Thứ Sáu, 11/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 2/3/2010 21:46'(GMT+7)

Cao su - cây chủ lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số xoá đói giảm nghèo

 Huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế được tái lập vào năm 1990, với hơn 5.100 hộ, trong đó gần 2.200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 45% dân số toàn huyện, đa số là dân tộc Cơ Tu, còn lại là các dân tộc khác như Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy, Vân Kiều… Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp và phát triển rừng. Được sự đầu tư của Nhà nước, từ năm 1993 đến nay, toàn huyện đã trồng gần 4.000 ha cây cao su. Cây cao su đã trở thành cây chủ lực trong xoá đói giảm nghèo của bà con.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọ, ở thôn 2, xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế có 4 đứa con. Trước năm 2002, gia đình chị trong diện nhận trợ cấp thường xuyên của Nhà nước. Từ năm 2002 đến năm 2005, nghe lời vận động của cán bộ xã, huyện, gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn, khai thác đất đồi trồng 6,4 ha cây cao su. Sự cần cù và chăm chỉ của gia đình chị Ngọ đã được trả công xứng đáng. Hiện nay, gia đình chị đã có thu nhập cao, xây được nhà mới, mua sắm các phương tiện, vật dụng đắt tiền, 3 đứa con nhỏ đều được đi học. Chị Nguyễn Thị Ngọ kể: “Từ năm 2002 đến 2005, gia đình trồng được 6,4 ha cao su. Từ lúc trồng đến ngày thu hoạch rất suôn sẻ, số tiền thu được từ bán mủ cao su được dùng để xây nhà, công trình vệ sinh, mua được 3 xe máy, cho con gái 1 chiếc, con rể 1 chiếc”.

Không riêng gì gia đình chị Ngọ, ở xã Thượng Quảng, nhà nào cũng trồng cây cao su. Hộ trồng ít nhất cũng được 1 ha, nhiều cũng gần chục ha. Với giá mủ cao su hiện nay, chỉ trồng 1 ha cao su đã có thu nhập 300.000 đồng/1 ngày. Mỗi năm cây cao su cho thu hoạch tổng cộng khoảng 6 tháng. Ông Nguyễn Kính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông cho biết: “Phong trào trồng cây cao su để xoá đói giảm nghèo là chủ trương của huyện. Xã có kế hoạch giúp đỡ mỗi hộ trồng ít nhất 1 ha. Hội Nông dân của xã đã đến từng Chi hội, Tổ hội vận động những hộ có nhiều đất giúp những hộ không có đất trồng cao su để phát triển kinh tế đồng đều. Nhân dân, hội viên đều đồng tình hưởng ứng”.

Năm 1993, Hương Sơn là xã đầu tiên của huyện Nam Đông được chọn thí điểm trồng cây cao su. Ban đầu người dân chưa tin vào hiệu quả của cây cao su trên đất đồi núi. Già làng, Trưởng thôn cùng cán bộ xã và huyện đến từng nhà để thuyết phục bà con. Nhưng với đồng bào thì phải thấy rồi mới tin. Nhiều cán bộ của xã, của huyện đã tiên phong thực hiện chủ trương này. Nhiều người đã vay vốn, khai thác đất rừng trồng cây cao su. Cây cao su từ ngày trồng đến khi khai thác phải mất trên 5 năm, nhưng cơn bão số 6 (năm 2006) đã làm gãy đổ hàng trăm ha, nhiều hộ bị thiệt hại nặng nề. Được huyện vận động và hỗ trợ giống, phân bón, chỉ trong một thời gian ngắn, cây cao su đã được trồng lại.

Với mục tiêu “ Lấy ngắn nuôi dài”, trong thời kỳ cao su chưa khép tán, bà con tận dụng đất trống trồng những cây ngắn ngày như sắn, đậu… Chị Hồ Thị Tiêu, Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Sơn, huyện Nam Đông cho biết: Chủ trương của Nhà nước là năm 1993, Hương Sơn là địa phương đầu tiên trồng thử cây cao su. Huyện quan tâm tập huấn về kỹ thuật trồng, đồng thời hỗ trợ về vay vốn. Họ nói là cây cao su ban đầu chưa có hiệu quả, nhưng sau này sẽ cho thu nhập cao. Hiện tất cả các hộ trong xã đều trồng cây cao su. Sự quan tâm của Nhà nước, của xã nhà đến người dân là rất lớn từ đời sống vật chất đến an ninh chính trị”.

Những khó khăn ban đầu đã vượt qua, từ sản xuất tự cung tự cấp, huyện Nam Đông đã chuyển dần sang nền sản xuất hàng hoá, kinh tế nông nghiệp phát triển khá toàn diện. Cây cao su đã mang đến cơm no, áo ấm cho người dân. Từ một huyện nghèo giờ đây mức lương thực bình quân đầu người đạt gần 250 kg/1 năm, giá trị thu nhập trên 1 đơn vị canh tác gần 25 triệu đồng/1 năm. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội như điện, đường, trường, trạm và nước sạch được đầu tư đồng bộ theo hướng kiên cố và vững chắc, bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc. Ông Trần Xuân Bình, Bí thư Huyện uỷ Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế nói: “Huyện Nam Đông xác định cây cao su là cây xoá đói giảm nghèo bền vững với đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 1993 đến nay, huyện tập trung chỉ đạo bà con phát triển diện tích cây cao su. Nghị quyết Đảng bộ huyện cũng đề ra chỉ tiêu từ năm 2006 đến 2010 phải trồng được 3.538 ha, đến nay huyện đã hoàn thành chỉ tiêu này”.

Quyết sách đúng, hợp lòng dân của lãnh đạo huyện Nam Đông trong những năm qua đã đem đến cuộc sống ổn định cho người dân miền núi./.

Huỳnh Anh - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất