Một nhóm các nhà khoa học nổi tiếng đã cảnh báo biến đổi khí hậu và sự
nguy hiểm của chiến tranh hạt nhân đang đặt nhân loại đứng trước mối đe
dọa ngày càng lớn, đẩy thế giới tiến đến gần hơn với ngày tận thế.
Trong một thông điệp mang tính cấp bách phát đi ngày 22/1, bà Kennette
Benedict, Giám đốc điều hành tạp chí Bulletin of the Atomic Scientists
(Bản tin Khoa học nguyên tử - BAS) thuộc Đại học Chicago, cho biết đã
chỉnh kim phút của Đồng hồ Ngày tận thế (Doomsday Clock) thêm hai phút,
tức là chỉ còn ba phút là sẽ đến nửa đêm, thời điểm được tượng trưng giờ
tận thế của nhân loại.
Đồng hồ Ngày tận thế là một đồng hồ mang tính tượng trưng được ban lãnh
đạo BAS lập ra năm 1947 nhằm đưa ra mức độ cảnh báo về chiến tranh hạt
nhân ở phạm vi toàn cầu. Thời điểm 12 giờ đêm hay 0 giờ được coi là thời
điểm tận thế và các hiểm họa đe dọa hành tinh càng lớn bao nhiêu thì
kim phút của chiếc đồng hồ sẽ được điều chỉnh tiến gần đến thời điểm đó
bấy nhiêu.
Cùng với sự phát triển của các loại vũ khí hủy diệt và vũ khí công nghệ
cao khác, Đồng hồ Ngày tận thế ngày nay còn được dùng để cảnh báo mối đe
dọa khác như sự tàn phá môi trường, biến đổi khí hậu, vũ khí công nghệ
nano, chủ nghĩa khủng bố, với thông điệp gửi đi là con người đang ở
ngưỡng "chỉ còn vài phút nữa là tới nửa đêm."
Kể từ khi xuất hiện đầu tiên trên ấn phẩm của BAS, Đồng hồ Ngày tận thế
đã trải qua nhiều lần điều chỉnh, trong đó chỉ có một lần duy nhất được
điều chỉnh xa hơn giờ tận thế là vào ngày 14/1/2010, đồng hồ được vặn
lùi một phút, cách thời điểm nửa đêm 6 phút vì BAS tin rằng các nhà lãnh
đạo thế giới đang nỗ lực giải quyết sự phổ biến của vũ khí hạt nhân và
các hiểm họa toàn cầu khác. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chiếc đồng hồ
tượng trưng này nhiều lần bị điều chỉnh tiến gần hơn đến với nửa đêm và
đang ở cận kề ngày tận thế nhất từ trước đến nay.
Nhà khoa học Benedict cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu không kiểm
soát được và cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân giữa các nước sở hữu lượng vũ
khí hạt nhân lớn đã đẩy thế giới đứng trước những đe dọa vô cùng nghiêm
trọng. Theo nhà khoa học này, các nhà lãnh đạo thế giới đã không hành
động kịp thời và đủ mạnh để bảo vệ người dân trước các hiểm họa tiềm
tàng. Bà Benedict kêu gọi người dân yêu cầu chính phủ hành động để ngăn
chặn tình trạng ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch và ngăn chặn việc phát
triển các vũ khí hạt nhân hiện đại, những yếu tố đang đe dọa hành tinh.
Nhà khoa học Benedict cảnh báo nhân loại cần hành động ngày để cứu thế
giới vì cơ hội hành động đang ngày càng khép lại.
Các nhà khoa học cho biết một trong những biện pháp cấp bách là thực thi
các nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải nhà kính nhằm giữ nhiệt độ trung
bình của Trái Đất không tăng thêm 2 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền
công nghiệp. Các nhà khoa học cảnh báo tốc độ tan băng tại Bắc Cực sẽ ở
mức đỉnh điểm nếu các quốc gia không hành động, điều này có nghĩa tình
trạng tan băng sẽ trở nên không thể ngăn chặn được.
Đối với hiểm họa hạt nhân, các nhà khoa học kêu gọi các nước giảm mạnh
việc hiện đại hóa loại vũ khí hạt nhân, đồng thời đẩy mạnh việc giải trừ
loại vũ khí hủy diệt lớn này. Giám đốc BAS cho biết thế giới hiện có
khoảng 16.300 vũ khí hạt nhân, một con số mà theo nhà khoa học này là
"quá nhiều". Theo nhà khoa học, tiến trình giải trừ hạt nhân đã bị ngừng
lại, Mỹ và Nga, hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới, tiếp tục
dành khoản ngân sách lớn để hiện đại hóa hệ thống vũ khí hạt nhân, trong
đó Mỹ đã dự kiến chi 355 tỷ USD cho năm 2015.
Bà Benedict còn nêu tên một số cường quốc vẫn tiếp tục kế hoạch hiện đại
hóa vũ khí hạt nhân, trong đó có Anh, Pháp, Trung Quốc, Israel và Triều
Tiên. Trong một nhận xét bày tỏ sự thất vọng, Giám đốc BAS nói rằng
cuộc chạy đua hạt nhân giữa các nước đã cho thấy mong ước một kỷ nguyên
hậu hạt nhân xuất hiện sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh giờ đây đã hoàn
toàn tan biến./.
(TTXVN)