời về bản Yên Hợp xem bộ đội vỡ đất, be bờ giữ nước. Ông Trần Trung Trực được hướng dẫn đi theo máy cày để cán bộ biên phòng hướng dẫn cách cày đất, rồi lên Ðồn xem cách ngâm ủ giống. Ngày gieo lúa, người dân kéo đến khá đông nhưng vẫn chưa ai hiểu bộ đội trồng cây gì giữa vùng đất bập bõm nước ấy. Gieo xong, vài ngày bộ đội ra thăm lúa một lần, ông Trực cũng được mời đi theo để cán bộ hướng dẫn thêm. Ông ghi lại những điều bộ đội nói trong một quyển vở học sinh. Lúa chín vàng óng, bộ đội lại đến các bản thông báo cho bà con đến xem. Nhìn bộ đội hướng dẫn ông Trực gặt lúa rồi phơi lúa, người Rục cười khúc khích vì thấy lạ. Sau những bữa cơm mới, ông Trực cười vui: "Sau năm chục năm rời hang đá người Rục miềng mới có bữa cơm mới. Nhờ bộ đội dạy thêm cho con cháu miềng trồng lúa nước có gạo mà ăn, đất thung lũng rộng mà".

Vụ gặt đầu tiên cho thấy đã có sự cố gắng lớn trong hành trình hội nhập của đồng bào Rục. Khoảnh khắc chứng kiến cảnh lúa trổ bông rồi thành gạo, thành cơm đã đem lại cho họ một cảm giác thật khác lạ. Với chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng Ðồn 585, thành công bước đầu đó chính là lời giải cho bài toán về lương thực đối với bà con. Trong năm nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đầu tư xây dựng đập nước Rục Làn để cung cấp nước sinh hoạt cho bản Yên Hợp và mở rộng diện tích lúa nước lên 10 ha cho bà con. Và như thế, với cây lúa nước, đời sống của gần 160 hộ đồng bào Rục giữa đại ngàn Trường Sơn sẽ  ổn định./.

(Theo: HƯƠNG GIANG/ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất