Chủ Nhật, 6/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 13/4/2011 21:30'(GMT+7)

Tiếp tục hạ nhiệt thị trường ngoại hối

Theo Thông tư 09/2011/TT-NHNN, ngày 9/4, Ngân hàng nhà nước quyết định tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ thêm 2% và áp trần lãi suất huy động USD ở mức 3%. Đây là giải pháp kép cùng lúc nhằm hạ nhiệt tăng trưởng tín dụng  ngoại tệ, nâng cao giá trị đồng nội tệ.

Tác động có thể thấy ngay là tâm lý găm giữ USD sẽ giảm mạnh, thậm chí có sự dịch chuyển mạnh từ USD sang VND. Lãi suất thấp, người gửi tiền sẽ thấy có lợi hơn khi chọn VND.

Theo ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc  ACB, do lãi suất USD cao nhất chỉ ở mức 3%/năm nên nhiều khả năng người dân sẽ không còn giữ ngoại tệ. Điều này cũng tạo điều kiện cho tỉ giá ổn định, tác động tích cực đến lạm phát, lãi suất VND có thể sẽ “giậm chân tại chỗ” rồi đi xuống.

“Hiện nay, chênh lệch giữa lãi suất USD và VND quá lớn (3% và 14%) sẽ kích thích người dân chuyển sang gửi tiết kiệm VND. Khi đó, huy động vốn bằng VNĐ của các NH sẽ tăng lên, trong khi cho vay bằng VND lại bị hạn chế, buộc các NH phải giảm lãi suất đầu vào VND, từ đó giảm lãi suất cho vay”, ông Hải dự báo.

Còn ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội nhà đầu tư tài chính (Vafi) thì nhận định, việc áp trần lãi suất huy động đối với USD của người dân sẽ không làm giảm dòng kiều hối.

Theo một thống kê chọn mẫu của Vafi, lượng tiền gửi ngoại tệ của dân cư trong hệ thống ngân hàng thương mại là rất lớn, chiếm khoảng 50% - 60% trong tổng số tiền gửi ngoại tệ. Việc áp trần lãi suất tiền gửi thấp sẽ khiến người gửi tiền so sánh về mức lãi suất cộng với tỷ lệ lạm phát và thấy rằng gửi VND là có lợi hơn nhiều so với gửi ngoại tệ. Do đó, người gửi tiền sẽ không mua USD nữa mà lựa chọn gửi VND. Người đầu cơ sẽ không mua và không găm giữ USD nữa, sẽ bán nhanh USD để chuyển sang gửi VND, như vậy sẽ có sự dịch chuyển lớn từ USD sang VND và từ đó tỷ giá sẽ giảm. Hiệu ứng của chính sách là làm cho VND có giá trị hơn, từ đó có cơ sở để từng bước hạ lãi suất huy động VND và góp phần giảm lạm phát.

Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc VietinBank nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước cùng lúc điều chỉnh cả hai vấn đề liên quan đến USD là mong muốn thị trường ngoại hối dần dần ổn định theo khuôn khổ phù hợp. Trong đó có sự quản lý nhà nước bằng cách khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu để cải thiện cán cân thương mại, cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Qua đó để làm giảm tỷ lệ đôla hóa trong nền kinh tế đồng thời thu hút nguồn ngoại tệ nước ngoài, nguồn kiều hối của kiều bào. Mục tiêu này nằm trong lộ trình và có những tính hợp lý.

Với việc khống chế trần lãi suất huy động USD ở mức 3%/năm, tới đây các ngân hàng thương mại sẽ phải hạ lãi suất huy động USD, để tăng sự hấp dẫn của các hoạt động tín dụng bằng VND.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng thừa nhận, với việc giảm lãi suất huy động USD có thể làm cho người dân cảm thấy đồng USD yếu đi ở trong nước vì lãi suất tiền đồng đang cao, người dân sẽ bán USD đi để gửi tiết kiệm bằng VND hoặc một số tài sản khác. Như vậy nguồn cung sẽ tăng lên và Nhà nước có cơ sở để thu gom USD, làm tăng dự trữ ngoại hối và làm cho thị trường ngoại hối ổn định hơn.

Để tiền đồng là đồng tiền duy nhất giữ chức năng tiền tệ trên lãnh thổ Việt Nam, chúng ta phải loại vai trò chức năng tiền tệ của vàng và USD, kiên quyết thực hiện chính sách ngoại hối kết hợp nghiêm ngặt và xóa bỏ kinh doanh vàng miếng.

Như vậy, việc xiết chặt quản lý thị trường tự do, tăng giá trị tiền đồng, tạo cung USD lớn hơn cầu. Đây là thời điểm tốt và phù hợp để cơ quan quản lý mạnh tay hơn, nhất là khi tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong quý I/2011 vẫn cao hơn nhiều tăng trưởng tín dụng bằng VND. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tín dụng ngoại tệ tăng tới 12,06% trong khi tín dụng bằng VND chỉ tăng 1,43%./.

Theo Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất