Thứ Ba, 1/10/2024
Đời sống
Thứ Hai, 26/9/2011 15:36'(GMT+7)

Biện pháp nào để làm tốt công tác bảo hiểm y tế học sinh ở nông thôn.

Hội nghị triển khai công tác BHYT HS năm 2011-2012 của huyện Hoài Đức (Hà Nội)

Hội nghị triển khai công tác BHYT HS năm 2011-2012 của huyện Hoài Đức (Hà Nội)

Bảo hiểm y tế (BHYT) là sự kết hợp toàn diện các yêu cầu của công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho học sinh: từ việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại y tế học đường đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế khi rủi ro, ốm đau phải nằm viện. Do mục đích ưu việt thiết thực, giàu tính nhân văn nên BHYT học sinh đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội. Từ BHYT tự nguyện đã chuyển thành có trách nhiệm, bắt buộc thực hiện theo quy định của luật BHYT từ 01/01/2010. Tuy nhiên, ở nông thôn, bảo hiểm y tế học sinh chưa được phụ huynh quan tâm.

Trước khi có luật BHYT, học sinh, sinh viên (HSSV) là đối tượng tham gia BHYT tự nguyện thực hiện theo Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ ban hành Điều lệ BHYT. Năm 2010 là năm đầu tiên học sinh - sinh viên trở thành đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, mức đóng thống nhất bằng 3% mức lương tối thiểu và được hỗ trợ 30% kinh phí từ ngân sách Nhà nước theo quy định của luật BHYT. Luật BHYT đã được Kỳ họp thứ 4 Quốc hội (khoá XII) thông qua. Công tác BHYT được các cấp các ngành phối hợp chặt chẽ và triển khai đến từng trường học, nhận được sự đồng thuận của giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Những điều làm được và chưa được

BHYT đã thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ (CSSK) ban đầu cho HSSV. Nguồn kinh phí trích lại đã giúp củng cố và xây dựng mạng lưới y tế trường học, giúp học sinh được CSSK ban đầu ngay tại trường. Nhờ hệ thống y tế học đường mà nhiều học sinh đã được khám sức khoẻ ngay từ đầu năm học, được phát hiện kịp thời các bệnh học đường như cận thị, cong vẹo cột sống… điều trị kịp thời. Mặt khác, BHYT chia sẻ, hỗ trợ tài chính cho không ít gia đình khi con em mình không may bị mắc bệnh nặng, tai nạn rủi ro. Chúng ta khẳng định BHYT học sinh là chính sách xã hội không vì mục đích kinh doanh bởi quỹ BHYT học sinh chỉ dùng để chi phí khám chữa bệnh theo BHYT, cuối năm nếu còn kết dư sẽ được chuyển vào quỹ năm sau. Thực tế cũng đã chứng minh BHYT học sinh mang tính ưu việt, hơn hẳn loại hình bảo hiểm mang tính thương mại khác.

Nhưng thực tế BHYT học sinh ở nông thôn được người dân tham gia không mấy mặn mà. Đơn cử 1 ví dụ: tại huyện Hoài Đức( Hà Nội) có tất cả khoảng gần 50 trường học (THCS, Tiểu học, chuyên nghiệp) mà đợt tổng kết vừa qua chỉ có 4 trường đạt chỉ tiêu 100%, số còn lại đạt tỉ lệ không cao, cá biệt có trường Trung cấp Công nghệ Thăng Long đạt 8,2 % và Trường THCS Cát Quế B chỉ đạt 10,21 % (40/386HS). Như vậy cần có một giải pháp làm sao để tỉ lệ học sinh nông thôn được hưởng chính sách ưu việt này ngày một cao hơn.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tỉ lệ BHYT học sinh ở nông thôn còn thấp?

Số lượng học sinh nông thôn tham gia tự nguyện BHYT còn ít, một phần do nhận thức của cha mẹ học sinh, một phần do nhiều nguyên nhân khách quan đưa lại. Tuy BHYT là quy định bắt buộc, song chưa có một chế tài xử phạt nào đối với cá nhân, đơn vị không thực hiện. Các trường thu số tiền đóng BHYT học sinh từ đầu năm học cùng với các khoản thu khác nên cũng gây không ít khó khăn cho các bậc phụ huynh, nhất là những gia đình có nhiều con đi học cùng một lúc, bởi họ tập trung cho các nhu cầu khác như sách vở, quần áo hơn là BHYT. Mỗi HS được vận động thu góp 2 loại bảo hiểm cùng 1 lúc ( Y tế và Thân thể) nên có nhiều bậc phụ huynh chọn 1 trong 2 loại đó là Bảo hiểm thân thể (BHTT) vì số tiền đóng ít so với BHYT. Nhiều công ty bảo hiểm thương mại đã đi vận động cha mẹ các em mua bảo hiểm từ trước khi BHYT triển khai đầu năm học, nên nhiều phụ huynh không tham gia cho con em mình nữa.

Mặt khác, việc không cấp thẻ dán ảnh cho học sinh đã dẫn đến việc đi khám chữa bệnh (KCB) của đối tượng không được thuận lợi. Công tác BHYT có lúc có nơi chưa thật sự làm hài lòng các đối tượng có thẻ KCB BHYT. Do công tác BHYT học sinh ở nông thôn có tuyên truyền nhưng chưa thật sự sâu rộng đến các phụ huynh học sinh, vì vậy họ chưa hiểu biết sâu về quyền lợi và trách nhiệm của con em mình khi được tham gia BHYT nên tỉ lệ tham gia còn thấp. Ban giám hiệu các trường tuy đã chú tâm chỉ đạo sát sao trong tổ chức triển khai BHYT và phối kết hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, nhưng vẫn còn một số trường chưa chỉ đạo sát sao đến công tác BHYT, nên tỉ lệ học sinh tham gia thấp. Bên cạnh đó, hoạt động của mạng lưới y tế học đường còn hạn chế, cán bộ chuyên trách phần lớn còn kiêm nhiệm nên kết quả chưa cao. Chất lượng phục vụ và thái độ đón tiếp người đến khám chữa bệnh có thẻ BHYT ở một số cơ sở còn chưa thật sự làm hài lòng người bệnh.

Những nguyên nhân trên cũng dẫn đến những khó khăn cho việc triển khai công tác BHYT học sinh ở nông thôn, khiến tỉ lệ học sinh nông thôn tham gia BHYT thấp.

Giải pháp nào?

Để BHYT học sinh được thực hiện tốt, điều mấu chốt nhất, chính là nhận thức của PHHS và thái độ của cán bộ y tế với người tham gia BHYT, bởi mức phí BHYT HS còn cao so với thu nhập của người dân nông thôn. (209.200đ). Muốn vậy cần tuyên truyền sâu rộng đến các bậc PHHS bởi họ là người trực tiếp chi kinh phí BHYT cho con em. Song việc tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng chưa đủ, chưa tới được từng người dân. Nên chăng nhà trường cần biên soạn “những điều cần biết về BHYT” và dán trên bảng tin, hoặc triển khai trong hội nghị PHHS. Mặt khác, cần tìm mọi biện pháp tuyên truyền làm sao để nhân dân phân biệt được BHYT với các loại bảo hiểm thương mại khác. Muốn vậy cần tích cực tuyên truyền tính ưu việt của BHYT học sinh. Ban giám hiệu nhà trường phải phát huy hết vai trò của mình, không vì lợi nhuận mà lơ là BHYT , phấn đấu không có nơi nào tỉ lệ tham gia BHYT học sinh dưới 40%. Đầu năm, học sinh đóng góp nhiều khoản nên PHHS ưu tiên cho các khoản thu khác hơn. Vì vậy, đề nghị cơ quan bảo hiểm nên thu BHYT học sinh vào thời gian thích hợp.

Ngành y tế nên có định hướng KCB tại trạm y tế xã. Việc cấp phát thuốc BHYT nên đưa về các tuyến xã để tiện cho việc KCB của học sinh với những bệnh nhẹ, tránh tâm lý “ngại” mỗi khi đi khám bệnh ở tuyến huyện. Cần nâng cao y đức cho cán bộ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh, và nhân viên y tế học đường cần thực hiện tốt KCB ban đầu cho học sinh, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ y tế học đường. Làm tốt việc sử dụng kinh phí điều tiết để mua sắm trang thiết bị y tế cần hợp lý.

Ngành y tế, bảo hiểm cần tạo điều kiện về thủ tục hành chính khi thanh toán phí bảo hiểm: Thẻ BHYT cần có dán ảnh, cán bộ y tế cần tạo điều kiện để người có thẻ bảo hiểm được KCB, nếu thẻ hỏng, sai cần cấp lại ngay và tạo điều kiện tốt nhất để các em được KCB kịp thời, tránh gây phiền hà khi đến khám bệnh. Cần giải quyết kịp thời chế độ mỗi khi học sinh KCB ở nơi khác có giấy tờ đầy đủ, hoặc hướng dẫn tận tình chu đáo để người bệnh làm thủ tục nhanh gọn , tránh gây phiền hà.

Ở một số nơi có cách làm hay: Tặng BHYT hành năm cho 5- 10 học sinh ngoan hoặc nghèo vượt khó. Phối hợp khám sức khoẻ định kỳ thông báo kết quả kịp thời đến PHHS về tình hình khám sức khoẻ của con em họ và có lời tư vấn hợp lý. Làm sao để dân thấy được đây là hoạt động nhân đạo, chứ không hoàn toàn nói về quyền lợi của họ. Đó mới chính là cái đích mà bảo hiểm nói chung và bảo hiểm y tế nói riêng đang hướng tới./.
 

Diễm Nguyệt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất