Thứ Năm, 28/11/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 14/9/2011 8:7'(GMT+7)

Quyết liệt phòng chống dịch bệnh tay chân miệng: "Điều trị miễn phí cho trẻ trước, hỏi thẻ bảo hiểm y tế sau"

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

* Chiều 13/9, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh nguy hiểm tỉnh Đồng Nai đã có cuộc họp khẩn cấp, nhằm đưa ra những biện pháp đối phó với tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đang bùng phát trên địa bàn. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh, đến nay Đồng Nai ghi nhận 4.703 ca mắc tay chân miệng (cao gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2010), đã có 21 trường hợp tử vong. Số ca mắc trên 100.000 dân là 129 ca (gấp đôi so với cả năm 2010). Lứa tuổi mắc cao nhất từ 2 – 6 tuổi (chiếm 98,24%). Bên cạnh tay chân miệng, tình hình bệnh sốt xuất huyết ở Đồng Nai hiện đang trong giai đoạn bùng phát và lan rộng. Tính đến ngày 13/9, toàn tỉnh có 3345 trường hợp sốt xuất huyết, 5 ca tử vong. Về phạm vi dịch bệnh, đến nay cả tay chân miệng và sốt xuất huyết đã xuất hiện tại 171/171 xã, phường, thị trấn.

Thời gian qua, dù ngành y tế tỉnh đã triển khai rất nhiều biện pháp như khử khuẩn bằng Cloramin B tại 672 trường học (đã sử dụng trên 11.000 kg Cloramin B), song tình hình dịch bệnh vẫn không được kiểm soát. Lý giải cho sự gia tăng này, theo Sở Y tế, Đồng Nai có số lượng công nhân sống trong các khu nhà trọ đông, điều kiện giữ vệ sinh và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ở những nơi này kém; do thời tiết mùa mưa ẩm, tạo điều kiện cho virus tồn tại lâu trong môi trường chưa có vắc xin phòng ngừa và chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh; Sự phối hợp thực hiện công tác phòng chống dịch của cơ quan chức năng với 1 số địa phương, đặc biệt tuyến xã chưa chặt chẽ; hiệu quả của việc tuyên truyền về dịch bệnh chưa cao.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh nguy hiểm tỉnh Đồng Nai đã đưa ra kế hoạch phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết khẩn cấp những tháng cuối năm 2011. Kế hoạch tiếp tục phương châm Quyết liệt – Đồng bộ - Hiệu quả, nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội vào việc phòng chống dịch bệnh, đến cuối năm 2011 dập tắt dịch trên địa bàn; tăng cường công tác truyền thông, công tác vệ sinh phòng dịch, khử trùng tại các trường mẫu giáo – mầm non, nhóm trẻ. Vận động toàn dân tham gia diệt muỗi, loại bỏ các vật chứa dư thừa, đậy nắp các dụng cụ đựng nước.

Về việc mua thêm Cloramin B để cấp cho 150.000 hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi, Sở Y tế cho biết, hiện Sở mới chỉ mua được hơn 40 tấn Cloramin B và đang đấu thầu để mua thêm khoảng 30 tấn nữa. Tuy nhiên, hiện số Cloramin B tại thị trường Đông Âu gần như đã hết, nên Sở phải tính đến phương án đặt mua thuốc tại Trung Quốc../.

* Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, từ ngày 1/1 đến ngày 10/9, toàn tỉnh có 219 ca mắc bệnh Tay-Chân-Miệng (TCM), trong đó có hai trẻ đã tử vong vào ngày 7/9 và ngày 8/9, đa số các ca mắc bệnh là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó trẻ dưới 3 tuổi chiếm 80%, tăng 177 ca so với cùng kỳ, xảy ra nhiều nhất vào tháng 8 với 94 ca. Bệnh TCM lan nhanh như hiện nay một phần là do ý thức vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân cho trẻ em chưa cao; vài trường hợp người nhà bệnh nhân tự mua thuốc chữa bệnh tại nhà gây khó khăn cho việc giám sát và điều trị; một số bác sĩ chưa được tập huấn chữa trị; việc phát hiện và giám sát bệnh ở vài địa phương còn hạn chế.

Trước tình hình này, Sở Y tế Hậu Giang đã chỉ đạo các cơ quan y tế giám sát tình hình bệnh và báo cáo kịp thời theo ngày, tuần và tháng. Sở sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở y tế, phối hợp với ngành giáo dục kiểm tra vệ sinh ở các trường, nhất là các trường mầm non; tuyên truyền, chủ động phòng chống bệnh TCM, vệ sinh thân thể cho trẻ, vệ sinh đồ chơi, dụng cụ học tập, bàn ghế, vệ sinh trường học và nhà cửa; phổ biến công tác tập huấn phòng chống bệnh tập trung cho giáo viên, cấp dưỡng trường mầm non, phụ huynh học sinh, các bà mẹ có con nhỏ với nội dung là “chủ động phòng, chống bệnh Tay-Chân-Miệng”. Học sinh sẽ nghỉ học ở các điểm trường xảy ra bệnh TCM từ 7 đến 10 ngày; hiện đã có 4 điểm trường mầm non ở huyện Phụng Hiệp cho học sinh nghỉ học. Sở tổ chức tập huấn xét nghiệm, điều trị bệnh TCM cho các cán bộ y tế; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị và thuốc để điều trị bệnh kịp thời; đảm bảo thực hiện việc khử trùng, tiêu độc bằng dung dịch Cloramin B ở các nơi xảy ra dịch bệnh.

Ông Trần Thành Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang chỉ đạo: Ngành y tế cần công bố các nơi tiếp nhận và chữa bệnh TCM trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho người dân biết. Hiện ở Hậu Giang có ba nơi đủ điều kiện tiếp nhận và điều trị bệnh TCM là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Ngã Bảy và Bệnh viện Đa khoa Long Mỹ. Các cơ sở y tế khi tiếp nhận bệnh nhân TCM phải lập tức khám và điều trị, không chần chừ đợi làm thủ tục hay kiểm tra Thẻ bảo hiểm y tế. Bệnh nhân là trẻ em sẽ điều trị miễn phí hoàn toàn; bệnh nhân là người lớn cũng phải điều trị ngay lập tức, các khoản phí được tính toán sau khi bệnh nhân được điều trị dứt điểm.

Ngành y tế và giáo dục phối hợp đồng bộ để kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh ở các trường học, nhất là ngành học mầm non, tập trung tuyên truyền cho giáo viên, phụ huynh học sinh và học sinh phòng chống và điều trị kịp thời bệnh TCM cho trẻ em; tập trung vào ba yếu tố quyết định hiệu quả của việc phòng chống bệnh TCM là điều kiện vệ sinh môi trường sống và học tập của trẻ, ý thức của người dân và sự kiểm tra, giám sát của ngành y tế./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất