Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nêu rõ rằng việc Bộ y tế đề nghị điều chỉnh khung viện phí đối với 350 dịch vụ y tế đang áp dụng từ năm 1995 là cần thiết, nhưng phải nằm trong khả năng chi trả của người dân và hỗ trợ tối đa cho người nghèo, đối tượng chính sách, không làm ảnh hưởng tới an sinh xã hội.
Ngày 14/9, phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế cần bám sát nguyên tắc của bảo hiểm y tế là chia sẻ giữa những người phải vào viện và người không phải vào bệnh viện.
Bộ Y tế và Bộ Tài chính cần hoàn thiện cơ chế thay đổi mức thu bảo hiểm y tế để phù hợp theo thời gian hàng năm.
Phó Thủ tướng giao cho Bộ Y tế trong quý 4 tới trình Chính phủ về mức điều chỉnh cụ thể của 350 dịch vụ y tế, đến năm 2012 sẽ triển khai thực hiện. Sau đó toàn văn dự thảo Nghị định sẽ được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và website Bộ Y tế để lấy ý kiến toàn dân.
Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình này là hợp lý, có các ý nghĩa lớn.
Thứ nhất là thúc đẩy xã hội hóa y tế, tạo điều kiện để các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến dưới có kinh phí để triển khai các dịch vụ, nhất là các dịch mới, kỹ thuật cao, đưa dịch vụ y tế về gần dân; phát huy được tính năng động, sáng tạo của các bệnh viện trong việc huy động các nguồn lực, sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư trong thời gian qua.
Thứ hai là khi bảo hiểm y tế thanh toán với mức cao hơn, sẽ giảm bớt sự đóng góp của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Nhiều dịch vụ do trước đây mức thu thấp, bệnh viện không có kinh phí để triển khai, nay được điều chỉnh mức thu sẽ được triển khai nhiều hơn, người bệnh bảo hiểm y tế sẽ được hưởng vì hầu hết chi phí do bảo hiểm xã hội thanh toán.
Thứ ba là do được điều chỉnh mức thu, các bệnh viện có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, test, kit xét nghiệm với chất lượng cao hơn, làm tăng chất lượng của dịch vụ y tế.
Thứ tư là việc điều chỉnh mức thu viện phí cũng sẽ giúp thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân nhanh hơn, phát huy được tính năng động, sáng tạo của các bệnh viện trong việc phát triển các dịch vụ, kỹ thuật y tế.
Thứ năm là tạo điều kiện để dành ngân sách cho y tế dự phòng, điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho các đối tượng cận nghèo, nông dân…
Ý kiến của đa số các đại biểu đến từ Bộ Y tế, cũng như các đại biểu đến từ các bộ Tài chính, Nội vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc điều chỉnh này là giảm bớt sự bao cấp tràn lan trong khám chữa bệnh. Nếu tiếp tục thu theo giá thấp như hiện nay, sẽ có tình trạng bao cấp ngược, Nhà nước tiếp tục phải bao cấp cho cả người có khả năng chi trả toàn bộ chi phí, trong khi hầu hết các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, cận nghèo đã và đang được Nhà nước bảo đảm thông qua chính sách bảo hiểm y tế.
Dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, trước mắt điều chỉnh phí của 350 dịch vụ đã quá lạc hậu áp dụng từ năm 1995.
Cách tính mức điều chỉnh lần này vẫn kế thừa nguyên tắc đã quy định tại Nghị định 95 là thu một phần viện phí theo các chi phí trực tiếp như tiền thuốc, dịch truyền máu, vật tư, hóa chất, tiền điện, nước, nhiên liệu, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị trực tiếp…; không được thu những phần mà Nhà nước đã hỗ trợ ngành y tế như xây dựng cơ bản, lương, khấu hao tài sản… Các khoản thu mới lần này không vì mục đích lợi nhuận hoặc tăng thu nhập cho cán bộ y tế.
Giai đoạn sau năm 2013, theo đề nghị Bộ Y tế nếu khi Chính phủ ban hành Nghị định mới, sẽ thực hiện thu đầy đủ chi phí; đồng thời thay đổi về cơ bản phương thức thanh toán, chuyển từ thanh toán theo phí dịch vụ sang thanh toán trọn gói, thanh toán theo định suất đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu./.
Nhật Minh - TTXVN/Vietnam+