Chủ Nhật, 6/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 14/4/2011 21:2'(GMT+7)

Bất ngờ hạt gạo Việt Nam

Tuy nhiên, diễn biến này như một hồi chuông “cảnh tỉnh” nhà chức trách cần nghiêm túc xem xét lại công tác dự báo mà đặc biệt là trên thị trường lúa gạo - một trong những mặt hàng chiến lược của nông nghiệp Việt Nam.

Theo bản tin TTXVN “Tình trạng giá lương thực leo thang sẽ còn kéo dài” hồi cuối tháng 2-2011: “Bộ Nông nghiệp Mỹ ngày 25-2-2011 cảnh báo rằng thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng giá lương thực leo thang kéo dài vì nhu cầu lương thực toàn cầu hiện đã vượt quá khả năng cung ứng của nông dân. Giá lương thực hiện đã vượt qua mức kỷ lục của cuộc khủng hoảng hồi năm 2008. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo giá lương thực toàn cầu sẽ còn tăng 3,5% trong năm 2011 do nhu cầu lương thực tăng cao ở các nền kinh tế mới nổi và do biến đổi khí hậu”. Do vậy, thời điểm này là lúc chúng ta cần phải xác định nên hay không tiếp tục xuất khẩu gạo 5% tấm với giá sàn 520 USD/tấn, chứ không phải là lúc lo lắng về chính sách nhập khẩu gạo của Philippines. Bởi kinh nghiệm cho thấy, nếu chúng ta không có những quyết sách phù hợp, kịp thời, căn cứ trên lợi ích chung của đất nước, hậu quả sẽ khó lường. Còn nhớ năm 2008, khi giá gạo thế giới lên đến 1.000 USD/tấn, vì lý do an ninh lương thực, Việt Nam đã tạm ngừng xuất khẩu gạo, khiến sau đó lúa gạo của nông dân tồn đọng không ai mua, tiếp đó giá gạo thế giới hạ, nông dân buộc phải bán lúa với giá chỉ có 3.500 đồng/kg (quy gạo khoảng 306 USD/tấn).

Từng có nhiều ý kiến cho rằng, khả năng dự báo của VFA rất hạn chế, khả năng ấn định giá sàn xuất khẩu gạo chưa linh động ngay cả trong điều kiện xuất khẩu bình thường, chứ đừng nói đến trong điều kiện phức tạp tiền khủng hoảng lương thực như hiện nay. Sự lúng túng của VFA thể hiện rất rõ trong động thái đột ngột hạ giá sàn xuất khẩu gạo 5% tấm từ 520 xuống còn 500 USD/tấn, hồi đầu tháng 3-2011, trong khi thế giới đang dự báo sắp khủng hoảng lương thực, rồi chỉ một tuần sau lại nâng giá sàn lên mức cũ 520 USD/tấn. Rõ ràng, bên cạnh việc thiết lập một chính sách đảm bảo an ninh lương thực nội địa, Chính phủ cần có chính sách xuất khẩu gạo bắt nhịp với giá thị trường thế giới đồng thời đảm bảo ổn định giá thu mua trong nước theo nguyên tắc có lợi cho nông dân. Thực ra, để dự báo xuất khẩu gạo năm 2011 của Việt Nam, cần phải dựa vào dự báo về cung cầu gạo trên thế giới, từng thời điểm phải qui chiếu về giá bán gạo cùng loại của Thái Lan. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2010/2011 đạt 452,4 triệu tấn, trong khi đó tiêu thụ gạo toàn cầu đạt mức 453 triệu tấn. Nhiều chuyên gia lúa gạo thế giới đều dự báo có thể sẽ có khủng hoảng lương thực, giá lương thực có thể tăng bằng năm 2008 (khoảng 1.000 USD/tấn). Như vậy, có thể nói xuất khẩu gạo năm 2011 thuận lợi về mặt số lượng và cả về giá cả. Cung ít hơn cầu và những dự báo về tiềm ẩn một cuộc khủng hoảng giá lương thực cho thấy khách hàng chắc chắn sẽ mua hết gạo của Việt Nam với giá cao, chỉ có điều chúng ta chưa biết thời điểm họ mua gạo mà thôi. Khách hàng nước ngoài hiện chưa vội vã ký hợp đồng với Việt Nam là do họ còn chờ gạo Việt Nam hạ giá, bởi vì theo thông lệ năm nào VFA cũng hạ giá bán gạo khi nông dân bắt đầu thu hoạch vụ Đông Xuân. Trách nhiệm của nhà chức trách là phải biết tận dụng những điều kiện thuận lợi của thị trường, đưa ra các quyết sách kịp thời để bán gạo xuất khẩu giá cao và mua lúa của nông dân cũng với giá cao. Nắm chắc tình hình thị trường thế giới, chúng ta cần hiểu rằng khách hàng chưa mua nhưng sẽ mua, đừng hốt hoảng hạ giá bán gạo xuất khẩu để rồi tái diễn “kịch bản”... ta về ép giá nông dân.

Trên thực tế, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tuần qua tăng 4%, lên 470-480 USD/tấn, trong khi giá gạo loại 1 của Thái Lan giảm xuống 460 USD/tấn từ mức 465 USD/tấn một tuần trước đây. Gạo Việt Nam đã tăng giá 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù vẫn chưa bằng một nửa mức kỷ lục 1.000 USD/tấn hồi tháng 5-2008. Các thương gia ở Thái Lan dự báo giá gạo của họ sẽ còn giảm hơn nữa, bởi khách hàng đã chuyển qua mua gạo Việt Nam. Gần đây rất nhiều khách hàng ký hợp đồng mua gạo Việt Nam, đẩy giá tăng nhanh. Chỉ riêng 20 công ty Trung Quốc đã mua tới 130.000 tấn gạo Việt Nam, chiếm gần 9% trong tổng 1,5 triệu tấn sẽ bốc xếp trong quí 2 năm nay. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã giành được một số thị phần từ các nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan. Vụ lúa Đông Xuân của Việt Nam năm nay bội thu, đủ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia nói trên. Nhu cầu gạo Việt Nam đang tăng nhanh, với các hợp đồng trong mấy tuần gần đây lên tới tổng cộng trên 1 triệu tấn, trong khi Nhật Bản có thể sẽ khôi phục việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa hiện đạt 5.400 đồng – 6.500 đồng/kg, nhích hơn so với 5.200 đồng – 6.100 đồng/kg hồi tuần trước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây cũng bất ngờ thay đổi dự báo xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính như gạo, thủy sản, cà phê, cao su... Trong đó nổi bật nhất là dự báo xuất khẩu gạo có khả năng vượt 7 triệu tấn cho năm 2011 so với dự báo 6 triệu tấn hồi đầu năm nay. Sau con số gần 6,9 triệu tấn gạo xuất khẩu năm 2010, những dự báo mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy cơ quan này đặt kỳ vọng cao hơn cho xuất khẩu lúa gạo Việt Nam trong năm nay, ở mức từ 7,1-7,4 triệu tấn, tăng lên so với mức dự báo cuối năm 2010 (dự kiến 5,5-6,1 triệu tấn).

Theo Hữu Nguyên/Đại đoàn kết

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất