Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã đề ra mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 là “Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt được bước chuyển biến quan trọng về nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân.”
Để thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết của Đại hội X, căn cứ nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính đã xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng trong ngành tài chính.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2006 - 2010 vẫn được duy trì ở mức khá (khoảng 6,9%), quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 dự kiến gấp 2 lần năm 2005, thu nhập bình quân đầu người dự kiến đạt trên 1.200 USD, gấp 2 lần so với năm 2005. Các mặt xã hội có bước phát triển khá, đời sống của nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được tăng cường, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Hoạt động tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) cũng đạt được những kết quả quan trọng, góp phần chung vào việc hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội X.
1 - Chính sách tài chính được xây dựng và điều hành theo hướng huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng
Huy động và sử dụng các nguồn lực của Nhà nước.
Nguồn lực quan trọng nhất mà Nhà nước thực hiện chi phối là NSNN. Mặc dù nền kinh tế có những lúc gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với việc điều chỉnh chính sách động viên hợp lý, kịp thời, tăng cường công tác quản lý thu, nên nhiệm vụ động viên NSNN trong 5 năm 2006 - 2010 dự kiến hoàn thành một cách toàn diện. Tổng thu ngân sách 5 năm ước vượt trên 26% so với chỉ tiêu; quy mô thu NSNN dự kiến năm 2010 tăng gấp 2 lần so với năm 2005, tỷ lệ động viên NSNN so với GDP đạt khoảng 23% (đã loại trừ yếu tố biến động do giá), trong đó riêng thu từ thuế và phí đạt khoảng 21% GDP (mục tiêu đặt ra là tỷ lệ động viên NSNN đạt 21% - 22% GDP, trong đó từ thuế, phí là 19% - 20%); tỷ lệ thu nội địa trong tổng thu cân đối NSNN đã tăng từ 52% (năm 2006) lên gần 64% (dự kiến năm 2010), góp phần tăng tính chủ động và ổn định cho ngân sách. Kết quả thu nêu trên là tích cực trong điều kiện vẫn tiếp tục điều chỉnh chính sách thu để khuyến khích đầu tư, sản xuất - kinh doanh (giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, miễn thu thủy lợi phí,...), đồng thời, hằng năm cắt giảm hàng nghìn dòng thuế nhập khẩu để thực hiện cam kết hội nhập quốc tế.
Nhờ huy động ngân sách đạt khá, nên quy mô ngân sách ngày càng lớn, có điều kiện để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tổng chi cân đối NSNN 5 năm 2006 - 2010 dự kiến đạt trên 2.300.000 tỉ đồng.
Trong 5 năm qua, NSNN tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng ưu tiên đầu tư cho con người, tăng cường xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu chính phủ và xổ số kiến thiết đạt gần 30% tổng chi NSNN, bằng mục tiêu đề ra. Tổng chi đầu tư phát triển giai đoạn 2006 - 2010 tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2001 - 2005. Vốn đầu tư phát triển của ngân sách đã được tập trung cho các dự án phát triển và cải tạo kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng của quốc gia, ưu tiên tăng đầu tư khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nam Bộ, vùng miền núi khó khăn.
Bên cạnh nguồn vốn NSNN, đã huy động được khoảng trên 140.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ (cao hơn mục tiêu đặt ra ban đầu là 90.500 tỉ đồng), để đầu tư cho hệ thống các kết cấu hạ tầng thiết yếu, trong đó chủ yếu tập trung cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, như đầu tư công trình giao thông thủy lợi, kiên cố hóa trường lớp học. Từ năm 2008, bổ sung thêm mục tiêu nâng cấp hệ thống bệnh viện huyện và một số bệnh viện tuyến tỉnh. Từ năm 2009, bổ sung thêm mục tiêu đầu tư xây dựng ký túc xá cho sinh viên.
Ngoài đầu tư trực tiếp, Nhà nước còn thực hiện cấp vốn cho nền kinh tế thông qua kênh cấp bù lãi suất và vốn cho vay đối với một số đối tượng (cho vay để kiên cố hóa kênh mương, vay làm nhà ở của hộ đồng bào dân tộc thiểu số,...). Ước thực hiện nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước trong 5 năm qua đạt khoảng 220.000 tỉ đồng.
Các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đã góp phần tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.
Xây dựng và điều chỉnh chính sách tài chính nhằm thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước.
Trước hết, phải kể đến việc tiếp tục thực hiện cải cách chính sách thuế, phí theo hướng giảm dần nghĩa vụ đóng góp của các doanh nghiệp và cá nhân, qua đó thúc đẩy tích tụ nguồn lực, tạo điều kiện khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, trong 5 năm qua đã sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% xuống 25%; ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2009), trong đó giảm mức thuế suất cao nhất từ 50% xuống còn 40%, thuế suất tối thiểu cũng giảm từ 10% xuống còn 5%. Đồng thời, cho phép các đối tượng nộp thuế được chiết trừ gia cảnh khi tính thu nhập chịu thuế. Từ năm 2008, thực hiện bỏ thu thủy lợi phí, lệ phí đối với nông dân; đã thực hiện miễn, giảm, bãi bỏ trên 100 khoản thu phí, lệ phí, các khoản huy động đóng góp của nhân dân. Việc gia nhập và thực hiện đầy đủ các cam kết hội nhập khu vực và quốc tế về tài chính đã tạo điều kiện thúc đẩy cạnh tranh cho thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật tài chính đối với công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Nghiên cứu ban hành các khoản thuế, phí nhằm hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường, tạo nguồn tài chính cho xử lý ô nhiễm, thúc đẩy tính bền vững trong quá trình phát triển kinh tế như Nghị quyết Đại hội X đã đề ra.
Để khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, Nhà nước đã có những ưu đãi về thuế đối với hợp tác xã, tăng cường chi đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ quản lý, chi đầu tư xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, chi thu nhập, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp,...
Thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công, ban hành nhiều chính sách khuyến khích nhằm thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm mở rộng hơn nữa đối tượng tham gia xã hội hóa, thu hút nhân lực, tài lực và vật lực để phát triển các sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, khoa học - công nghệ, sự nghiệp môi trường, sự nghiệp xã hội,... Bên cạnh đó, đã thực hiện các chính sách tài chính nhằm thúc đẩy xã hội hóa, huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước thông qua các hình thức BOT, BT, chuyển nhượng quyền khai thác công trình, Nhà nước và nhân dân cùng làm,...
Việc triển khai thực hiện các giải pháp tổng thể nêu trên đã góp phần tích cực trong việc huy động vốn cho đầu tư phát triển. Tính chung 5 năm (2006 - 2010), tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp khoảng 2,5 lần so với giai đoạn 2001 - 2005; trong đó vốn trong nước chiếm trên 66%, vốn ngoài nước chiếm gần 34% (mục tiêu đặt ra tương ứng là 65% và 35%). Tỷ lệ huy động vốn toàn xã hội so với GDP bình quân ước đạt trên 42% (mục tiêu đặt ra là 40% GDP).
2 - Các chính sách tài chính - NSNN đã góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội
Nhờ tiềm lực tài chính - NSNN ngày càng được củng cố, phạm vi tác động lên nền kinh tế ngày càng lớn, nên chính sách tài chính - NSNN thời gian qua đã góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là khi nền kinh tế gặp phải những khó khăn, thách thức lớn trong các năm 2008 - 2009.
Năm 2008, chính sách tài chính - NSNN được điều chỉnh nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, kiểm soát nhập khẩu, giảm nhập siêu và ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với các bộ, ngành, ngành tài chính đã chủ động phân tích, dự báo, kiến nghị các giải pháp bình ổn giá, điều hòa cung - cầu hàng hóa và dịch vụ, điều hành chính sách tài chính tiền tệ, kiểm tra, thanh tra giá. Đối với chính sách thu ngân sách, đã điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế nhập khẩu bằng mức trần tối đa theo cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của năm 2008 đối với các hàng hóa tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu(1), nhằm giảm mức nhập siêu; điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng thiết thực phục vụ sản xuất(2) để góp phần bình ổn giá; điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu đối với hàng hóa là tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản(3); giãn thời hạn nộp thuế và giảm thuế đối với các đơn vị chế biến xuất khẩu, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do giá đầu vào tăng cao, duy trì và phát triển sản xuất, xuất khẩu; rà soát, bãi bỏ các quy định về phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân không còn phù hợp.
Cùng với điều chỉnh chính sách thu, đã thực hiện thắt chặt chi tiêu, rà soát, sắp xếp giảm chi đầu tư các dự án chưa thực sự cấp bách để tập trung vốn cho các dự án cần thiết, cấp bách, các dự án có khả năng hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2008; thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên. Tập trung sử dụng dự phòng ngân sách các cấp và nguồn tăng thu NSNN năm 2008 thực hiện các chính sách an sinh xã hội (như hỗ trợ dầu cho ngư dân, hỗ trợ các đối tượng có thu nhập thấp, tăng mức đóng bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, tăng mức học bổng cho học sinh dân tộc nội trú, bán trú, cho vay đối với học sinh - sinh viên,...) nhằm hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc, người lao động có thu nhập thấp, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang... vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát.
Từ cuối năm 2008 và bước sang năm 2009, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước ta trên nhiều mặt, nhất là xuất khẩu, đầu tư, du lịch..., nền kinh tế có dấu hiệu đi xuống nhanh chóng. Trước tình hình đó, chính sách tài chính - NSNN được kịp thời điều chỉnh với mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Về thu, thực hiện miễn, giảm, giãn thuế, phí cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất - kinh doanh, tăng sức mua xã hội, đồng thời, đã điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu(4), phí xăng dầu,... Về chi, không cắt giảm tổng mức chi NSNN, nhưng có yêu cầu sắp xếp điều chỉnh các nhiệm vụ chi, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, giảm những khoản chi chưa thực sự cấp thiết để tăng chi cho các nhiệm vụ ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, tập trung nguồn vốn NSNN, vốn trái phiếu chính phủ và vốn tín dụng của Nhà nước cho đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, sản xuất và lưu thông hàng hóa. Hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn, trung và dài hạn để các doanh nghiệp duy trì hoạt động, đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh,...
Vai trò ổn định kinh tế vĩ mô còn thể hiện ở kết quả tích cực trong thu NSNN. Cơ cấu thu tiếp tục được cải thiện với việc tăng tỷ trọng thu từ nội bộ nền kinh tế, bội chi NSNN và dư nợ chính phủ, dư nợ quốc gia được giữ ở mức an toàn trong phạm vi cho phép. Bội chi NSNN giai đoạn 2006 - 2008 ở mức khoảng 5% GDP. Trong năm 2009, do yêu cầu cần tăng chi tiêu công để kích thích kinh tế nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, phục hồi tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và trình Quốc hội cho phép bội chi NSNN ở mức cao hơn. Tuy nhiên, trong điều hành phấn đấu để giảm thấp hơn mức được phép, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Cùng với việc tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, trong 5 năm qua, ngành tài chính đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng, ban hành các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các vùng khó khăn. Đồng thời, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện, qua đó góp phần tăng cường công tác xóa đói, giảm nghèo, ổn định trật tự xã hội.
Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển bền vững, bảo đảm công bằng xã hội, thời gian qua có thêm nhiều chính sách an sinh xã hội đã được ban hành, đặc biệt là từ năm 2008 trở lại đây. Các cơ chế, chính sách được ban hành cơ bản có thể phân thành 3 nhóm lớn, gồm: các chính sách hỗ trợ, đầu tư trực tiếp xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vùng khó khăn (như hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh cho người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi; trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ ngư dân, hộ cận nghèo; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo,...); nhóm các chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí (miễn giảm thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; miễn giảm thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với mức cao nhất cho các lĩnh vực xã hội hóa; ưu đãi ở mức cao nhất về thuế, phí và lệ phí đối với hộ nghèo, hộ sản xuất nông nghiệp, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc); nhóm các chính sách tín dụng ưu đãi (như cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; cho học sinh, sinh viên vay,...).
Thực hiện các cơ chế, chính sách trên đòi hỏi cơ cấu lại NSNN, để dành nguồn ưu tiên tập trung hỗ trợ người nghèo, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách. Tổng kinh phí NSNN đã bố trí để hỗ trợ người nghèo, vùng khó khăn... trong giai đoạn 2006 - 2010 là khoảng trên 250.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, hằng năm đã kịp thời xuất gạo dự trữ quốc gia để cứu đói cho nhân dân, xuất dự trữ vắc-xin, thuốc bảo vệ thực vật,... hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, cây trồng,... Riêng trong năm 2009, đã xuất cấp dự trữ quốc gia khoảng 64.000 tấn gạo để cứu đói, cung cấp trên 440.000 liều vắc-xin phòng, chống bệnh dịch gia súc, NSNN chi hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai hơn 8.000 tỉ đồng...
Việc ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội thời gian qua đã góp phần hỗ trợ thiết thực cho người nghèo, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, giữ vững trật tự xã hội, thể hiện rõ vai trò và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ mức 22% (năm 2005) xuống dưới 10% (dự kiến năm 2010).
Đi đôi với việc đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề tiền lương, thu nhập của người lao động. Chính sách chung về tiền lương, chế độ phụ cấp đã từng bước được hoàn thiện. Đã thực hiện điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu trên 2 lần, từ mức 300.000 đồng/tháng vào đầu năm 2006 lên 730.000 đồng/tháng (vùng IV) năm 2010(5). Từ ngày 1-5-2010 sẽ thực hiện mức lương tối thiểu mới cho khu vực hành chính, sự nghiệp. So với năm 2006, tiền lương tối thiểu năm 2010 đã tăng hơn mức độ tăng giá trong cùng kỳ (khoảng trên 50%). Như vậy, có thể khẳng định việc thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu những năm qua đã cải thiện thu nhập và đời sống của các đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ NSNN.
3 - Chính sách tài chính góp phần thúc đẩy phát triển thể chế kinh tế thị trường
Trong 5 năm qua, hệ thống cơ chế, chính sách tài chính làm nền tảng cho sự hình thành và phát triển của các thị trường đã từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, phù hợp với đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các cam kết hội nhập. Nhờ vậy, các thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán và thị trường dịch vụ tài chính, đã có những bước phát triển mạnh mẽ, theo hướng minh bạch hơn, thu hút được nhiều đối tượng tham gia hơn.
Đối với thị trường chứng khoán, thời gian qua đã ban hành Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Hệ thống sản phẩm dịch vụ trên thị trường đã từng bước được mở rộng, quy mô tài sản được ủy thác quản lý ngày càng lớn. Mức vốn hóa toàn thị trường tính đến cuối tháng 12-2009 là 620 nghìn tỉ đồng (tương đương gần 38% GDP năm 2009). So với thời điểm cuối năm 2008 mức vốn hóa đã tăng gấp gần 3 lần. Số lượng công ty niêm yết đạt 457 công ty, số lượng tài khoản đạt 793 nghìn tài khoản. Thị trường chứng khoán cũng thúc đẩy các chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tăng cường tính công khai minh bạch cho các doanh nghiệp thông qua các hoạt động kiểm toán, công bố thông tin, quản trị công ty. Ngoài ra, kênh dẫn vốn dài hạn qua thị trường chứng khoán cũng giảm bớt áp lực cho hệ thống ngân hàng thương mại.
Đã triển khai xây dựng thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCOM) tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, qua đó góp phần quản lý, thu hẹp thị trường tự do (OTC), xây dựng và đưa vào hoạt động thị trường trái phiếu chuyên biệt tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để tạo ra cơ cấu phù hợp giữa cổ phiếu và trái phiếu trên thị trường chứng khoán. Việc điều hành lãi suất trái phiếu chính phủ linh hoạt, theo sát diễn biến thực tế của thị trường đã phát huy tác dụng tích cực trong việc huy động vốn cho NSNN và định hướng lãi suất thị trường.
Đối với thị trường bảo hiểm, đã ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm; sắp xếp, cơ cấu lại, từng bước đa dạng hóa các hình thức doanh nghiệp bảo hiểm, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường trên nguyên tắc công khai, minh bạch. Đến nay, có 50 doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Quy mô thị trường năm 2009 đạt 2,3%/GDP (năm 2006 đạt 1,74%GDP). Tổng doanh thu ngành bảo hiểm tăng bình quân khoảng trên 20%/năm; 5 năm giải quyết chi trả bảo hiểm đạt gần 30.000 tỉ đồng, góp phần giúp các doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất - kinh doanh và đời sống, giảm bớt gánh nặng cho NSNN, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong công tác quản lý giá, tiếp tục thực hiện nhất quán cơ chế quản lý giá theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước thực hiện quản lý, điều hành giá bằng cơ chế, chính sách là chủ yếu, gián tiếp qua thị trường; tiếp tục thu hẹp diện mặt hàng Nhà nước trực tiếp quy định giá đối với một số ít hàng hóa, dịch vụ độc quyền, sản phẩm, dịch vụ công ích, mặt hàng thuộc chính sách xã hội. Chuyển kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường từ cuối năm 2008. áp dụng thống nhất quy định về giá, phí hàng hóa, dịch vụ, giá thuê đất, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng giữa đầu tư trong nước và nước ngoài, qua đó khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chống độc quyền về giá, chống đầu cơ nâng giá bất hợp lý, thực hiện kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ chi từ nguồn NSNN, hàng hóa còn được trợ cước, trợ giá và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý giá.
Để nâng cao hiệu quả, công khai, minh bạch trong sử dụng NSNN, thúc đẩy quản lý theo cơ chế thị trường, Bộ Tài chính đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đấu thầu đặt hàng cung ứng dịch vụ công và sản xuất cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
Đổi mới cơ chế quản lý tài chính DNNN, cổ phần hóa DNNN phù hợp với cơ chế thị trường nhằm huy động thêm nguồn lực cho phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhà nước, nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp, sức cạnh tranh của khu vực DNNN.
4 - Tích cực, chủ động đưa nền kinh tế chủ động hội nhập kinh tế quốc tế
Thực hiện chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tranh thủ cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan tích cực đàm phán gia nhập WTO, xây dựng kế hoạch hành động sau khi Việt Nam gia nhập WTO, chủ động tiến hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về biểu và khung thuế suất thuế nhập khẩu, chính sách hải quan, chính sách quản lý và phát triển dịch vụ tài chính... để thực hiện cam kết WTO thuộc lĩnh vực tài chính.
Phối hợp đàm phán và ký kết các cam kết hội nhập khu vực và cam kết về tài chính - thương mại song phương và đa phương. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, điều chỉnh và ban hành một số cơ chế chính sách trong nước cho phù hợp. Đến nay, việc thực hiện các cam kết quốc tế đã được triển khai đầy đủ, bảo đảm theo đúng lộ trình đã ký kết, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước thâm nhập dễ dàng hơn vào các thị trường các nước khu vực, tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài, tạo sự cạnh tranh tích cực hơn đối với thị trường trong nước, góp phần tích cực nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
5 - Cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Cùng với các bộ, ngành, địa phương, trong 5 năm qua, ngành tài chính đã tích cực góp phần vào công cuộc cải cách hành chính, đặc biệt trong các lĩnh vực hoạt động có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân như thuế, hải quan, kho bạc nhà nước,...
Trong lĩnh vực quản lý thu, đã xây dựng Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn với mục tiêu quy định các thủ tục hành chính thuế đơn giản, rõ ràng minh bạch, dễ thực hiện; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho người nộp thuế. Thủ tục hành chính thuế được sửa đổi nhằm giảm thiểu rườm rà, tốn kém về thời gian, tiền bạc của người nộp thuế, đồng thời tiết kiệm nguồn lực cho cơ quan thuế. Bước đầu thực hiện việc kê khai thuế qua mạng, triển khai quy chế phối hợp thu thuế qua hệ thống ngân hàng thương mại, triển khai hải quan điện tử, áp dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào quá trình kiểm tra, kiểm soát hải quan. Phấn đấu hết năm 2010, giảm mạnh thời gian kê khai nộp thuế, thông quan hàng hóa, đưa Việt Nam vào nhóm nước tiên tiến trong khu vực, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế “một cửa” tại các hệ thống Kho bạc Nhà nước, thuế, hải quan và trong công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư tại cơ quan Bộ Tài chính. Tiếp tục triển khai chuẩn bị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO) ở một số khâu, công việc phù hợp.
Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương sử dụng kinh phí NSNN ưu tiên dùng hàng Việt Nam để thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.
Với vai trò là đầu mối giúp Chính phủ tổ chức thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thời gian qua, ngành tài chính đã phối hợp với các ngành liên quan ở Trung ương và địa phương trong việc triển khai thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời, triển khai mạnh mẽ các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực tài chính nên đã đóng góp phần quan trọng vào kết quả chung của cả nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cụ thể, ngành tài chính đã chủ động trong công tác xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức, cơ chế quản lý trong sử dụng tiền và tài sản nhà nước theo yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Gắn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan nhà nước và tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho xã hội.
Trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách quản lý tài chính - NSNN, đã chú ý tăng cường phân cấp, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị trong quản lý, sử dụng ngân sách, quyết định các chế độ, định mức chi tiêu cụ thể...
Cùng với việc xây dựng chế độ, chính sách, đổi mới phương thức quản lý ngân sách, ngành tài chính đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát để bảo đảm kỷ luật tài chính. Công tác kiểm soát chi cũng được tăng cường, bảo đảm chi ngân sách đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực./.
Vũ Văn Ninh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính
______________________________________________________________________________________________
(1) Như ô-tô nguyên chiếc, linh kiện và phụ tùng ô-tô; một số mặt hàng điện tử, điện lạnh và linh kiện phụ tùng...
(2) Như clinke, một số mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, giấy in báo...
(3) Như dầu thô, than đá, quặng kim loại...
(4) Điều chỉnh tăng thuế một số mặt hàng để bảo hộ sản xuất trong nước, giảm nhập siêu như hàng tiêu dùng không thiết yếu, hàng hóa trong nước có thể đáp ứng được nhu cầu (thịt, phụ phẩm, gia cầm, gia súc,...); đồng thời, có những mặt hàng điều chỉnh giảm để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như than, xăng dầu, hàng nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị,...,
(5) Nghị định số 9/2009/NĐ-CP và Nghị định số 98/2009/NĐ-CP của Chính phủ về mức lương tối thiểu áp dụng cho khu vực doanh nghiệp