Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”
do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật ấn hành tháng 4/2014, đã tái
bản lần thứ 3 và liên tiếp giành được các giải thưởng danh giá (Giải
thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học
ASEAN năm 2015). Cuốn tiểu thuyết tư liệu “Lời tựa một tình yêu”
cũng do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật ấn hành, vừa ra mắt
nhân dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh
(2/9/1945-2/9/2016).
Nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh nói: “Tôi mong muốn tác phẩm của mình có
giá trị văn chương, nhưng trước hết phải có giá trị vững chắc về sự thật
lịch sử.”
Để đạt được mong muốn ấy khi thực hiện hai “biên bản” này - biên bản về
chiến tranh và biên bản về tình yêu, với ông, đó là hành trình của cả
một đời người.
Chiếc thẻ nhà báo đầu tiên và biên bản một cuộc chiến
Ngay những ngày đầu giải phóng, tại Sài Gòn, nhà báo Trần Mai Hạnh đã có
dịp trình bày với Tổng biên tập Đào Tùng về ý định phục dựng lại sự
thật lịch sử về những ngày sụp đổ cuối cùng của phiá bên kia.
Ông nhớ lại lời khích lệ hào hứng của Tổng biên tập Đào Tùng: “Mọi vinh
quang thuộc về dân tộc, thuộc về đất nước. Chúng ta vô cùng may mắn được
chứng kiến những giờ phút lịch sử. Chúng ta phải có trách nhiệm với
lịch sử. Chỉ có điều phải nắm vững rằng, cốt lõi của lịch sử là sự thật.
Sự thật đó phải được chứng minh bằng các tài liệu nguyên bản và các
nhân chứng.”
Cũng những ngày đầu tháng 5/1975 ấy, nhà báo Trần Mai Hạnh may mắn được
tháp tùng Tổng biên tập Đào Tùng và đồng chí Tố Hữu, Bí thư Trung ương
Đảng xuống thăm Quận 10, gặp bà Nguyễn Thị Châu, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân Cách mạng lâm thời Quận 10. Bà cũng là người yêu của người tử tù nổi
tiếng Lê Hông Tư.
Vậy là cùng lúc, nhà báo Trần Mai Hạnh đã kỳ công tập hợp tài liệu cho
hai “biên bản văn chương” mà ông theo đuổi - biên bản về cuộc chiến và
biên bản về mối tình đẹp như một huyền thoại của ông Lê Hồng Tư và bà
Nguyễn Thị Châu.
Hành trình của ông được xem như bắt đầu từ sáng ngày 1/5/1975, khi ông
có được “Giấy công tác đặc biệt” do Ủy ban Quân quản thành phố Sài
Gòn-Gia Định cấp, cho phép ông với tư cách phóng viên, được đi lại hoạt
động trên toàn thành phố và yêu cầu các đơn vị, các cấp chính quyền tạo
mọi thuận lợi cho ông hoàn thành nhiệm vụ.
"Giấy
công tác đặc biệt" do Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn-Gia Định cấp
cho phóng viên Trần Mai Hạnh sáng 1/5/1975. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh
cung cấp)
Nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh cho biết, có lẽ, đó là chiếc thẻ nhà báo
đầu tiên chính quyền cách mạng cấp trong buổi bình minh của lịch sử
thành phố. Nhờ chiếc thẻ nhà báo đặc biệt này, nhờ uy tín của Việt Nam
Thông tấn xã và lại được tháp tùng Tổng biên tập Đào Tùng những ngày đó,
ông đã có cơ hội tiếp xúc, thu thập những tài liêu nguyên bản quý giá
để xây dựng nên tác phẩm của mình.
“Càng sưu tầm tư liệu, tôi lại càng thấy thiếu. Quá trình tập hợp, đối
chiếu, thẩm định những tài liệu nguyên bản và những tư liệu từ nhiều
nguồn của phía bên kia (cả phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ) cả ở
trong nước và nước ngoài kéo dài trong rất nhiều năm,” nhà báo-nhà văn
Trần Mai Hạnh chia sẻ.
Nhìn vào danh mục các tài liệu nguyên bản tuyệt mật trong kho tư liệu dồ sộ mà ông xây dựng được để viết nên “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75,”
người đọc cũng thấy được phần nào hành trình gian nan của ông: Biên bản
các cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia của Nguyễn Văn Thiệu; điện chỉ
huy tác chiến của Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn
trong toàn bộ quá trình diễn ra sự sụp đổ; thư từ điện văn của Tổng
thống Mỹ Nixon và Ford gửi Nguyễn Văn Thiệu và văn bản trả lời của
Nguyễn Văn Thiệu; các văn bản đệ trình của Bộ Tổng tham mưu; các báo cáo
phân tích tình báo của quân đội Sài Gòn và đại sứ quán Mỹ; phúc trình
của tướng lĩnh các quân khu, quân đoàn, sư đoàn trình bày chi tiết về
diễn biến quá trình sụp đổ…
Khi các tài liệu nguyên bản tuyệt mật cùng các tư liệu liên quan được
tập hợp đầy đủ dưới danh nghĩa nhà báo, với sự dung tưởng phong phú của
một nhà văn, ông lại hóa thân sang phía bên kia để phục dựng lại sự thật
lịch sử trong khuôn khổ của một tác phẩm văn học.
“Lẽ ra, cuốn sách ra mắt bạn đọc từ năm 2002 với nhan đề là ‘Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa.’ Thế
nhưng, không may, ở thời điểm đó, vì một tai nạn nghề nghiệp, tôi vướng
vòng lao lý và không thể hoàn thành chương cuối cùng, đành gác lại. Đã
có lúc tôi muốn buông bỏ vì không sao có hứng thú viết tiếp, muốn đốt đi
tất cả tư liệu mà mình đã dày công tập hợp.”
“10 năm sau (năm 2012), tôi mới rỡ tác phẩm ra, viết lại dưới ánh sáng
của tình hình mới, với một cái nhìn khách quan, không thiên kiến, quả
cảm trước sự thật lịch sử, nhân văn với số phận của những người thuộc
phía bên kia. Sau gần bốn thập kỷ, cuốn sách có số phận đặc biệt ấy mới
ra mắt bạn đọc với tên gọi “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật thẩm định và ấn hành,” nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh trải lòng.
Hội đồng Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là
viên kim cương của văn học tư liệu và nhận định rằng: “Tác phẩm này
mang lại một gợi ý sáng giá cho dòng văn học viết về chiến tranh của
chúng ta đương đại, gợi ý về sự dầy công nghiên cứu và sử dụng tư liệu,
khai thác khối di sản khổng lồ của một thời đại cách mạng ‘vô tiền
khoáng hậu’ đã làm nên kỷ nguyên của nước Việt Nam hiện đại ngày này.”
Không chỉ có vậy, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” còn được
đánh giá là “bức phác thảo toàn cục, chi tiết, một bức tranh tham khảo
sống động về toàn bộ quá trình diễn ra sự sụp đổ cùng số phận của hầu
hết tướng lĩnh và những người cầm đầu chính thể Việt Nam Cộng hòa trong
những ngày tháng cuối cùng của chiến tranh…” (trích lời ông M.R.
Sukhumbhand Paribatra - Chủ tịch Hồi đồng Giải thưởng Văn học ASEAN
2015).
Biên bản một tình yêu
Sự kỳ công thu thập tài liệu để làm cơ sở vững chắc cho sự dung tưởng
phong phú, sáng tạo của mình cũng là hành trình của nhà báo-nhà văn Trần
Mai Hạnh khi xây dựng cuốn tiểu thuyết tư liệu “Lời tựa một tình yêu.”
Tài liệu để xây dựng nên tác phẩm này do ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị
Châu trực tiếp cung cấp và kể lại cho tác giả. Ông đã trở lại hơn chục
nhà tù mà ông Lê Hông Tư và bà Nguyễn Thị Châu từng bị giam cầm, tra tấn
(trong đó đã bốn lần trở lại Côn Đảo, tới những hầm đá, chuồng cọp, lao
cấm cố - nơi chiến sỹ cách mạng Lê Hồng Tư từng bị giam cầm và từng
vượt ngục), gặp gỡ các nhân chứng để lấy thêm tài liệu.
“Lời tựa một tình yêu” là bản tình ca lãng mạn, nồng thăm của
hai chiến sỹ cách mạng Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu - một Đảng viên trẻ
và một nữ sinh cùng hoạt động trong phong trào học sinh, thanh niên
miền Nam yêu nước ở Sài Gòn.
Họ đến với nhau trong bão táp cách mạng. Anh mới ngỏ lời, chị còn chần
chừ chưa dám ước hẹn thì cả hai đã bị địch bắt. Họ bị giam cầm, đày đọa
qua hàng chục nhà tù. Riêng anh Lê Hồng Tư bị cầm tù 15 năm, trong đó có
13 năm ở “địa ngục trần gian Côn Đảo” với án tử hình và ba lần chuẩn bị
ra pháp trường. 15 năm sau, kể từ lúc ngỏ lời, họ mới gặp lại nhau,
hạnh phúc trong lễ cưới được tổ chức vào ngày đất nước toàn thắng.
Hai
chiến sỹ cách mạng Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu trong ngày cưới khi
đất nước đã hoàn toàn giải phóng. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)
“Ấn tượng mạnh nhất khi đọc ‘Lời tựa một tình yêu’ là sự xúc
động, tin cậy, ám ảnh và ngưỡng mộ. Bản tính cẩn trọng, khách quan của
một nhà báo và phẩm chất văn chương trong sự dung tưởng phong phú của
một nhà văn hòa quyện trong tác phẩm với 12 chương và hơn 200 trang
sách. Hoàn cảnh điển hình, tình tiết điển hình, phẩm chất và tính cách
điển hình của hai nhân vật được kết cấu, khắc họa tinh tế bởi một giọng
văn giản dị, trầm tĩnh, chan chứa lòng tin yêu cuộc sống đã khiến 'Lời tựa một tình yêu'
có sức cuốn hút và lay động mạnh mẽ lòng người,” nhà báo Đỗ Phượng,
nguyên Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc Thông
tấn xã Việt Nam chia sẻ trong lời mở đầu cuốn sách.
Văn chương vì phẩm giá hiện tại và tương lai
Trong tham luận đọc tại Diễn đàn Văn học ASEAN, tổ chức tại Bangkok
(Thái lan) vào trung tuần tháng 12/2015, nhà văn Trần Mai Hạnh có tâm sự
rằng :
“Khi bắt đầu xây dựng cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử ‘Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75,’
ngay khi Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, tôi đã hiểu rằng dù
dữ dội và đau đớn đến đâu, cuộc chiến nào rồi cũng qua đi. Những năm
tháng khổ đau, máu và nước mắt của bất cứ bên tham chiến nào cũng không
bao giờ bị lãng quên và tất yếu trở thành một phàn của lịch sử…
Trong dòng chảy khôn cùng của cuộc sống, chúng ta luôn phải hiểu rằng
mình cần làm gì trong cuộc đấu tranh bảo vệ những phẩm giá tốt đẹp của
hiện tại và tương lai trong một thế giới đang trĩu nặng lo âu vì những
tham vọng chiến tranh và xung đột.”
Giữa không khí thanh bình của hiện tại, ông cũng nói rằng, ông chưa bao
giờ nguôi những ký ức về cuộc chiến tranh đã qua. Nhưng với ông, điều
quan trọng nhất viết không phải là để nhắc lại cuộc chiến, mà là làm thế
nào để qua tranh sách góp phần nhỏ bé của mình vào ước vọng con người
sống tin yêu nhau hơn, cùng nhau xây dựng những giá trị đạo đức tốt đẹp
cho tương lai.
Nhà văn Trần Mai Hạnh cũng bộc bạch rằng, ông không có tham vọng thi thố
văn chương; điều quan trọng là, ông viết với trách nhiệm xã hội và
nghĩa vụ công dân với đất nước và trước những tư liệu lịch sử mà ông có
cơ may và cơ duyên tiếp cận được.
Nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh phát biểu tai Lễ trao giải Văn học ASEAN 2015. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Với ông, giải thưởng lớn nhất mà ông nhận được chính là sự tin cậy vào phẩm giá nhà văn mà bạn đọc trao cho ông khi đón nhận “Biên bản chiến tanh 1-2-3-4.75” và “Lời tựa một tình yêu”./.
An Ngọc (Vietnam+)