Chủ Nhật, 6/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 13/4/2011 16:57'(GMT+7)

Nỗ lực bước đầu của ngành ngân hàng

Khách hàng giao dịch tại hội sở Ngân hàng quốc tế

Khách hàng giao dịch tại hội sở Ngân hàng quốc tế

Một là, điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để bảo đảm khả năng thanh toán, ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm mục tiêu kiểm soát tiền tệ chặt chẽ ngay từ đầu năm.

Hai là, điều hành các mức lãi suất chính sách của NHNN (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu) phù hợp với diễn biến thị trường và hoàn thiện các văn bản quy định về cơ chế điều hành lãi suất theo quy định của Luật NHNN và Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010. Trong ba tháng đầu năm 2011, NHNN đã điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 9,0%/năm lên 13%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 7,0%/năm lên 12%/năm; đồng thời ban hành các quy định về mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng VND và quy định áp dụng lãi suất trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại TCTD.

Ba là, chỉ đạo các TCTD rà soát, xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2011 phù hợp với chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, kiểm soát lạm phát, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20% so với năm 2010, điều chỉnh cơ cấu tín dụng ưu tiên vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.

Bốn là, điều hành thị trường ngoại hối và tỷ giá phù hợp với tình hình cung-cầu ngoại tệ, tăng tính thanh khoản của thị trường, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, góp phần tăng dự trữ ngoại hối và ổn định thị trường vàng. Theo đó, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng 9,3% và thu hẹp biên độ giao dịch mua - bán của các NHTM từ +-3% xuống +-1%, yêu cầu các TCTD được phép hoạt động ngoại hối báo cáo số dư tiền gửi ngoại tệ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thu hẹp đối tượng cho vay bằng ngoại tệ của TCTD đối với khách hàng vay là người cư trú. Bên cạnh đó, NHNN theo dõi và dự báo sát tình hình biến động giá vàng quốc tế, cung - cầu vàng trong nước để có biện pháp kịp thời nhằm ổn định giá vàng, theo dõi và giám sát các TCTD thực hiện huy động và cho vay bằng vàng và phối hợp với các bộ, ngành có liên quan kiểm tra, xử lý các trường hợp đầu cơ, găm giữ, kinh doanh trái pháp luật vàng, ngoại tệ.

Năm là, thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN đã triển khai kế hoạch thanh tra năm 2011, trong đó sáu tháng đầu năm NHNN tập trung hoạt động cho vay lĩnh vực phi sản xuất, sáu tháng cuối năm tập trung thanh tra chất lượng tín dụng và việc thực hiện các tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng; ngoài ra, NHNN sẽ tổ chức thanh tra hoạt động của các công ty mua - bán nợ và công ty con trực thuộc TCTD, phối hợp với Bộ Tài chính thanh tra hoạt động của các công ty chứng khoán trực thuộc TCTD.

Sáu là, làm tốt công tác thông tin, truyền thông về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đưa thông tin đầy đủ, kịp thời về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng được triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ.

Kết quả cho thấy, trong quý I-2011, diễn biến các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng có chuyển biến tích cực, phù hợp với điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán có xu hướng chậm lại, phù hợp với điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chặt chẽ, tăng 1,62% so với cuối năm 2010 và so với chỉ tiêu tăng 15 -16% năm 2011, tăng trưởng tín dụng tăng 5,01% so với cuối năm 2010 và so với chỉ tiêu tăng dưới 20% năm 2011.

Tình hình vốn khả dụng của các TCTD có sự cải thiện, thanh khoản của hệ thống được bảo đảm: Trước Tết Tân Mão, vốn khả dụng VND của các TCTD giảm và thiếu hụt ở mức cao do tiền gửi của khách hàng (tổ chức kinh tế, dân cư và kho bạc Nhà nước) giảm mạnh. Sau Tết Tân Mão, tình hình vốn khả dụng của các TCTD cải thiện do tiền mặt ngoài lưu thông quay trở lại hệ thống ngân hàng, tuy nhiên lượng tiền gửi tổ chức kinh tế cuối tháng 3-2011 giảm 5,53% so với cuối năm 2010. Việc nguồn vốn tổ chức kinh tế giảm nhanh biểu hiện các tổ chức, nhất là doanh nghiệp tận dụng sử dụng vốn đưa vào sản xuất, kinh doanh giảm vốn vay từ các ngân hàng. Tiền gửi dân cư tăng 6,92% và tăng đều trong ba tháng đầu năm.

Lãi suất nhìn chung ổn định, trong đó lãi suất huy động VND ít biến động, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện nghiêm túc quy định về mức lãi suất huy động vốn tối đa 14% năm; lãi suất cho vay tăng nhẹ so với cuối năm 2010, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn doanh nghiệp nhỏ và vừa ở mức thấp hơn; lãi suất huy động và cho vay bằng ngoại tệ có xu hướng tăng nhẹ trong hơn hai tháng đầu năm nhưng gần đây có xu hướng giảm. Cụ thể: lãi suất huy động phổ biến ở mức 13,5-14%/năm; lãi suất huy động vốn VND bình quân ở mức 13,41%/năm, lãi suất cho vay tăng khoảng 1-1,5%/năm so với cuối năm 2010 do lạm phát đang ở mức cao; hiện, lãi suất cho vay VND bình quân ở mức 16,23%/năm; lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu 14,5%/năm; đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác 17-18%/năm; đối với lĩnh vực phi sản xuất 18-22%/năm. Theo báo cáo của năm ngân hàng thương mại nhà nước đang áp dụng lãi suất các đối tượng ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp, hỗ trợ xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay 17,5%/năm; Ngân hàng TMCP Ngoại thương cho vay không quá 14%/năm; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cho vay nông nghiệp, nông thôn là 15% và các đối tượng khác từ 17-18%/năm; Ngân hàng đồng bằng sông Cửu Long lãi suất cho vay 17-18%/năm, Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam cho vay các đối tượng ưu đãi thấp hơn 1,5%.

Thị trường ngoại hối và tỷ giá biến động phức tạp vào đầu năm nhưng đã chuyển theo chiều hướng tích cực khi Chính phủ đưa ra các giải pháp tác động giảm tổng cầu, giảm nhập siêu và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra xử lý các vi phạm tại thị trường tự do. Tỷ giá niêm yết của các NHTM ổn định và giảm dần đến nay ở sát mức trần tỷ giá bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố, thanh khoản ngoại tệ được cải thiện; thị trường vàng trong nước sau khi Chính phủ có chủ trương tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, giao dịch vàng trên thị trường ổn định, nhu cầu mua vàng trong nước đã giảm mạnh. Tại một số thời điểm, mặc dù giá vàng thế giới có xu hướng tăng cao, nhưng giá vàng trong nước vẫn biến động ngược chiều với giá thế giới. Hiện tại, giá  vàng thế giới và giá vàng trong nước cơ bản tương đồng.

Hoạt động của hệ thống các TCTD vẫn an toàn, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 2,38% tổng dư nợ, các NHTM tiếp tục thực hiện việc tăng vốn điều lệ.

Trong thời gian tới, bám sát Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Kết luận số 02-KL/T.Ư ngày 16-3-2011 của Bộ Chính trị, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Nguyễn Văn Giàu
(Ủy viên T.Ư Ðảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất