Thứ Năm, 3/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 21/9/2010 14:4'(GMT+7)

Bí thư tỉnh ủy: Câu chuyện về khoán 10 lịch sử

Lấy nguyên mẫu là cố Bí thư tỉnh ủy Hoàng Kim Ngọc của tỉnh Vĩnh Phúc, “cha đẻ của khoán 10”, bộ phim Bí thư tỉnh ủy tái hiệu lại một thời kỳ lịch sử cuối năm 1960 và thập niên những năm 70. Đây cũng là thời kỳ đế quốc Mỹ tăng cường ném bom ra miền bắc Việt Nam. Phước Vĩnh là một tỉnh nối liền giữa biên giới và đồng bằng, có đường tàu hỏa chạy qua, là một huyết mạch chuyên chở hàng hóa viện trợ cho chiến trường nên thường xuyên phải vừa chống trả với máy bay Mỹ vừa chăm lo sản xuất. Hai nhiệm vụ này đều vô cùng nặng nề, quan trọng. Cho dù sản xuất được nhiều thóc gạo, nhưng do vừa phải nuôi sống những người ở hậu phương và tiền tuyến, nên năng suất liên tục giảm, khiến nhân dân phải đối mặt với nguy cơ thiếu đói. Bên cạnh đó việc mô hình HTX cấp cao bộc lộ những hạn chế của nó khi đưa vào vận hành, tạo ra một lớp người lười biếng, thụ động… cùng một số cán bộ cứng nhắc, máy móc không chịu bám sát thực tế… gây cản trở cho những việc làm của những người có trách nhiệm.

 

Bí thư Hoàng Kim (Dũng Nhi) trong một cảnh quay


Trước tình hình này, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Kim đã cùng các đồng chí của ông bám sát và đi sâu tìm hiểu thực trạng của người nông dân. Khi đó một vài hợp tác xã khoán ruộng cho nông dân làm vụ xen canh. Thấy phương thức khoán đó huy động được sức người, sức của, khiến năng xuất tăng vọt, ông Kim bàn với Ban thường vụ và Ban nông nghiệp tỉnh cho làm thí điểm ở một số HTX. Từ đó, Bí thư Hoàng Kim cùng Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết 86 của Ban thường vụ về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong các HTX. Đây là một Nghị quyết đã dành được sự ủng hộ rất cao của Ban thường vụ tỉnh ủy và các huyện ủy viên.


Việc làm của nông dân tỉnh Phước Vĩnh đã gây xôn xao và vang đến tận Trung ương với nhiều dư luận trái chiều, phần lớn không đồng tình vì cho đó là đi ngược với đường lối của Đảng và Nhà nước trên con đường tập thể hóa XHCN. Tuy nhiên Bí thư tỉnh ủy Hoàng Kim vẫn kiên quyết thực hiện bằng được việc ông và các đồng chí của mình cho là đúng đắn. Ông cho rằng chỉ có con đường thực hiện khoán cho hộ gia đình thì mới có thể vực dậy nền sản xuất nông nghiệp đang bị đình trệ, đem lại đời sống ấm no cho người dân.


Những việc làm tận tâm với bà con nông dân của ông đã khiến Bí thư Hoàng Kim phải trả giá bằng sức khỏe luôn đau yếu và một bản kiểm điểm vì làm sai đường lối của Đảng nhưng điều đó không làm ông nhụt chí.

 

 Cảnh đám tang bí thư Hoàng Kim


Hai năm sau ngày về hưu, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Kim đã mất trong một cơn bạo bệnh.  Đưa tiễn ông về nơi vĩnh hằng là những người đồng chí luôn sát cánh bên ông, và cả hàng ngìn nông dân đã mắc nợ ông, coi ông như một người lãnh đạo luôn gắn bó thiết tha với đồng ruộng, nặng lòng với dân, giúp họ thoát khỏi cảnh đói nghèo. Ông mất đi nhưng những gì ông đã làm và để lại cho hậu thế thì vẫn còn sống mãi mà đỉnh điểm là Khoán 10 lịch sử đã làm thay đổi vận mệnh đất nước.


Bộ phim “Bí thư tỉnh ủy”  

Độ dài: 50 tập 

Thời gian phát sóng 20h10 thứ 2, 3, 4 hàng tuần bắt đầu từ 27/9/2010

 Kịch bản: Vân Thảo

 Đạo diễn: Quốc Trọng, Trần Trọng Khôi

 Biên tập: Thùy Linh, Phạm Ngọc Tiến, Trần Hoài Văn;

 Các diễn viên:

 Dũng Nhi trong vai Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Kim

 NSƯT Minh Châu vai bà Thường

 NSƯT Mai Hoa trong vai Chi-Bí thư huyện ủy

 NSƯT Đức Trung vai ông Ẩn, phái viên Chính phủ

 NSƯT Nguyễn Lan Hương vai bà Lê, vợ bí thư Hoàng Kim...

 


(Theo VTV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất