Thứ Ba, 1/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 25/9/2011 14:46'(GMT+7)

Ðồng Tháp, An Giang dồn sức chống lũ

Trường THCS Tân Hội thị xã Hồng Ngự (Ðồng Tháp) ngập trong nước lũ.

Trường THCS Tân Hội thị xã Hồng Ngự (Ðồng Tháp) ngập trong nước lũ.

Khi lũ về vùng lúa...

Sáng 24-9, chúng tôi có mặt tại ấp Tân Hòa Trung, xã Tân Hội (thị xã Hồng Ngự, tỉnh Ðồng Tháp) chưa đầy 24 giờ sau vụ vỡ đê  nhấn chìm 200 ha lúa đang kỳ trổ rộ. Nhà cửa, ruộng vườn ngập chìm trong nước. Cả cánh đồng lúa đang trổ vàng giờ mênh mông biển nước. Bà Lê Thị Nở, ngụ xã Tân Hội có 30 công đất lúa cho biết, đê vỡ, chỉ vài chục phút là lúa đã ngập lút đầu. Chỉ còn non chục ngày nữa là 30 công lúa của tui sẽ cho thu hoạch, giờ thì trắng tay. Cùng cảnh ngộ bà Nở là hàng nghìn người khác trong vùng đê bao thuộc tiểu vùng sản xuất lúa vụ ba vừa bị vỡ đê thuộc xã Tân Hội. Thiệt hại vụ vỡ đê tại Tân Hội ước hàng chục tỷ đồng. 'Nước lên nhanh quá trong khi cao trình và độ rộng của đê không thể chịu nổi áp lực nước nên mới bị bể. Rạng sáng 23-9 đã có dấu hiệu rò rỉ, sau đó lan nhanh và bắt đầu bể với chiều rộng ban đầu khoảng hai chục mét. Nhưng do độ chênh mực nước lớn nên chỉ vài giờ là nước sang bằng giữa ruộng với ngoài sông' - ông Trần Văn Ðúp, nhà gần Trường tiểu học Tân Hội kể lại. Ðịa phương đang tính thiệt hại kinh tế đối với diện tích lúa do vỡ đê gây ra. Trong khi đó, một số tiểu vùng sản xuất vụ ba khác cũng thuộc xã Tân Hội, nhiều đoạn đê đã có dấu hiệu rò rỉ. Nhân dân đang ngày đêm túc trực ứng cứu.

Tại An Giang, mưa liên tục trên diện rộng làm ngập 14.059 ha lúa vụ vừa mới sạ phải sạ lại và khoảng 500 ha cần dặm vá, ước tổng thiệt hại hơn 14 tỷ đồng. Hệ thống đê xung yếu các tiểu vùng sản xuất vụ ba cũng đang oằn mình chống chọi với con nước dâng hằng ngày. Hiện, An Giang còn 70 km đê xung yếu và khoảng 300 km đê yếu cần khẩn cấp gia cố. Ðặc biệt, nhiều điểm đê đang bị rò rỉ, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào gồm: Huyện An Phú (ba tuyến), đập Tân Lập (Tịnh Biên), đê Ðường Thét và đê Mặc Cần Dưng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy PCLB  tỉnh Lê Văn Nưng cho biết: Theo dự báo, sắp tới, lũ trên sông Tiền tại Tân Châu đạt 4,74 m, trên sông Hậu đạt 4,06 m, vượt báo động III thì An Giang sẽ có  khoảng 1.000 km đê bị ảnh hưởng, trong đó có  400 km đê xung yếu cần khẩn cấp gia cố. Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lữ Cẩm Khường cho biết, toàn huyện An Phú đang có 9,5 km đê bao nước đã dâng mấp mé bờ. Huyện đang huy động toàn bộ lực lượng để gia cố đê bằng bao cát, cừ tràm, lưới da rắn...

Cùng với việc khẩn trương gia cố hệ thống đê bảo vệ hơn 120.000 ha lúa vụ ba đang trổ, tỉnh đầu nguồn An Giang còn phải đối mặt với tình trạng sạt lở đất bờ sông nghiêm trọng, khiến 500 gia đình buộc phải di dời khẩn cấp. Theo đó, từ ngày 28-8 đến nay đã có hàng loạt vụ sạt lở nghiêm trọng như: Sạt lở 2.000 m2 tại xã Mỹ Hòa Hưng (thành phố Long Xuyên) khiến 36 hộ phải di dời khẩn cấp; vụ sạt lở liên hoàn lộ giao thông nông thôn tại xã Bình Thủy, huyện Châu Phú (ven bờ sông Hậu) khẩn cấp di dời 21 hộ và 38 hộ tiếp tục di dời vì nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở. Vụ sạt lở tại xã Vĩnh Hòa (thị xã Tân Châu) khiến hơn 4.700 m2 đất rơi xuống sông...

...và tràn vào trường học

Trở lại điểm vỡ đê thuộc xã Tân Hội (thị xã Hồng Ngự, Ðồng Tháp), hàng trăm học sinh buộc phải nghỉ học do nước lũ đã nhấn lút sân trường gần mét nước. Tại điểm Trường tiểu học Tân Hội, thầy Trần Nhật Linh, giáo viên thể dục cho biết: 'Nước bắt đầu lên vào đầu giờ sáng 23-9, ban đầu chỉ mấp mé, nhưng trong khoảng ba giờ sau đã lên quá đầu gối người lớn, buộc nhà trường xin ý kiến khẩn từ Phòng Giáo dục và Ðào tạo thị xã và quyết định cho học sinh nghỉ học trước mắt hai tuần'. Trong khi đó, em Ðoàn Thị Mỹ Phúc, học sinh lớp 5B nói 'Buổi sáng cũng có nước nhưng chỉ ướt chân thôi, nhưng đến giờ ra chơi nước lên cao lắm, học sinh cùng thầy cô phải khẩn trương khiêng bàn ghế xếp lên và buổi chiều thì Ban giám hiệu cho nghỉ học'. Cách đó không xa, tại điểm Trường Tân Hội 1, nước ngập sâu hơn cả Trường tiểu học Tân Hội, thầy Nguyễn Tuấn Khanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nước lên nhanh, mạnh khiến toàn bộ sân trường nước ngập cao hơn cả đầu học sinh lớp 3. Có 198 học sinh thuộc chín lớp đã được nghỉ học từ chiều 23-9. Khi nào nước rút thì bắt đầu học lại. Cũng tại Trường tiểu học Tân Hội 1, ba phòng ở nhà công vụ giáo viên, tất cả đồ dùng sinh hoạt, giường chiếu đã bị ngập, hư hại. Trong khi đó, tại Trường THCS Tân Hội, việc học vẫn diễn ra bình thường tuy nước đã dâng lên ngập sân và đường dẫn vào trường. Thầy Nguyễn Văn Út, Phó Hiệu trưởng cho biết, nếu nước còn dâng tiếp và ngập sâu hơn thì sẽ xin ý kiến Phòng Giáo dục và Ðào tạo thị xã để học sinh nghỉ học. Tại xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, đã có ba trường cho học sinh nghỉ lũ: Trường tiểu học Bình Thạnh; Trường tiểu học Bình Thạnh 1 và Trường mẫu giáo Bình Thạnh. Tổng số học sinh phải nghỉ của ba trường này là hơn 1.500 em. Trường mẫu giáo Bình Thạnh bắt đầu nghỉ từ ngày 19-9; hai trường còn lại bắt đầu nghỉ từ ngày 21-9. Tình trạng này không trực tiếp ảnh hưởng đến việc dạy và học mà chủ yếu đe dọa sự an toàn của học sinh, nhất là bậc tiểu học và mầm non.

Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Ðồng Tháp Hồ Văn Thống cho biết: Quan điểm của địa phương là không để học sinh vùng ngập lũ gặp nguy hiểm trong trường hợp lũ dâng cao. Việc tổ chức đưa rước học sinh ở các nơi ngập không quá sâu, có dòng chảy ít nguy hiểm... là một giải pháp tình thế khá tốt, nhưng đối với những nơi có dòng chảy mạnh, phức tạp thì cho học sinh nghỉ lũ là giải pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho học sinh. Từ đầu năm, ngành giáo dục địa phương đã chỉ đạo giảng dạy trước ba tuần so với chương trình chung, do vậy, nếu phải cho học sinh nghỉ lũ  năm đến sáu tuần thì việc dạy bù lại sau khi lũ rút sẽ không quá bị động.

Những giải  pháp ứng phó

Lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên rất nhanh cộng với diễn biến thời tiết mưa nhiều trên diện rộng khiến hai tỉnh đầu nguồn là An Giang, Ðồng Tháp đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Theo dự báo, vài ngày tới, mực nước lũ sẽ lên vượt báo động 3. 'Nếu diễn biến mưa và mực nước tại thượng nguồn đang rất cao như hiện nay thì trong vài ngày tới, An Giang sẽ chính thức ra thông báo tình trạng lũ khẩn cấp để kịp thời ứng phó', Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh nhấn mạnh. Tại Ðồng Tháp, hiện huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự là hai địa phương ảnh hưởng nặng nhất với tình hình diễn biến bất thường của lũ. Hàng nghìn ha lúa vụ ba đang phát triển tốt có nguy cơ mất trắng bất cứ lúc nào khi cao trình đê đang có nguy cơ bị nước lũ vượt qua.

Ngày 24-9, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn quốc gia Cao Ðức Phát cùng lãnh đạo các ngành liên quan đã có chuyến thị sát thực tế tình hình lũ sông Cửu Long tại An Giang, Ðồng Tháp. Theo đó, tình hình lũ sông Cửu Long năm nay sẽ bằng hoặc cao hơn đỉnh lũ năm 2000 và cao nhất trong vòng tám năm qua tại đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, hàng loạt biện pháp phải được các địa phương khẩn trương thực hiện, trong đó hai vấn đề quan trọng nhất là bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân và không để vỡ đê gây mất trắng sản xuất lúa vụ ba được ưu tiên hàng đầu. Bộ trưởng Cao Ðức Phát đề nghị hai tỉnh: Trong vòng 15 ngày tới, tình hình lũ đầu nguồn sẽ cực kỳ nghiêm trọng do lượng nước từ thượng nguồn đổ về rất nhanh. Do vậy, chúng ta phải xử lý quyết liệt ngay từ bây giờ với phương châm phòng là chính. Cần theo dõi sát tình hình dự báo thời tiết, mực nước và có thông báo cập nhật đến từng hộ dân để chung sức cùng địa phương chủ động ứng phó. Từ tỉnh, huyện đến xã, ấp phải rà soát tình hình khẩn cấp. Kịp thời, ứng trực 24/24 giờ, không để bất kỳ sự cố đáng tiếc xảy ra. Xác định rõ các tuyến đê xung yếu, chuẩn bị lực lượng với phương châm bốn tại chỗ nghiêm túc. Những điểm sạt lở phải di dời dân khẩn cấp. Bộ trưởng Cao Ðức Phát đánh giá cao mô hình đưa rước học sinh đến trường an toàn của An Giang và đề nghị cần đẩy mạnh triển khai ở những điểm ngập sâu. Tổ chức điểm giữ trẻ tốt hơn nữa, quyết tâm cao nhất là không để thiệt hại về người, nhất là trẻ em.

Bảo Trị, Hải Đăng/Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất