Thứ Sáu, 11/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 7/3/2010 6:44'(GMT+7)

'Bất ngờ vì đóng góp của dân'

Xã Hưng Long (Yên Lập - Phú Thọ) có địa thế  như nằm trên sống trâu, luôn luôn thiếu nước.

Phụ nữ ở đây mất rất nhiều thời gian cho việc lấy nước. Chẳng hạn, ngày mùng 1 Tết đã phải lo ra đồng ngủ để canh nước. Thậm chí, họ còn phải đánh nhau khi có người be bờ giữ nước, có người phá ra để nước chảy sang ruộng mình.

Chị em mất đoàn kết, ít có cơ hội bước ra ngoài để mở mang hiểu biết… cũng chỉ vì phải ở nhà "giữ nước". Chỉ có một nguồn nước chính ở trên núi cao nhưng lại chảy đến xã khác.

"Bị các bà giám sát như cai tù"

Về sau dân làng phát hiện có một nguồn nước khác và đề xuất tạo hệ thống thủy nông đưa nguồn nước chảy về Hồ Ao Quyền để trữ nước và tưới tiêu cho xã.

Cách làm bấy lâu là Nhà nước cấp ngân sách, rồi lập ra bộ máy quản lý hệ thống thủy nông. Nhưng việc làm mang tính hành chính quan liêu này đang ngày càng tỏ ra kém hiệu quả và tạo thêm cơ hội cho tham nhũng. Nước vẫn thiếu và hàng ngày phụ nữ nơi đây vẫn giành giật để có nước.

Cùng thời điểm này, người dân Hưng Long đón nhận thông tin về một dự án xây công trình thủy lợi Hồ Quyền với số tiền 900 triệu của các nhà tài trợ quốc tế.

Dự án được khởi thảo từ các nguồn thông tin do chính quyền và cộng đồng đóng góp thông qua các cuộc họp dân. 

Dân được tham gia ngay từ khâu khảo sát thực địa để thiết kế hệ thống thủy nông.

Điều đặc biệt là những người phụ nữ đã tham gia rất tích cực suốt thời gian xây dựng công trình. Họ là người chủ yếu đi lấy nước và quản lý nước nên có nhiều kinh nghiệm sử dụng và quản lý nguồn nước.

Ông Duyệt, phó Chủ tịch UBND xã Hưng Long nói: "Tôi cũng bất ngờ trước những đóng góp của dân. Chính các bà ấy đưa ra sáng kiến chuyển đường kênh dẫn nước đi men một bên ruộng trên bản vẽ sang đi giữa các thửa ruộng đã chẳng những giúp dẫn nước tốt hơn mà còn bảo vệ hệ thống kênh tránh được những sạt lở đất”.

Dân còn bầu ra Ban giám sát của mình với 50% là nữ để giám sát quá trình thi công. Họ hàng ngày giám sát các công đoạn từ mở rộng lòng hồ, xây cống, xây đập, đào kênh… rất hiệu quả.

Nhiều phen nhà thầu đã phải bốc dỡ, thay đổi vật liệu, nạo vét lại cho hết lớp đất phong hóa, lu lèn không đạt yêu cầu kỹ thuật phải làm lại. Họ từng ca thán: "Bị các bà giám sát như cai tù...".

Chính cộng đồng đã nối dài dự án

Mô tả ảnh.
Ảnh: Thu Linh

Kênh do dự án tài trợ chỉ dài 930m.

Bà con còn cùng nhau góp đất, góp công san lấp đào kênh kéo dài thêm 420 m nữa. Công trình hoàn thành, dân cũng lập ngay ra Hội người dùng nước và bầu phụ nữ làm Chủ tịch Hội.

Nước mênh mông trong hồ đổ vào hệ thống tưới tiêu để chảy vào các tràn ruộng. Có nước quanh năm, dân đã chuyển từ 1vụ lúa lên 2 vụ và có thêm vụ ngô đồng.

Lúa trước đây chỉ đạt 1, 2tạ/ sào nay lên tới 1,8 tạ.

Nước trữ từ hồ ngấm vào tầng nước ngầm chảy vào các giếng, ao trong làng. Hàng ngàn hộ đã có nước dùng sinh hoạt và chăn nuôi.

Theo đánh giá của chuyên gia, dự kiến phải khoảng 50 năm nữa hệ thống này mới trục trặc.

Trong khi xã kề bên cũng có một dự án tài trợ 12 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cho hệ thống thủy nông và cùng đưa vào sử dụng năm 2008 như Hưng Long nhưng sau 1 năm đường dẫn nước đã hư hỏng .

Ông Duyệt khẳng định: "Qua thực hiện dự án này, cán bộ chính quyền chúng tôi sâu sắc thêm về sức mạnh của cộng đồng một khi đáp ứng mong đợi chính đáng của người dân".

Để mở rộng lòng hồ phải di dời một vài hộ dân, họ rất tự nguyện rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn đi chỗ khác và dân làng cũng tự nguyện góp công sức dựng lại nhà cửa cho các hộ dân này.

Toàn bộ hệ thống kênh dẫn nước cũng chạy trên ruộng đất của bà con nhưng rơi vào hộ nào hộ đó sẵn sàng đóng góp.

"Chúng tôi đã nhận ra lợi ích của việc khuyến khích phụ nữ tham gia vào các quyết định liên quan đến đời sống của cộng đồng", ông Duyệt kết luận.

  • Nguyễn Thu Linh (VietNamNet)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất