Thứ Sáu, 27/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 11/4/2010 21:38'(GMT+7)

Tác phong công nghiệp và giáo dục phổ thông

Đọc bài về sự thất bại của dự án bưởi Đoan Hùng, đăng ở trang 6 báo “Khoa học và phát triển số 48 (từ 26-11 đến 2-12-2009), tôi là người ngoại đạo không dám lạm bàn, nhưng có một cảm tưởng rằng ở đây có vấn đề “tác phong công nghiệp” của người lao động, chẳng hạn như câu “kỹ thuật viên không mở nhật ký theo dõi quá trình ghép...”, chứng tỏ một tác phong tuỳ tiện. Muốn công nghiệp hoá đất nước, dĩ nhiên phải cố làm sao cho người lao động có tác phong công nghiệp. Ở các nước công nghiệp, trẻ em được tắm trong môi trường công nghiệp ngay từ gia đình đến nhà trường và ra ngoài xã hội, nên việc giáo dục tác phong công nghiệp có nhiều thuận lợi. Ở các nước đó, đến ngã tư gặp đèn đỏ là người lái xe dừng lại dù cho lúc đó ngã tư vắng tanh, còn ở ta “vượt đèn đỏ” là chuyện cơm bữa. Từ những chuyện tưởng chừng rất nhỏ dẫn đến những chuyện rất to, gây nên nhiều tác hại lớn, càng xây dựng to, càng lãng phí lớn như các dự án treo, như việc làm xong cầu mà chưa có đường lên cầu...

Nước ta đi lên từ nông nghiệp lạc hậu nên không có thuận lợi nói trên. Mà ta không thể ngồi chờ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) thành công để có sự thuận lợi đó mà phải sáng tạo tìm ra cách để giáo dục tác phong công nghiệp ngay khi sự nghiệp CNH, HĐH mới bắt đầu, mà có thế chúng ta mới “đuổi kịp” các nước phát triển được. Giáo dục phổ thông thì hầu hết mọi người đều phải trải qua nên phải làm sao cho nhà trường phổ thông giáo dục được tác phong công nghiệp cho học trò. Ta chưa bao giờ đặt vấn đề như thế nên giáo dục phổ thông của chúng ta, hết thế hệ học trò này đến thế hệ khác, đều cung cấp cho khu vực dạy nghề và cho xã hội những con người nặng tác phong thủ công nghiệp. Chưa nói đến chuyện cao xa, nói riêng cái nếp “đúng giờ” thì xã hội ta vẫn chưa có, chậm mươi lăm phút là chuyện thường, cười xoà với nhau là xong.

Ngành giáo dục lâu nay hay nói đến mục tiêu đào tạo toàn diện: đức, trí, thể, mỹ. Vậy “tác phong công nghiệp” nằm ở đâu? - Không rõ. Hình như ở đâu cũng có một tí nên hoá ra chẳng có ở đâu cả. Không thể dạy tác phong công nghiệp bằng thuyết giảng mà phải bằng tổ chức hành động khoa học và công nghệ chính xác; đối với học sinh phổ thông chủ yếu là hoạt động công nghệ. Khuyết điểm trên đây không phải chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà là một khuyết điểm chung của cả xã hội. Ta hay nói “khoa học và công nghệ” nhưng chỉ mới chú ý đến “khoa học” mà rất coi nhẹ công nghệ. Giáo dục về khoa học thì chỉ mới lo cung cấp kiến thức mà chưa chú ý đến tư duy và tác phong nhân cách; hầu như ta không có khoa học tư duy, trừ việc dạy triết học duy vật biện chứng ở đại học nhưng lại dạy ít có kết quả. Còn giáo dục tác phong công nghiệp thì là con số không với sự duy trì truyền thống dạy chay, học chay, đóng cửa trường luyện thi, không có hướng nghiệp, ai cũng chỉ muốn học lên dù cho rất ít khả năng. Sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ phụ thuộc nhiều vào tác phong công nghiệp. Ta đặt nhẹ “công nghệ” nên mới có nghịch lý: học sinh Việt Nam đi thi quốc tế (toán, lý, hoa, sinh, ...) thì hơn Nhật và Hàn Quốc, nhưng xét số bằng sáng chế (patent) thì thua họ thảm hại, quy về triệu dân thì ta thua Nhật cỡ 3.000 lần, thua Hàn Quốc cỡ 1.500 lần. Cho nên phải có một cuộc cải cách giáo dục mạnh mẽ trong đó phổ thông và đại học liên kết chặt chẽ với nhau, thế mạnh của đôi bên hỗ trợ cho nhau: đại học mạnh về trình độ, phổ thông (chủ yếu là cấp 3, có thể phần nào đó cấp 2) mạnh về số đông và có mặt khắp nơi; trình độ của học sinh phổ thông có thể tham gia thừa hành để thực hiện các công nghệ hiện đại vừa để phục vụ các đề tài, vừa để được giáo dục về tác phong công nghiệp và cả tư duy khoa học nữa. Ví dụ, được phân công làm những việc như sau:

- Pha chế các dung dịch phân cho chính xác (miligam/lít).

- Đem dung dịch đó mà tưới cây cho đúng chế độ.

- Theo dõi sự phát triển của cây trồng bằng những đo, đạc, cân đong chính xác.

- Thu hoạch và lên các biểu, bảng để đối chiếu với đối chứng.

Những việc như vậy vừa với trình độ của họ và có tác dụng rèn luyện tác phong công nghiệp và cả tư duy khoa học. Trong quá trình làm, khi gặp tình huống có vấn đề thì tác dụng giáo dục lại càng lớn. Ví dụ, về “phân vi lượng” đã có tình huống sau đây: trường phổ thông không có cân tiểu ly để cân đến miligam. Nhóm học sinh của trường tham gia đề tài bèn họp nhau lại để tìm cách giải quyết; họ nảy ra sáng kiến thay mg/lít bằâng/1000 lít, như vậy thì không cần đến cân tiểu ly nhưng lại xuất hiện khó khăn mới: lấy đâu ra bình 1000 lít? Lại bàn: dựa vào dân, mượn các bể chứa nước của dân, nhưng phải có khả năng giao tiếp và khả năng thuyết phục thì dân mới cho mượn. Qua đây, ta thấy nhiều điều mới ở trong mục tiêu đào tạo sẽ đạt được, chứ không còn là chuyện kêu gọi chung chung mà không có giải pháp:

1. Tính chính xác cao (nồng độ cỡ miligam/lít), các tính toán khi thu hoạch để lên biểu, lên bảng đem so với đối chứng.

2. Làm việc theo nhóm.

3- Năng lực giao tiếp và năng lực thuyết phục.

Sẽ có câu hỏi: nói thì hay nhưng liệu có làm được không? Xin thưa: đã làm thử rồi trong một phạm vi khá rộng gồm vài chục trường phổ thông trong vài tỉnh liên tục 15 năm. Tại sao cuối cùng lại thất bại? Vì nạn luyện thi, dạy thêm, học thêm tràn lan; dù sao học sinh cũng đặt quyền lợi “được vào đại học” lên trên hết.

Rút ra được những kinh nghiệm gì?

- Để có thể triển khai sớm, không phải xin phép Bộ, thì đừng đụng chạm đến nội khoá, chỉ lấy các giờ ngoại khoá và lao động sản xuất để tiến hành.

- Bằng lòng với kinh phí đề tài của trường đại học, không ai phải đóng góp gì thêm. Học sinh được học (làm đề tài) mà không phải trả học phí, đại học được nhân lực học sinh mà không phải trả công. Xã hội được đề tài và sẽ vui lòng tạo các điều kiện thuận lợi cho đề tài.

- Đây là một cách hướng nghiệp cho học sinh.

Cái khó hiện nay là nạn luyện thi, dạy thêm, học thêm tràn lan. Phải dẹp được nó thì học sinh mới yên tâm đi làm “đề tài”. Muốn dẹp phải cải tổ cơ bản cách tuyển sinh vào đại học, đừng để cổng trường đại học cao vời vợi mà phải thiết kế ra nhiều cổng, có cổng cao vời vợi (đại học đẳng cấp quốc tế), có cổng cao vừa vừa, có cổng thấp (cao đẳng cộng đồng) để các tú tài kem kém có thể vươn tới, lại phải khuyến khích các cách học không chính quy, nhất là học từ xa và phải xoá bỏ mọi sự phân biệt đối xử với các bằng không chính quy. Có người tính toán rằng nhập kỳ thi tốt nghiệp với kỳ thi tuyển sinh thì tiết kiệm mỗi năm 4.000 tỉ đồng. Số tiền này chả nghĩa lý gì so với các lợi mà ta sẽ có nếu ta làm cho số patent của lao động Việt Nam lên ngang với Hàn Quốc (chứ chưa nói với Nhật). Không chỉ chuyện bưởi Đoan Hùng mà sờ vào đâu ta cũng thấy thiệt do tác phong tiểu thủ công nghiệp của người lao động. Đi theo hướng trên thì nay mai có thể xây dựng 3 thứ quân trong khoa học: chủ lực (gồm các trường đại học và viện nghiên cứu ở trung ương), địa phương (gồm các trường đại học và viện ở các tỉnh), dân quân du kích (học sinh phổ thông)./.

GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất