Thứ Sáu, 27/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 23/4/2010 10:6'(GMT+7)

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Võ Văn Thưởng: "Sự hấp dẫn lý tưởng phải thể hiện qua những việc cụ thể"

Nhân dịp này, PV báo Nhân Dân đã trao đổi cởi mở, thẳng thắn với anh Võ Văn Thưởng, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam về những vấn đề của thanh niên, tổ chức Đoàn và của Hội LHTN Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

PV: Thưa anh Võ Văn Thưởng, xin bắt đầu cuộc trò chuyện với một câu hỏi đó là vai trò của Đoàn và Hội song hành và khác biệt thế nào? Vì sao ở TP Hồ Chí Minh, vai trò của Hội mạnh vượt trội trong khi ở các tỉnh, thành phía bắc, hoạt động của Hội lại trùng lặp dưới cái bóng của Đoàn?

Đúng như bạn đã nói, hoạt động của Đoàn, Hội có lúc, có nơi còn trùng lặp, chồng chéo và nhiều người đã phê bình Hội là “cái bóng” của Đoàn. Có nơi, vì chỉ muốn tạo sự khác biệt nên quá đề cao tiêu chí “khác đoàn” khi tổ chức hoạt động mà không quan tâm đầy đủ đến nội dung. Thực tế này tồn tại ở nhiều địa phương, đơn vị và là hai biểu hiện cụ thể phản ánh ở nhiều nơi Hội hoạt động chưa mạnh. Đây là một nhận thức không đúng vì Đoàn và Hội đều tổ chức hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, đều hướng đến giáo dục, bồi dưỡng thanh niên. Nhưng Đoàn là tổ chức chính trị - xã hội bao gồm những thanh niên cộng sản trẻ tuổi, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ rất chặt chẽ. Còn Hội là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên, tổ chức theo nhiều loại hình mềm dẻo và linh hoạt với phương thức tổ chức phong trào căn bản dựa trên sự vận động, thuyết phục và đồng thuận. Đoàn luôn song hành cùng Hội và giữ vai trò nòng cốt thông qua giới thiệu cán bộ giỏi để làm công tác Hội, hỗ trợ huấn luyện cán bộ và các điều kiện khác để Hội hoạt động.

Phong trào Hội ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam phát triển mạnh hơn vì thực tiễn hoạt động ở khu vực này hình thành sớm hơn, nhiều kinh nghiệm hơn. Bên cạnh đó, sự xuất hiện sớm và phát triển mạnh, rộng của nhiều thành phần kinh tế cũng như các đối tượng thanh niên đã tạo ra các cơ sở thực tiễn khách quan dẫn đến phong trào Hội ở khu vực phía nam mạnh hơn, đa dạng hơn.

PV: Nhiều năm qua, sức sống của Hội là các cuộc vận động với các chủ đề khác nhau. Có ý kiến cho rằng phương thức này đã cũ , thậm chí lạc hậu. Anh suy nghĩ thế nào về chuyện này?

Anh Võ Văn Thưởng: Có thể ở nơi này, nơi khác, tổ chức Hội đã triển khai những cuộc vận động chưa tốt, chưa có hiệu quả. Tuy nhiên, phải khẳng định một điều: các Cuộc vận động vẫn là một phương thức có hiệu quả cao để Hội đến với thanh niên với tính chất linh hoạt, mềm dẻo và rộng rãi. Hội LHTN Việt Nam có hội viên và các thành viên tập thể, trong đó, nguyên tắc hoạt động là hiệp thương thống nhất hành động. Vì vậy, sự vận động, thuyết phục vẫn là chủ yếu, là phương thức cơ bản để đi tới sự đồng thuận, thống nhất. Có lạc hậu là do cách thức triển khai thực hiện, chứ nội dung luôn mang tính thời sự, sát với yêu cầu xã hội, lợi ích và nguyện vọng của thanh niên. Tôi lấy thí dụ, Cuộc vận động Thanh niên sống đẹp, sống có ích được phát động trong nhiệm kỳ qua đã rất có ý nghĩa và rất thời sự đối với cuộc sống của người trẻ trong giai đoạn hiện nay.

PV: Có vẻ như rất khó tách bạch khi nào là cán bộ Đoàn khi nào là cán bộ Hội, theo anh, cần làm như thế nào, để vừa làm tốt vai trò của Đoàn, vừa phát huy vai trò của Hội, mà lại không dẫm chân nhau, là bản sao của nhau?

Anh Võ Văn Thưởng: Đây thật sự là một vấn đề không dễ. Để thực hiện đúng vai trò của mình, mỗi cán bộ Đoàn, Hội không những phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đoàn, của Hội mà còn hiểu rõ, sâu sắc về đối tượng thanh niên mà mình hướng đến. Hai tổ chức có rất nhiều điểm chung nhưng lại khác nhau căn bản về nguyên tắc tổ chức và hoạt động. Tuy nhiên, cả hai đều có một điểm chung, đó là: để đạt được hiệu quả cao trong công việc đều cần phải không ngừng sáng tạo vận động và thuyết phục.

PV: Anh đã lo lắng “Nếu cán bộ Đoàn không gắn bó với thanh niên, không trăn trở suy nghĩ cùng thanh niên, Đoàn sẽ bị "hành chính hóa", sẽ "già" đi”. Tôi nghĩ, cái đáng lo là nếu chúng ta dần dần vô cảm, tuột mất thanh niên khi suy nghĩ và và hành động không chung đường?

Anh Võ Văn Thưởng: Đây là đúng là điều mà tôi luôn suy nghĩ, trăn trở. Tôi có niềm tin rằng một cán bộ Đoàn chân chính sẽ không thể bàng quan, vô cảm, vì nếu vô cảm, anh sẽ không bao giờ được thanh niên lựa chọn. Nhưng sẽ có hiện tượng “già” đi. Già đi ở đây không phải là về tuổi tác mà là “già” về cảm xúc, về sự gắn bó, chia sẻ với những khó khăn của thanh niên. Nếu không đồng cảm được với thanh niên thì những quyết định của cá nhân mỗi cán bộ đoàn, quyết định của tổ chức sẽ dễ bị “hành chính hóa”, và như vậy thì Đoàn sẽ không dẫn dắt, định hướng được thanh niên.


Thanh niên tình nguyện huyện Bá Thước, Thanh Hóa
giúp dân nghèo dựng nhà mới.

PV: Có thể nói, hai phong trào "Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc" và "Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp" đã và đang tác động mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của giới trẻ, góp phần tạo nên những chuyển biến trong xã hội”. Là người trong cuộc, anh đánh giá như thế nào về kết quả của cuộc đồng hành do Đại hội Đoàn lần thứ IX phát động?

Anh Võ Văn Thưởng: Sau hơn hai năm triển khai hai phong trào trên, tôi khẳng định rằng đây là một quyết định đúng đắn của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX bởi đã giải quyết được hai mặt của một vấn đề, đó là làm thế nào để phát huy được sức trẻ của thanh niên khi mà người thanh niên nào cũng có ước mơ, hoài bão và mong muốn được cống hiến cho xã hội, cho đất nước; ở khía cạnh khác, người thanh niên còn là người thiếu vốn sống, kinh nghiệm; có nhu cầu được học tập, tìm việc làm chăm lo cho gia đình; hoà nhập với tập thể, với xã hội, vui chơi, giải trí.

Tôi nghĩ, cần phải đầu tư, gia công nhiều hơn nữa để hai phong trào phát triển bền vững, thu hút nhiều thanh niêm tham gia.

PV: Theo anh, cần phải làm như thế nào để Đoàn và Hội tiếp cận được với thanh niên?

Anh Võ Văn Thưởng: Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã nhận thấy rằng có một bộ phận thanh niên không quan tâm đến tổ chức đoàn, hội. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, trong những năm qua, sự gặp nhau ngày càng nhiều hơn vì tổ chức đoàn, hội dám xông pha và những lĩnh vực khó, mạnh dạn và khéo léo kết bạn với thanh niên. Đơn cử như đoàn, hội đã đến với các bạn trẻ trong trại giam, các trung tâm giáo dưỡng và có những hoạt động thiết thực để khơi dậy quyết tâm phục thiện, hoà nhập cuộc sống cộng đồng… Đây là một hoạt động mà trước đây, tổ chức đoàn, hội chưa dám làm. Đoàn, Hội đã bắt đầu tiếp cận với số lượng lớn các bạn trẻ say mê online bằng những việc làm cụ thể.

Ngay trong dịp Đại hội Hội LHTN ViệtNam lần thứ VI này, Hội sẽ phát hành một đĩa CD đơn với ca khúc Khi Tổ quốc cần với sự tham gia thể hiện của 100 nghệ sĩ, bạn trẻ nổi tiếng. Đĩa CD này sẽ được đưa lên mạng như một hình thức Hội “kết bạn”, chia sẻ với thanh niên. Đặc biệt, trong thời gian qua, Đoàn, Hội đã có những hoạt động mời gọi được nhiều nhóm thanh niên tự nguyện đăng ký tham gia. Điều này chứng tỏ, Đoàn, Hội đang có những hình thức hoạt động phù hợp với thực tế của đời sống, đồng thời là baì học kinh nghiệm cho tổ chức Đoàn, Hội trong việc tập hợp, thu hút thanh niên. Tôi cho rằng, Đoàn, Hội muốn thành công thì cần tiếp cận và đến với thanh niên bằng cách cảm, cách nghĩ, cách làm của thanh niên.

PV: Vấn đề năng lực, tâm huyết của cán bộ Đoàn luôn mang tính thời sự. Có một thực tế, xuống cơ sở mới thấy trình độ năng lực cán bộ Đoàn nhiều nơi còn yếu. Gần đây Ban Bí thư TƯ Đoàn đã tăng cường cán bộ về cơ sở, nhưng cũng chỉ đến cấp Tỉnh đoàn. Thưa anh Thưởng, ta làm thế nào đây? Liệu có thể áp dụng phương châm “Bốn tại chỗ” của công tác phòng chống lụt bão vào công tác cán bộ Đoàn cơ sở không?

Anh Võ Văn Thưởng: Đây là một thực trạng và cũng là một bài toán nan giải của tổ chức đoàn. Trước mắt, để khắc phục hạn chế này cần đổi mới công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn từ các cấp cơ sở. Hiện nay, chúng ta đào tạo cán bộ Đoàn, Hội còn nặng tính “kinh viện” mà thiếu sự sinh động từ lời giải các bài toán tình huống thực tiễn phong phú. Bên cạnh đó, cần phải lựa chọn được những cán bộ giỏi, được thanh niên yêu mến, có sức thu hút và biết đồng cảm với thanh niên, coi trọng sự giới thiệu, đề cử và tín nhiệm của thanh niên.


Các bạn thanh niên tham gia nhóm thảo luận
"Hiểu biết liên văn hóa" trong chương trình
Tàu thanh niên Đông Nam Á 2009.
Ảnh: Khánh Bình

PV: Tại một buổi giao lưu trực tuyến với thanh niên, anh không ngại khi thổ lộ rất thật: “Tôi buồn vì Đoàn chưa đủ sự tin cậy đối với thanh niên. Nguyên nhân chính là Đoàn cơ sở ở đấy chưa đủ mạnh, chưa biết hoặc không đủ khả năng để quan tâm đến những vấn đề thiết thân của đối tượng mà mình hướng đến”. Vậy phải chăng cần tăng tính chuyên nghiệp trong công tác Đoàn?

Anh Võ Văn Thưởng: Lý tưởng của thanh niên trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước đã được xác định rất rõ ràng, cụ thể, đó là vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo mục tiêu XHCN. Sức hấp dẫn của lý tưởng mà Đoàn đem đến cho thanh niên cũng rất sinh động và đầy sức thuyết phục, đó là những thanh niên nghèo được Đoàn hỗ trợ vốn để vươn lên làm giàu chính đáng; các em thiếu nhi nghèo được hỗ trợ đến trường học; các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách được thanh niên chăm lo, phụng dưỡng; hộ gia đình nghèo được thanh niên xây nhà Nhân ái, nhà Đại Đoàn kết; những bạn trẻ tốt, tiêu biểu được tôn vinh, khen thưởng…

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ do thiếu kỹ năng, kinh nghiệm nên người cán bộ đoàn và tổ chức đoàn ở một số nơi chưa làm cho thanh niên thấy được và thấu hiểu về sự hấp dẫn của lý tưởng. Sự hấp dẫn của lý tưởng không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà phải được thể hiện, thông qua những công việc cụ thể, thiết thực, bổ ích. Đây cũng chính là yếu tố chuyên nghiệp trong công tác đoàn và phong trào thanh niên.

PV: Về những video clip bạo lực trong nữ sinh gây sốc cho xã hội, phải chăng chúng ta đang phải đương đầu với mặt trái đó của hội nhập tác động tới giới trẻ?

Anh Võ Văn Thưởng: Nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho thanh niên là vấn đề quan trọng nhưng vẫn còn những khó khăn nhất định. Thanh niên, thiếu niên ở nhiều nơi còn thiếu chỗ vui chơi, không có đủ điều kiện để trải nghiệm thực tế, để hiểu về tinh thần đồng đội, về các hoạt động tập thể, sự tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau. Vì vậy, một trong những mục tiêu của phong trào Bốn đồng hành với thanh niên trong lập thân lập nghiệp là coi trọng việc rèn luyện kỹ năng xã hội cho thanh niên thông qua các hoạt động tập thể, các chương trình đào tạo cho các bạn trẻ.

Trung ương Đoàn đang đề nghị và tiến hành xây dựng các Trung tâm đào tạo, huấn luyện kỹ năng, tổ chức sinh hoạt dã ngoại cho thanh thiếu nhi tại các tỉnh, thành, các vùng miền. Tại đây, khi mỗi độ hè về hoặc dịp cuối tuần, học sinh, sinh viên được rèn luyện, học tập, tham gia các sinh hoạt giàu tinh thần đồng đội, qua đó, giúp các em phát triển toàn diện hơn.

PV: Theo anh, hiện chất lượng hoạt động các chi đoàn cơ sở nên đánh giá thế nào? Hiện tượng “trắng đoàn”, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, hiện tượng chi đoàn tồn tại danh nghĩa còn “đắp chăn” không hoạt động... nên giải quyết ra sao?

Anh Võ Văn Thưởng: Ban Bí thư T.Ư Đoàn và các tỉnh thành đoàn đã nhận thức được thực trạng này. Bài toán đặt ra là xây dựng tổ chức đoàn cơ sở như thế nào khi mà tỷ lệ thanh niên nông thôn đi làm ăn xa ngày càng nhiều, lao động nông thôn đang bị già đi, tổ chức đoàn khu vực này cũng vậy.

Đây là vấn đề cần có thời gian nghiên cứu đầy đủ, phân tích kỹ và chuyên sâu.

PV: Anh đã tiếp xúc trò chuyện với thanh niên rất nhiều địa phương không chỉ với tư cách là Bí thư Thứ nhất TƯ Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN mà còn với tư cách là người trẻ. Anh có chia sẻ gì với đội ngũ cán bộ Đoàn chủ chốt từ T.Ư đến cơ sở hiện nay, về phong cách làm việc, đi cơ sở, giải quyết các vấn đề từ cơ sở?

Anh Võ Văn Thưởng: Khi tiếp xúc với đoàn viên, thanh niên ở cơ sở, tôi luôn đặt mình vào hai vị trí. Với tư cách của Bí thư thứ nhất, tôi cố gắng làm sao lắng nghe thật nhiều để kiểm nghiệm kết quả thực tiễn của việc triển khai các nghị quyết cùa Đoàn vào cuộc sống, đồng thời tìm kiếm các ý tưởng hay cho chỉ đạo phong trào. Với tư cách của một người trẻ, tôi luôn chia sẻ và trao đổi, tư vấn cho các bạn trẻ.

Việc đến với thanh niên ở cơ sở để lắng nghe, định hướng cho thanh niên, theo tôi là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi người cán bộ đoàn, hội trong giai đoạn hiện nay. Tôi cũng đã “lang thang” trên mạng để tìm hiểu sở thích, nhu cầu của thanh niên xem họ cần gì, thích gì. Mỗi lần tiếp xúc, lắng nghe các bạn trẻ là một lần tôi có cơ hội để học tập từ thanh niên rất nhiều điều.

PV: Xin anh giới thiệu một số nét nổi bật, đáng chú ý của Quy chế Cán bộ Đoàn. Theo anh, Quy chế sẽ có tác động như thế nào đối với đội ngũ cán bộ Đoàn hiện nay?

Anh Võ Văn Thưởng: Quy chế cán bộ đoàn đã chính thức được thông qua sau 17 năm kiên trì xây dựng và tham mưu của Ban Bí thư T.Ư Đoàn. Đây là sự cụ thể hoá Nghị quyết 25 của BCH T.Ư Đảng khoá X về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Quy chế có nhiều điểm nổi bật, nhưng quan trọng nhất là đã chuẩn hoá những yếu tố cơ bản đối với cán bộ đoàn ở từng cấp; xác định trách nhiệm của cấp ủy, của các cấp bộ đoàn trong việc tạo nguồn, đào tạo, bố trí, sử dụng cũng như tạo “đầu ra” phù hợp khả năng, sở trường sau khi hết tuổi làm cán bộ đoàn.

PV: Cuối cùng, xin được anh chia sẻ cảm nghĩ từ những ngày mới điều động luân chuyển về làm Bí thư Quận ủy 12, TP Hồ Chí Minh cho đến giờ là người đứng đầu tổ chức Đoàn, điều gì làm anh thấm thía nhất về những điều kiện rèn luyện, phấn đấu vươn lên của đoàn viên, thanh niên nói riêng, của lớp trẻ nói chung trong hội nhập chủ động và tích cực?

Anh Võ Văn Thưởng: Tôi rất tâm đắc với câu nói “Tư duy toàn cầu, hành động địa phương”. Thanh niên nên nghĩ đến những việc lớn nhưng hãy bắt đầu từ làm tốt những việc nhỏ, việc cụ thể hằng ngày. Thanh niên cần có được những phẩm chất của công dân toàn cầu nhưng mang bản sắc, trí tuệ Việt Nam.

Điều tâm huyết tôi muốn chia sẻ với các bạn đoàn viên, thanh niên là: Khi đến với tập thể, môi trường công tác nào, bạn hãy đặt mình như một phần không thể tách rời, là máu thịt, là tâm huyết, là gắn bó lâu dài với môi trường và tập thểđó. Có như vậy, mỗi người chúng ta mới có thể suy tư, trăn trở, tình cảm và trách nhiệm với công việc. Điều đó, sẽ giúp bạn được yêu mến, tin cậy và sẽ vượt qua mọi khó khăn để đạt tới thành công.

Xin cảm ơn anh Võ Văn Thưởng vì buổi nói chuyện trao đổi cởi mở này.

(Theo Nhân Dân)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất