Thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã và đang tích cực chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế đóng góp vào nỗ lực nhân đạo, hòa bình cao cả cho những vùng đất vừa trải qua xung đột và chiến tranh.
Cơ sở quân y dã chiến, sẵn sàng cơ động
Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam đã bắt đầu từ năm 2014, sau mỗi năm đều có những khó khăn mới và điểm nhấn trong quá trình chuẩn bị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đây là những bước đi của Việt Nam trong quá trình thăm dò, xây dựng kế hoạch tham gia gìn giữ hòa bình theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu của Liên hợp quốc với tư cách một thành viên tích cực; đồng thời phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và điều kiện, khả năng của Việt Nam.
Những năm đầu tiên, Việt Nam đã cử các sỹ quan dưới hình thức cá nhân trong vai trò sỹ quan tham mưu, sỹ quan liên lạc, quan sát viên đi một số nước ở châu Phi như Nam Sudan, Trung Phi.
“Tuy nhiên, đó mới chỉ là những hoạt động đơn lẻ và khó có thể nói có tính chất tổng hợp của một lực lượng chúng ta cử đi nước ngoài. Dấu ấn đầu tiên của Việt Nam trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với tư cách một đội quân thực thụ là ngày 1/10/2018, Việt Nam đã gửi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đi hoạt động tại Bentiu, Nam Sudan,” Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
Đến nay, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã đi vào hoạt động được gần 3 tháng. Bệnh viện đã ổn định tại địa bàn, đảm bảo nơi ăn chốn ở, sức khỏe, tinh thần cho cán bộ, nhân viên.
Đồng thời, Bệnh viện cũng hoàn thành các nhiệm vụ của một cơ quan quân y phục vụ cho phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Việt Nam đã cam kết với Liên hợp quốc về việc tiếp tục cử Bệnh viện dã chiến tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.
Để thực hiện cam kết, mới đây, Cục Gìn giữ hòa bình, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tổ chức Lễ ra mắt và đi vào huấn luyện tiền triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 nhằm mục đích thay thế cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đang hoạt động tại Nam Sudan.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 có quân số thuộc Bệnh viện Quân y 105. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 có quân số thuộc Học viện Quân y.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 được xây dựng để sẵn sàng thay thế lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.
Song với chức năng đa dạng, thời gian ở trong nước, hai Bệnh viện này sẽ là bệnh viện dã chiến cơ động của Quân đội, làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, cứu trợ thảm họa, tham gia các cuộc diễn tập đa phương và quốc tế, các hoạt động quân dân y kết hợp trong các tình huống khẩn cấp.
Như vậy, Việt Nam không chỉ tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc mà còn có được cơ sở quân y dã chiến sẵn sàng cơ động ở trong và ngoài nước để thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng.
[Khai mạc huấn luyện tiền triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2]
Việc tổ chức ra mắt và huấn luyện tiền triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 là tiền đề để làm tốt công tác chuẩn bị cho việc thay thế đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đang thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan; đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm, nỗ lực to lớn của Việt Nam trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc vì mục tiêu hòa bình, ổn định trên thế giới.
Qua đó, góp phần tích cực vào công cuộc hội nhập, xây dựng hình ảnh, uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đảm bảo năng lực toàn diện
Từ khi có quyết định thành lập, bổ nhiệm, điều động các cán bộ, nhân viên vào biên chế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Học viện Quân y nói chung và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 nói riêng đã tích cực chuẩn bị, triển khai các nhiệm vụ về nhân sự, huấn luyện.
Trung tướng, giáo sư, tiến sỹ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, bên cạnh việc huấn luyện chuyên môn về chính trị, hậu cần, kỹ thuật, y dược..., việc tập huấn, trao đổi chuyên môn với các chuyên gia trong và ngoài nước cho cán bộ, nhân viên Bệnh viện được đặc biệt quan tâm.
Các quân nhân của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã tham gia tổ chức diễn tập chung trên sa bàn với Ấn Độ và Thái Lan; tham gia Khóa các chiến dịch hỗ trợ hòa bình tại Indonesia, Hội nghị tư vấn của Liên hợp quốc để xây dựng sổ tay chất lượng y tế về an toàn bệnh nhân tại Italy.
Các quân nhân của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tham gia tập huấn về điều phối quân-dân sự tại Nepal, gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Sáng kiến hoạt động hòa bình toàn cầu tại Bangladesh và Malaysia; tập huấn sỹ quan tham mưu Liên hợp quốc, Luật Nhân đạo quốc tế; trao đổi chuyên môn, nâng cao nhận thức về bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh; phân loại bệnh nhân và quy trình xử lý thương vong hàng loạt…
Song song với chương trình huấn luyện chuyên môn tổng hợp và nội dung chuyên sâu gìn giữ hòa bình, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức huấn luyện tiếng Anh gìn giữ hòa bình, nhằm đảm bảo cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đáp ứng trình độ theo chuẩn của Liên hợp quốc trước khi lên đường làm nhiệm vụ quốc tế.
Đến nay, 4 lớp tiếng Anh trình độ sơ cấp và trung cấp đã được tổ chức cho các cán bộ, nhân viên Bệnh viện theo học, trong đó có hai lớp do Australia hỗ trợ.
Quá trình đào tạo ngoại ngữ cho nhân sự Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 được tiến hành theo phương châm cơ bản, hệ thống, thường xuyên, lâu dài để đảm bảo năng lực tốt nhất, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chuyên môn quân y gìn giữ hòa bình.
Tính đến tháng 10/2018, đã có 13 cán bộ, nhân viên đạt điểm kiểm tra tiếng Anh IELTS trên 5.5.
Lực lượng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 là những quân nhân ưu tú, nòng cốt được lựa chọn từ Học viện Quân y, Tổng cục Hậu cần, Quân khu 2, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Cục Quân y.
Bệnh viện được từng bước kiện toàn về tổ chức, biên chế theo chuẩn của Liên hợp quốc. Đến nay, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã được điều động đủ quân số, đảm bảo tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn theo tiêu chí cao.
Năng lực một Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 theo yêu cầu của Liên hợp quốc gồm: khám và điều trị tối đa 40 bệnh nhân ngoại trú/ngày; khả năng hồi sức cấp cứu, vận chuyển đường không và đường bộ các bệnh nặng tới tuyến y tế cao hơn; khả năng thực hiện 3- 4 ca phẫu thuật/ ngày có gây mê; khả năng nhận điều trị nội trú 20 bệnh nhân trong 7 ngày; thực hiện 10 ca chụp X-quang, 10 ca điều trị răng miệng, xét nghiệm chẩn đoán cơ bản 20 ca/ngày.
Ngoài ra, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đủ tiêu chuẩn còn cần có hai đội y tế cấp cứu cơ động ngoại viện; tự đảm bảo đủ vật tư y tế tiêu hao thuốc chữa bệnh trong bất kỳ tình huống nào…
Sẵn sàng tiếp nối nhiệm vụ cao cả
Lễ tiễn đội 2 của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 lên đường sang nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan ngày 15/10. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Không chỉ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân viên và nhân dân tại các phái bộ của Liên hợp quốc, việc Việt Nam cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã thể hiện trách nhiệm, sự chung tay, góp sức của nhân dân Việt Nam đối với sứ mệnh gìn giữ hòa bình của nhân loại. Mỗi cán bộ, nhân viên của Bệnh viện là một Đại sứ hòa bình của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sinh năm 1985, chị Cao Thùy Dung là nữ quân nhân trẻ nhất trong đội ngũ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2. Như những cán bộ, nhân viên khác của Bệnh viện, chị Dung luôn xác định đây là nhiệm vụ nặng nề, quan trọng, song không kém phần tự hào.
Nam Sudan là một địa bàn có rất nhiều “điểm nóng”: Nóng về thời tiết, khi hiện tại có những nơi nhiệt độ lên tới hơn 50 độ C; “nóng” về tình hình, bởi đây đồng thời là khu vực đang diễn ra bạo động.
Nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của mình, quyết tâm đầu tiên của chị Dung là tập trung học tốt ngoại ngữ, bởi đây là yếu tố tiên quyết, cơ sở giúp chị cũng như các quân nhân làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bằng những nỗ lực không nghỉ, sau một năm rèn luyện, từ một người thiếu nền tảng về tiếng Anh, chị Dung đã thi đạt chứng chỉ IELTS với điểm số 7.0. Bên cạnh đó, chị tiếp tục hoàn thiện chuyên môn theo quy trình của Liên hợp quốc - “một quy trình hoàn toàn khác với những gì chúng tôi đã được học tại các trường đào tạo chuyên môn,” chị Dung chia sẻ.
Yêu cầu về thể lực cũng là một trở ngại đối với những nữ quân nhân của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 trước môi trường khắc nghiệt, phức tạp ở các phái bộ, khi bệnh truyền nhiễm luôn tồn tại xung quanh.
Chị Dung cùng các đồng nghiệp nữ xác định, chỉ khi có thể lực tốt, các chị mới hoàn thành được nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của cán bộ, nhân viên Liên hợp quốc.
Ngoài ra, việc hòa nhập tích cực với văn hóa xứ bạn cũng là một thách thức với những cán bộ, nhân viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 nói chung và các quân nhân nữ nói riêng, để giữ được bản sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như bản sắc của phụ nữ Quân đội với 8 chữ vàng: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.”
Môi trường làm việc ở các nước đang diễn ra xung đột sắc tộc, chính trị, thiếu hụt nguồn lực về y tế, con người… được coi là khó khăn hàng đầu mà đội ngũ quân y gặp phải trong quá trình hoạt động tại các phái bộ.
Trung tá, bác sỹ Võ Văn Hiển, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, Học viện Quân y chia sẻ, hỗ trợ huấn luyện, đào tạo khắc phục hạn chế về năng lực ngoại ngữ; công tác hậu phương quân đội, đảm bảo tình hình tư tưởng cho gia đình, người thân của các cán bộ, nhân viên bệnh viện… cũng là yếu tố rất quan trọng để các quân nhân yên tâm góp sức thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình cao cả.
Trong thời gian tới, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 sẽ tiếp tục tập trung làm tốt công tác chính trị, ổn định tư tưởng cho bộ đội sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ; hoàn thiện tổ chức, biên chế, hồ sơ nhân sự bệnh viện; huấn luyện bổ sung kiến thức chuyên ngành và ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên Bệnh viện, liên tục cập nhật tình hình tại các phái bộ…
Về trang bị hậu cần, kỹ thuật, bệnh viện sẽ tiếp nhận trang bị huấn luyện từ Cục Quân y, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam; xây dựng và tổ chức triển khai các kế hoạch về vật chất, trang bị hậu cần kỹ thuật, các trang thiết bị bổ sung, tiêu hao của Bệnh viện để phục vụ triển khai tại phái bộ./.
Theo TTXVN