Dường như cái thói “chạy chọt” này đã ngấm vào máu và trở thành "phản xạ có điều kiện" của rất nhiều người dân Việt Nam, từ những người lao động chân tay đến lao động trí óc, từ dân thường đến cả một số người có chức, có quyền. Điều nguy hại là thói xấu này đã trở thành phong cách ứng xử trong đời sống xã hội của một số người, họ dễ dàng chấp nhận mà không hề thấy sự bất ổn trong đó.
Một cảnh sát giao thông kể rằng, nỗi khổ của anh không phải là những buổi trưa phải phơi mình dưới đường nhựa nóng bỏng, những buổi tối phải đuổi theo những tay đua xe liều lĩnh, mà khổ nhất là phải nghe những lời xin xỏ, đề nghị, thậm chí là mệnh lệnh từ vô số người thân quen, đồng nghiệp, cấp trên… can thiệp để nương nhẹ với người vi phạm Luật Giao thông.
Hiệu trưởng một trường tiểu học danh tiếng của Hà Nội cứ đến tháng tuyển sinh là phải… tắt điện thoại di động vì có quá nhiều cuộc gọi đến xin cho con, cháu vào trường.
Lãnh đạo một bệnh viện than phiền: Việc nhờ gửi bệnh nhân làm ông thật sự mệt mỏi và công việc chuyên môn nhiều lúc bị gián đoạn vì những cú điện thoại. Người ta nhờ ông vì muốn được ưu tiên khi khám, ưu tiên khi điều trị…
Dường như cái thói “chạy chọt” này đã ngấm vào máu và trở thành "phản xạ có điều kiện" của rất nhiều người dân Việt Nam, từ những người lao động chân tay đến lao động trí óc, từ dân thường đến cả một số người có chức, có quyền. Điều nguy hại là thói xấu này đã trở thành phong cách ứng xử trong đời sống xã hội của một số người, họ dễ dàng chấp nhận mà không hề thấy sự bất ổn trong đó. Khi có bất cứ chuyện gì xảy ra trong đời sống, từ ốm đau, bệnh tật, đến việc tìm kiếm công ăn việc làm, hay đơn giản là tìm trường cho con học, thậm chí là khi vi phạm pháp luật... thì việc đầu tiên của nhiều người là tìm ngay trong danh bạ điện thoại những người quen biết để có thể "cầu cứu", “nhờ vả”… Từ “chạy chọt” cho bản thân, đến “chạy chọt” cho người quen và có cả những “đường dây chạy chọt dự án”, “chạy chọt chức tước”... Thực tế là có rất nhiều trường hợp, sự “chạy chọt” này đã thành công. Sau sự “chạy chọt thành công” là kỷ cương phép nước bị coi thường, sự nghiêm minh và công bằng của pháp luật trở nên vô nghĩa.
Lý giải về nguồn gốc của căn bệnh chạy chọt, có người cho rằng, đó là tàn dư của chế độ phong kiến Việt Nam, với quan niệm “nhất thân, nhì quen”; “một người làm quan, cả họ được nhờ”; “mười cái lý không bằng một tý cái tình”… Thế nhưng, vì sao, giờ đây, trong xã hội hiện đại mà căn bệnh chạy chọt vẫn không thuyên giảm? Phải chăng có kẽ hở của pháp luật? Phải chăng là do “cơ chế xin -cho”? Phải chăng là do sự thoái hóa biến chất của một số cán bộ công chức?...
Để chữa căn bệnh chạy chọt, một số ngành, địa phương đã có nhiều sáng kiến. Chẳng hạn, để khắc phục tình trạng “chạy trường”, ngành giáo dục đã yêu cầu học sinh phải học theo tuyến. Nhưng quy định này lại làm phát sinh kiểu “chạy” khác là “chạy” hộ khẩu… Liều thuốc để chữa căn bệnh chạy chọt phải là cơ chế công khai, minh bạch, dân chủ và sự nghiêm minh của pháp luật. Mọi người dân đều phải tôn trọng luật pháp, tất cả mọi mâu thuẫn trong đời sống xã hội đều được giải quyết bằng “lý”, mọi thủ tục hành chính đều công khai. Khi pháp luật minh bạch và được áp dụng nghiêm minh cho tất cả mọi người hay khi các rào cản gây nhũng nhiễu người dân được dỡ bỏ thì văn hóa chạy chọt, nhờ vả sẽ dần biến mất. Người dân khi đó sẽ tìm đến các luật sư, các cơ quan công quyền mỗi khi “có chuyện” chứ không phải tìm đến các quan chức để “cầu cạnh”.
Mặt khác, cũng rất cần một cơ chế giám sát bằng hệ thống pháp luật đồng bộ, bằng công cụ của các cơ quan công quyền, bằng báo chí và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị -xã hội. Khuyến khích người dân phát hiện sự chạy chọt và giám sát việc thực thi công vụ của các cán bộ, công chức.
Nhân dân đang kỳ vọng vào việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”. Nếu tất cả cán bộ đảng viên đều gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, tự sửa mình, cảnh giác trước những cám dỗ về danh lợi, vật chất, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì chắc chắn bệnh chạy chọt sẽ không còn./.
(Đỗ Phú Thọ/QĐND)