Trước thềm khai giảng năm học mới 2012-2013, sáng 31/8, tại thành phố Hà Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã tổ chức Lễ biểu dương gương sáng trong giảng dạy và học tập năm học 2011-2012 với sự tham dự của 108 thầy cô giáo, 110 học sinh, sinh viên đang giảng dạy và học tập tại các trường mầm non, dân tộc nội trú, trung tâm cộng đồng; các trường dạy nghề, cao đẳng, trung cấp trong tỉnh.
Là một tỉnh miền núi cực Bắc Tổ quốc, điều kiện tự nhiên, khí hậu và dân cư không thuận lợi đã gây cho Hà Giang không ít khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội. Vượt khó đi lên, trong điều kiện một tỉnh có trên 50% hộ ở diện nghèo và cực nghèo, 6/62 huyện nghèo nhất nước, ngành giáo dục đào tạo của Hà Giang những năm qua đã có những bước phát triển nhất định cả về qui mô và chất lượng. So với 10 năm trước, giáo dục Hà Giang đã có bước tiến dài trên con đường hội nhập và phát triển.
Cả tỉnh không còn thôn, bản trắng về giáo dục mầm non; mô hình Trường Dân tộc nội trú, bán trú dân nuôi, các điểm trường đang ngày càng phát huy tính ưu việt trong sự nghiệp giáo dục đào tạo cho đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
218 gương sáng trong giảng dạy và học tập được lựa chọn từ 640 đơn vị trường học và 195 Trung tâm cộng đồng trên địa bàn tỉnh là những tấm gương tiêu biểu về lòng yêu người, yêu nghề, vượt khó để bám trường, bám lớp, ý chí tiến công học hỏi con chữ, học kiến thức để giúp bản thân và quê hương thoát nghèo.
Nhiều gương sáng là những nữ giáo viên có trên chục năm bám trường, bám lớp ở vùng biên giới hẻo lánh; dành cả đồng lương ít ỏi để nuôi gần chục học sinh bán trú. Họ là những giáo viên không ngại thân gái dặm trường, từ vùng xuôi lên dạy chữ cho con em đồng bào các dân tộc. Thầy, cô giáo tự học tiếng Mông, nói và giao tiếp thành thạo để tiếp xúc với các gia đình, ngày lên lớp dạy học, đêm đi vận động các gia đình không cho con em bỏ học. Dạy chữ cho học sinh đã khó; vận động cho các gia đình đồng ý để con em không đi nương, đi rừng mà đến trường học chữ lại càng khó hơn. Và, giữ được sĩ số học sinh mỗi lớp (thường mỗi lớp cấp tiểu học ở vùng cao chỉ có 15 học sinh) lại là một vấn đề không nhỏ. Vượt qua khó khăn, nhiều giáo viên vùng cao đã làm được điều đó; có cô giáo nhiều năm liền luôn giữ được tỷ lệ 100% học sinh đi học, không bỏ lớp giữa chừng.
Có nữ học sinh người dân tộc, là con thứ 6 trong gia đình, bố mẹ không biết chữ; mỗi tuần đi bộ gần chục km đường rừng đến trường đi học; đầu tuần lên trường học, cuối tuần về giúp gia đình làm nương, chăn nuôi. Mơ ước của cô gái bé nhỏ là học chữ để sau này làm giáo viên về dạy chữ cho bà con Lô Lô quê hương em…
Lễ biểu dương gương sáng trong giảng dạy và học tập được tổ chức hàng năm là cơ hội để các thầy cô giáo, các em học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh chia sẻ và học tập kinh nghiệm; là dịp để các nhà quản lý, lãnh đạo đảng, chính quyền, đoàn thể lắng nghe tâm tư nguyện vọng của thầy và trò để có những hỗ trợ cần thiết về chính sách, đầu tư, sử dụng nguồn nhân lực…; chung sức đưa sự nghiệp giáo dục tỉnh Hà Giang không ngừng phát triển./.
Công Hải - TTXVN