Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Ba, 7/8/2018 14:45'(GMT+7)

Bếp ăn trường học ở Hà Nội: Kẽ hở để thực phẩm bẩn vào trường học

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Năm học 2017-2018, toàn thành phố Hà Nội có 2.642 trường học, trong đó có 1.685 trường tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Trung bình mỗi ngày, các cơ sở giáo dục phục vụ gần 800.000 suất ăn bán trú từ 1 đến 4 bữa/ngày theo đặc thù từng trường.

Các trường phục vụ ăn bán trú cho học sinh ở Hà Nội theo 4 hình thức: Tự nấu, đặt cơm của các công ty nấu suất ăn, hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm để tự nấu hoặc nhà trường hợp đồng với công ty vừa cung cấp thực phẩm, vừa sơ chế bữa ăn, nhà trường chỉ giám sát.

Kết quả kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của đoàn kiểm tra liên ngành y tế-giáo dục tại các quận, huyện năm học 2017-2018 cho thấy, vẫn còn xảy ra một số sự cố an toàn thực phẩm quy mô nhỏ tại một trường mầm non và tiểu học. Ý thức thực hành trong chế biến thực phẩm của một số nhân viên chưa cao, có người không đeo găng tay khi chia suất ăn.

Một số trường do không có nhà bếp nên phải nấu nhờ các trường khác rồi vận chuyển đến nên khó khăn trong kiểm soát. Nhiều trường mới chỉ kiểm tra được hợp đồng, giấy phép kinh doanh của công ty cung ứng và kiểm tra thực phẩm bằng cảm quan. Do đó, nếu các công ty dùng thủ đoạn trộn lẫn thực phẩm bẩn với thực phẩm sạch để đưa vào nhà trường và vẫn có hóa đơn chứng minh nguồn gốc thực phẩm đó thì nhà trường rất khó phát hiện. Các trường thuê khoán và nhà cung cấp chia sẵn suất ăn từ bên ngoài cũng rất khó kiểm soát nguồn thực phẩm đầu vào. Các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn ngày càng phát triển, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở rất thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về an toàn thực phẩm (phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản, thời gian vận chuyển).

Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho hơn 400 trường tiểu học, qua đó cung cấp và xây dựng những thực đơn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng, ngon miệng và hỗ trợ công tác quản lý bữa ăn bán trú.

Các thực đơn trong phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng được phát triển kéo dài hơn một năm, trải qua nhiều quá trình từ khảo sát, phân tích, phát triển công thức, thực nghiệm đến điều chỉnh kỹ càng, sau đó thông qua bởi Hội đồng thẩm định của Viện Dinh dưỡng quốc gia - Bộ Y tế và Hội đồng đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng đã giúp cho bữa ăn học sinh tiểu học ở các trường của Hà Nội được cải thiện tích cực, học sinh ăn ngon miệng, đảm bảo phát triển toàn diện về sức khỏe thể chất. Sau hơn một năm triển khai đã có 174 trường nghiên cứu phần mềm, 28 trường áp dụng bộ thực đơn hằng ngày, trong đó 16 trường vận hành thành thạo phần mềm và áp dụng bộ thực đơn cân bằng dinh dưỡng hàng ngày.

Theo Sở Y tế Hà Nội, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn trường học, bên cạnh việc áp dụng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, các trường phải thường xuyên tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm cho nhân viên nhà bếp; ký cam kết về đảm bảo an toàn thực phẩm với các công ty cung cấp hàng năm; nhà trường mời phụ huynh tham gia kiểm tra thực phẩm hàng ngày.

Ngoài ra, các trường cần thành lập Ban giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó đại diện cha mẹ học sinh sẽ là một thành phần của ban này; nguyên liệu thực phẩm đầu vào phải có nguồn gốc rõ ràng; bếp ăn của các trường có trách nhiệm ghi chép, lưu trữ đầy đủ hồ sơ đối với các nguyên liệu chế biến bữa ăn trong trường./.

Tuyết Mai (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất